Trước ý kiến than phiền quy định hiện nay không tạo được sự công bằng cho doanh nghiệp “nội” và “ngoại”, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Quản lý PTTH và TTĐT cho rằng, cần có cơ chế đặc thù khuyến khích doanh nghiệp “nội” phát triển các dịch vụ Internet như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm…
Thông tin trên Internet đang lấn át báo in
Ngày 15/1/2013, Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về phát triển hạ tầng thông tin, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Quản lý Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho biết, theo kết quả nghiên cứu năm 2011 của một công ty chuyên về điều tra xã hội học trong lĩnh vực Internet, hơn 95% số người truy cập Internet để đọc thông tin là chủ yếu thông qua các website tổng hợp, mạng xã hội (MXH) và tỷ lệ sử dụng công cụ tìm kiếm thông tin khi sử dụng Internet cũng khoảng hơn 95%. Báo cáo 2011 của Yahoo! về Internet Việt Nam tại 4 thành phố lớn cũng cho thấy, lần đầu tiên, tỷ lệ người tìm kiếm thông tin trên Internet đã cao hơn tỷ lệ người đọc báo in và nghe đài. “Điều đó cho thấy, Internet đã trở thành phương tiện truyền thông rất quan trọng, và thậm chí đang từng bước lấn át các phương tiện truyền thông truyền thống như báo, tạp chí in”, ông Bảo cho biết thêm.
Bên cạnh những thông tin tích cực, thúc đẩy sự phát triển xã hội, trên Internet cũng tồn tại những thông tin tiêu cực như thông tin không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; thông tin sai trái, độc hại có tính chất tội phạm tin học hay thậm chí thông tin sai trái có tính chất chính trị, xuyên tạc sự thật lịch sử… Chưa kể đến, thông tin trên các mạng xã hội còn là những thông tin không chính thống, mang tính cá nhân, thiếu chọn lọc, khó xác định nguồn tin, khó kiểm chứng và có động cơ, mục đích không rõ ràng hoặc động cơ xấu…
“Nhận thức được tính hai mặt của nội dung thông tin trên Internet giúp chúng ta có định hướng chính sách và giải pháp quản lý thông tin phù hợp nhằm phát huy mặt tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực của thông tin sai trái, độc hại, nhất là khi số liệu thống kê người dùng Internet cuối tháng 7/2012 của Google cho thấy, trong số 10 website có số lượng người dùng nhiều nhất tại Việt Nam, thì đứng đầu là 4 website truyền thông xã hội, sau đó mới đến các báo điện tử”, ông Bảo kết luận.
Cần có cơ chế đặc thù khuyến khích các doanh nghiệp “nội”
Cũng theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, vấn đề khó khăn trong việc xây dựng và thực thi chính sách pháp luật là do tính chất mở và không biên giới của Internet. Bởi vì, một hành vi trên Internet có thể vi phạm pháp luật của quốc gia này, nhưng lại là được phép ở một quốc gia khác nên việc xử lý vi phạm, yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai trái trên môi trường mạng cũng bị giới hạn, chỉ có tác dụng nhất định khi người vi phạm, hành vi vi phạm xảy ra ở quốc gia đó. Do vậy, các doanh nghiệp trong nước chịu sự điều chỉnh chặt chẽ của luật pháp Việt Nam, trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thì mức độ chịu sự điều chỉnh là rất hạn chế, thậm chí không điều chỉnh được bằng các biện pháp hành chính. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp nước ngoài, làm cho dịch vụ nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn, có lợi thế cạnh tranh lớn hơn và ngày càng thu hút người dùng Việt Nam.
“Vì vậy, chúng ta cần có cơ chế đặc thù khuyến khích các doanh nghiệp “nội” phát triển một số dịch vụ Internet quan trọng để thu hút người dùng Việt Nam và tập trung phát triển các dịch vụ quan trọng nhất như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, các dịch vụ giải trí trực tuyến”, ông Bảo kết luận.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng để mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên có ý thức tự bảo vệ mình và trở thành bộ lọc thông tin, hướng dẫn những người xung quanh nhận biết, sàng lọc các thông tin xấu, thông tin độc hại.
Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho rằng, để hạn chế mặt trái của Internet, các cơ quan quản lý Nhà nước phải đưa ra những biện pháp quản lý phù hợp. Nếu đưa ra các biện pháp quản lý không đúng, dựa trên sự lo sợ, quan ngại thì sẽ ngăn cản sự phát triển của Internet. Như trang tin điện tử, cách quản lý tốt nhất không phải là chúng ta đi “soi” từng trang web vi phạm mà phải chủ động cung cấp những thông tin tốt nhiều hơn, mạnh hơn, kịp thời hơn trên các trang báo chính thức, blog cá nhân thay vì đợi có thông tin xấu thì mới phản ứng lại. Đây là những thách thức cũ mà vẫn mới bởi đến giờ vẫn chưa có được giải pháp trọn vẹn nhất.
Theo số liệu của Bộ TT&TT, tính đến cuối năm 2012, cả nước có 12 báo, tạp chí thuần nhất là báo chí điện tử, gần 300 trang tin điện tử của các báo, tạp chí, đài phát thanh – truyền hình. Về truyền thông xã hội, có hơn 1.200 trang tin điện tử tổng hợp đã được cấp phép, 330 mạng xã hội đã đăng ký hoạt động và một số lượng rất lớn các blog cá nhân.
Theo ICTnews