Theo đánh giá chỉ số phát triển bán kẻ toàn cầu của A.T. Kearney về mức độ tiềm năng thì Việt Nam được xếp hạng cao nhất thế giới vào năm 2008. Tuy nhiên, đến năm 2011, Việt Nam tụt xuống hạng 23 và năm 2012 chỉ còn ở thứ 30.
Ngoài ra, giá thuê mặt bằng quá cao so với những quốc gia khác trong khu vực cũng khiến cho các nhà đầu tư bán lẻ thế giới e ngại với thị trường này.
Theo các nhà kinh doanh bán lẻ, mặc dù mặt bằng bán lẻ đang trong tình trạng thừa cung nhưng giá thuê vẫn không hề giảm. Giá thuê đắt đỏ cộng với việc khó tìm được những vị trí thích hợp để kinh doanh khiến các nhà bán lẻ trong và ngoài nước ngao ngán.
Ông Tham Tuch Choy, Tổng giám đốc Parkson Việt Nam, cho biết, công ty rất khó khăn để tìm địa điểm mở mới. Theo kế hoạch, mỗi năm, ít nhất công ty mở thêm một trung tâm bán lẻ, nhưng đến nay thì đến 2-3 năm Parkson mới mở một điểm mới.
Theo các nhà bán lẻ, hiện nay, các khu đất lớn đủ quy mô làm đại siêu thị tổng hợp ngày càng ít đi, giá bất động sản vẫn ở mức rất cao, nhất là tại các thành phố lớn đã đẩy thời gian có lãi của một dự án siêu thị quá lâu so với mức cho phép.
Do việc tìm kiếm mặt bằng quá khó nên hệ thống siêu thị Big C dù đang tăng tốc mở rộng mạng lưới, nhưng mở bao nhiêu điểm bán mới luôn là điều không thể nói trước. Tất cả tùy thuộc vào việc tìm kiếm mặt bằng. Nếu tìm được những vị trí tốt, chúng tôi sẽ triển khai, còn không thì không thể mạo hiểm”, ông Pascal Billaud, Tổng giám đốc Big C Việt Nam cho biết.
Khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường như Nielsen, TNS, FTA đều cho thấy, trong bối cảnh hiện nay người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm hơn.
Theo khảo sát của Nielsen trong quý 2/2012, 86% người tiêu dùng Việt Nam cho biết đã thay đổi thói quen mua sắm để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, các khoản được tiết kiệm nhất là điện và nước (70%), giải trí ở ngoài (63%), mua quần áo mới (63%), nâng cấp các thiết bị điện tử (53%) và điện thoại (51%).
Do phải cân nhắc hơn trong chi tiêu nên sự trung thành của người tiêu dùng đối với các nhãn hiệu cũng giảm sút. Số liệu thống kê của TNS cho thấy, năm 2004 có đến 93% khách hàng cho rằng họ sẽ trung thành với nhãn hiệu, nhưng đến năm 2011 con số này chỉ còn 60%.
Rõ ràng, áp lực cạnh tranh sẽ vì thế mà tăng lên đáng kể đối với doanh nghiệp. Không những thế, lâu nay, nhóm ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) được xem là nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Thế nhưng, thời điểm này, mức tăng trưởng của ngành này tụt giảm mạnh. Chỉ trong vòng một năm, tăng trưởng về số lượng của nhóm ngành hàng này đã giảm đến hơn 80%, từ 89% (năm 2010) xuống còn 1,4% (năm 2011).
Theo dự báo của các chuyên gia, từ nay đến cuối năm, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn chưa thể có đột biến về quy mô, dung lượng thị trường cũng như tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh âm thầm của các doanh nghiệp nước ngoài thì các nhà kinh doanh bán lẻ Việt Nam cần phải cẩn trọng, chuẩn bị tiềm lực cho giai đoạn cạnh tranh quyết liệt sắp tới.
Theo cafef.vn