Chỉ đến khi kho hàng điện tử không nguồn gốc xuất xứ nằm trong ngách 162 đường Khương Đình, Thanh Xuân bị phát hiện và bị làm rõ nguồn gốc thì nhiều người mới giật mình. Hóa ra lâu nay những sản phẩm được tặng kèm trong những đợt khuyến mãi rầm rộ tại không ít siêu thị điện máy được tung hô có giá trị lớn đều là hàng kém chất lượng.
Kho hàng nhập lậu đó nằm trong ngõ sâu, việc phát hiện càng trở nên khó khăn hơn khi các đối tượng vận chuyển ngụy trang bằng thùng giấy hoặc bao tải. Giữa tháng 7 vừa qua, hàng được chuyển về và cả kho hàng tại số 4, ngách 162/24 đường Khương Đình, dùng để chứa hàng nhập lậu. Tại đây lực lượng công an phối hợp với quản lý thị trường phát hiện 112 hộp loa và 63 hộp micro các loại. Chủ nhân của số hàng trên là Nguyễn Văn Đức, trú tại thôn Phú Mỹ, Mỹ Đình, Từ Liêm.
Số hàng này phần nhiều do Trung Quốc sản xuất, chủ nhân đã không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hàng hóa trong kho chưa được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng cũng như không có đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành sản phẩm.
Toàn bộ số hàng này có trị giá khoảng 170 triệu đồng, được gom từ nhiều nguồn hàng trôi nổi trên thị trường với giá rất rẻ. Theo lời khai của chủ hàng, phần lớn hàng được tuồn vào các siêu thị, cửa hàng điện máy để bán hoặc sử dụng làm hàng khuyến mãi. Giá trị của món hàng nhập lậu lúc này được nâng lên rất nhiều và được tiêu thụ nhanh bởi các đối tượng đã biết cách đánh trúng vào tâm lý thích khuyến mãi, ham của rẻ của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng. Mua một sản phẩm điện tử – điện máy vài triệu đồng đã được tặng cả một bộ loa có giá trị tương đương, mua một hóa ra là được hai, ai mà chả ham.
Không chỉ bán chạy, những loại hàng hóa kém chất lượng và không được bảo hành này còn khó bị phát hiện so với các hình thức khác mà nếu không có sự can thiệp của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng, bằng mắt thường càng không dễ phát hiện. Đại diện ngành hàng điện tử tại siêu thị điện máy lớn ở Hà Nội cho biết, ngoài việc hỗ trợ trang trí quầy, nhân viên bán hàng, các hãng điện tử lớn thường ít xuất hàng khuyến mãi kèm theo mà chỉ tính thưởng theo doanh thu. Càng bán được nhiều, doanh thu càng lớn.
Vì thế, các siêu thị, cửa hàng thường phải nhìn nhau để kích cầu. Do không được chính hãng hỗ trợ nên họ phải tìm các nguồn hàng bên ngoài, nguyên tắc là nhập hàng càng rẻ càng tốt vì các đợt khuyến mãi hiện nay dồn dập, mỗi đợt lại có hàng trăm mặt hàng giảm giá, tặng quà, không nhập hàng rẻ, doanh nghiệp khó đảm bảo doanh thu.
Việc nhập hàng trôi nổi, nhái thương hiệu là khó tránh được nhưng khi công bố đều phải nâng giá bằng sản phẩm tương tự chính hãng, nếu không thì chả khác nào “giấu đầu hở đuôi”. Điều quan trọng là người tiêu dùng thường kiểm tra kỹ thông tin của sản phẩm chính, còn với hàng khuyến mãi, quà tặng kèm theo họ chỉ cần biết giá trị càng lớn càng tốt.
Theo ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động giảm giá khuyến mãi là Sở Công Thương mới chỉ quản lý được về giá các mặt hàng khuyến mãi với mức khống chế theo quy định không vượt quá 50% giá trị, chưa kiểm soát được chất lượng các sản phẩm khuyến mãi kèm theo. Ngay cả trong việc kê khai giá, các cơ quan kiểm soát theo mức giá doanh nghiệp tự kê khai chứ chưa có cơ sở để xác định xem đó có thực sự là giá gốc, giá thật hay đã có hiện tượng nâng giá rồi lợi dụng chiêu trò giảm giá để kích cầu mua sắm.
Ông Phú cho rằng, chỉ cần lợi dụng kẽ hở này nhiều cửa hàng kinh doanh không chỉ lừa người tiêu dùng mà còn qua mặt cả cơ quan chức năng.
Từ thực tế này, bà Vũ Thị Bạch Nga – Trưởng Ban bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khuyến cáo, trước mắt để bảo vệ quyền lợi của mình, người tiêu dùng cần phải hết sức cẩn trọng, tỉnh táo, không nên hoa mắt và sa đà vào khuyến mãi. Khi chọn mua hoặc được tặng bất kỳ sản phẩm nào cũng phải tìm hiểu xuất xứ, nhãn mác, thương hiệu. Cần đọc kỹ nội dung cụ thể ghi trên bao bì để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Theo nss.vn