Nhiều lĩnh vực CNTT-TT giảm tăng trưởng

Các ngành công nghiệp phần mềm, viễn thông, cũng như chi tiêu trong lĩnh vực phần cứng đã có sự sụt giảm mạnh về mức độ tăng trưởng trong năm 2011.

Những thông tin trên được ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) đưa ra trong bài trình bày hiện trạng CNTT-TT Việt Nam qua Sách trắng 2012, tại Hội thảo Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam do Hội Tin học TP.HCM (HCA), Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG và Sở TT&TT TP.HCM phối hợp tổ chức hôm nay (29/8) tại TP.HCM dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT và UBND TP.HCM.

Theo ông Nguyễn Trọng Đường, công nghiệp CNTT tiếp tục khẳng định là ngành kinh tế quan trọng, với tốc độ tăng trưởng cao (dù trong bối cảnh suy thoái kinh tế), đóng góp ngày càng tăng vào GDP. Tổng doanh thu toàn ngành CNTT – TT trong năm 2011 đạt 20 tỷ USD, tăng ngoạn mục 79% so với năm 2010. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng trưởng cao của lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử với doanh thu chiếm 82% tổng doanh thu ngành.

Tuy nhiên, mặc dù mức tăng trưởng chung vẫn cao, nhưng ở một số lĩnh vực CNTT-TT đã có sự giảm sút về tốc độ tăng trưởng trong năm 2011. Cụ thể, ngành công nghiệp phần mềm mặc dù vẫn thể hiện là một lĩnh vực giàu tiềm năng, doanh thu năm 2011 đạt 1,17 tỷ USD, nhưng mức độ tăng trưởng chỉ còn 10% (trong khi các năm trước đều trên 20%). Nguyên nhân do thị trường phần mềm trong nước và xuất khẩu đều bị ảnh hưởng mạnh bởi suy thoái kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam và bị cạnh tranh gay gắt từ các nước như Philippines, Trung Quốc, Ấn Độ…

Tổng số doanh nghiệp phần mềm ước tính khoảng 1.500 với 79.000 lao động. Năng suất lĩnh vực này đạt 18.855 USD/người/năm. Đặc biệt, mức lương bình quân của lĩnh vực phần mềm có sự suy giảm, đạt mức trung bình khoảng 5.034 USD/người/năm.

Ở chỉ số tiêu dùng CNTT Việt Nam, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 17%/năm, nhưng ở sản phẩm phần cứng, điện tử mặc dù chiếm tỉ trọng chủ yếu nhưng hiện cũng đang giảm dần, nếu năm 2006 chiếm đến 88% thì trong năm 2011 chỉ còn khoảng 84%.

Một lĩnh vực trong ngành CNTT-TT cũng bị suy giảm mạnh là viễn thông. Tính đến nay thị trường viễn thông Việt Nam có 6 nhà cung cấp dịch vụ cố định, 7 nhà cung cấp dịch vụ di động và 50 nhà cung cấp dịch vụ Internet. Năm 2011, do tác động của suy giảm kinh tế và chênh lệch tỷ giá USD/VND, tổng doanh thu viễn thông chỉ đạt 7 tỷ USD, giảm gần 26% so với năm 2010 (9 tỉ USD). Bên cạnh đó doanh thu dịch vụ di động giảm từ 5,7 tỷ USD xuống còn 5,4 tỷ USD.

Hai điểm sáng trong ngành CNTT-TT năm 2011 chính là doanh thu ở lĩnh vực phần cứng và bưu chính.

Năm 2011, công nghiệp phần cứng điện tử đạt doanh thu 11,3 tỷ USD, tăng 101% so với năm 2010, chiếm 82% tổng doanh thu của ngành công nghiệp CNTT. Sự tăng trưởng này là nhờ sự đóng góp doanh thu xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp như Samsung, Canon, Panasonic, Foxcomm, Nokia…. do đã hoàn thành xây dựng các nhà máy mới và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm phần cứng, điện tử. Tổng kim ngạch xuất khẩu máy tính, sản phẩm, linh kiện điện tử và thiết bị viễn thông đạt trên 10,89 tỷ USD, tăng trên 92,2% so với năm 2010, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu đã cao hơn nhập khẩu 428 triệu USD. Nhóm mặt hàng điện thoại di động có doanh thu xuất khẩu cao nhất, với 60% tổng kim ngạch. Hiện có 167.000 lao động đang làm việc trong hơn 600 doanh nghiệp phần cứng – điện tử tại Việt Nam.

Có một điều đáng lo ngại là doanh thu ngành công nghiệp phần cứng chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI là chính, trong khi đó các doanh nghiệp phần cứng trong nước với cách làm theo kiểu lắp ráp, chủ yếu phân phối bán hàng lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Trọng Đường, nếu không có sự chuyển hướng các doanh nghiệp làm phần cứng trong nước sẽ gặp nhiều thách thức trong thời gian tới.

Bên cạnh phần cứng thì lĩnh vực bưu chính cũng có nhiều khởi sắc khi năm 2011, doanh thu dịch vụ bưu chính đạt trên 246,2 triệu USD, tăng 16% so với năm 2010. Tính đến tháng 12/2011, cả nước có 38 doanh nghiệp chính thức được cấp giấy phép (tăng 7 doanh nghiệp) và 40 doanh nghiệp xác nhận thông báo hoạt động (tăng 11 doanh nghiệp).

Về thị phần cung cấp dịch vụ bưu chính, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam là nhà cung cấp chiếm thị phần lớn nhất với 36,26%, tiếp theo là liên doanh DHL-VNPT với 15,43%. Tuy nhiên 2 nhà cung cấp này đang bị sụt giảm thị phần doanh thu so với năm 2010.

Theo ICTnews