VLR: Tielman Nieuwoudt là một chuyên gia nổi tiếng về chuỗi cung ứng. Vào cuối năm 2008, đầu năm 2009, ông đã tới Việt Nam để nghiên cứu về thực trạng chuỗi cung ứng, và hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp. VLR trân trọng giới thiệu với bạn đọc một cái nhìn khách quan của chuyên gia này qua bài viết sau đây. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tìm kiếm nhiều phương cách để hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn. Nghiên cứu cho thấy Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) có khả năng giảm được khoảng 45% hàng tồn kho. Cho đến nay, ERP vẫn nằm ngoài tầm với của nhiều doanh nghiệp Việt Nam vì mức độ đầu tư quá lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Nhiều doanh nghiệp địa phương không thừa nhận sự tồn tại của ERP. Tuy nhiên ngày nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có quan điểm mới về ERP và ERP đã trở thành một chọn lựa.
Thị trường ERP của Việt Nam vẫn còn tương đối nhỏ, nhưng 5 năm gần đây, nó đã phát triển mạnh và đã có những thay đổi đáng kể. Nguyễn Chí Đức, Tổng Giám đốc một công ty phần mềm ở Việt Nam và là một chuyên gia cung cấp phần mềm ERP đã phát biểu: “Thị trường nội địa Việt Nam đang phát triển nhanh vì các công ty đã nhận ra lợi ích của ERP”. Ông nói thêm, Việt Nam từ khi gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO), các doanh nghiệp trong nước càng bị áp lực cao vì sự cạnh tranh và công kích của thị trường quốc tế. Ông Đức cho biết, các công ty ở Việt Nam cũng không khác gì so với các đối tác khác ở Mỹ và châu Âu. Họ đang tìm các nhà cung cấp có khả năng đáp ứng tốt và có chất lượng phục vụ. Tìm dữ liệu để xác định được tầm cỡ của thị trường có thể là một thử thách. Đa số các công ty đều rất vất vả trong việc xác định tầm cỡ thị trường và phân khúc thị trường riêng lẻ.
Những khái niệm sai lầm về Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP)
5 năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên, quản lý chuỗi cung ứng vẫn còn là một ngành tương đối mới. Long Chandara, Giám đốc Quốc gia tại Tập đoàn Tectura, một công ty cung cấp dịch vụ phần mềm ERP với Văn phòng Quốc gia Việt Nam, cho biết: “Có rất nhiều khái niệm sai lầm về chuỗi cung ứng”. Đối với các nhà cung cấp, khi quản lý các khách hàng thân thiết của mình, Chandara nêu bật những điều cần thiết mà ERP có thể và không thể cung ứng được. Ví dụ, một công ty Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực trả lương và mong chờ ERP cung cấp một phần mềm có chức năng tương ứng và có những lợi ích tốt nhất. Đây là một khái niệm sai lầm về ERP. ERP không phải là một viên đạn thần kỳ có thể thay thế được mọi phần mềm quản lý tốt nhất trong một cơ quan. Một thử thách khác có thể được đặt ra cho các nhà lãnh đạo. Ông Đức nói ngắn gọn: “Một số nhà lãnh đạo không nhận ra những lợi ích của ERP”. Các nhà lãnh đạo nên quan tâm đến ERP, cần đầu tư thời gian cần thiết để triển khai những kiến thức rõ ràng về ERP và những tiềm năng lợi ích to lớn của nó cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tính linh hoạt của ERP
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngày càng ứng dụng ERP làm điều kiện để thay đổi tổ chức. Tuy nhiên, tính linh hoạt của ERP được xem là điểm then chốt đối với bất kỳ một dự án ưu tiên thực thi nào. Chandara cho biết: “Các công ty Việt Nam không hiểu ERP”. Ví dụ, các quy trình kinh doanh đơn giản và chuẩn mực hóa là phần quan trọng trong bất kỳ việc triển khai thực hiện ERP nào. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiếu hẳn các quy trình thiết yếu này. Tương tự, việc đánh giá doanh nghiệp cũng quan trọng không kém. Abesolom Abby Fidel, nhà tư vấn độc lập SAP tại Việt Nam cho biết: “Có một định nghĩa sai lầm cho rằng các quy trình kinh doanh đang hoạt động trong hiện tại sẽ tự động nâng cấp”. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư thêm thời gian trong việc đánh giá những quy trình kinh doanh tốt, hơn là xem xét những hoạt động kinh doanh hiện tại. Với sự hạn chế dữ liệu, việc nhận định những hoạt động kinh doanh tốt nhất có thể là một công việc khó khăn. Các công ty Việt Nam cần thể chế hóa việc thực thi và công khai rõ ràng cách đánh giá hoạt động kinh doanh. Có những việc không bao giờ xảy ra.
Cộng tác giới hạn
Việc cộng tác và chia sẻ thông tin giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng chưa được phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam. Chandara và ông Đức cũng nói đến hạn chế này. Sự cộng tác độc lập giới hạn và những mâu thuẫn có thể tác động rất lớn đến quá trình triển khai thực hiện ERP. Sự cộng tác yêu kém trong chuỗi cung ứng là tiền đề cho sự yếu kém của chuỗi cung ứng hữu quan. Các mối quan hệ kinh doanh ở Việt Nam đôi khi còn thiếu trung thực, mỗi doanh nghiệp đều tìm nhiều thị trường phát triển, điều đó gây ra nhiều giới hạn trong việc chia sẻ dữ liệu công ty. Tuy nhiên, ông Đức cho biết đã có một tín hiệu lạc quan, trong nền kinh tế suy thoái hiện tại đồng thời với việc gia nhập WTO, các công ty Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong việc cộng tác và chia sẻ thông tin.
Những thử thách
Các công ty Việt Nam đang đối diện với nhiều thử thách khi thực thi hệ thống ERP. Một trong những sai lầm lớn của họ đó là vội vã lên lịch trình thực hiện. Ông Đức cho biết: “Việc thực hiện ERP ở Việt Nam phải mất nhiều thời gian”. Chandara cũng nói thêm rằng nhiều công ty Việt Nam đánh giá thấp việc thực hiện đúng thời hạn và việc quản lý dự án đó có thể còn rất mơ hồ. Quá trình thực hiện sắp xếp hợp lý doanh nghiệp có thể còn mất nhiều thời gian. Theo Fidel, các công ty Việt Nam đôi lúc thiếu tính kiên nhẫn và linh hoạt khi giải quyết công việc.
Để thực hiện thành công ERP, các công ty cần phải thay đổi đường lối hoạt động và cần nhớ rằng không có một cá nhân đơn lẻ nào chịu trách nhiệm về các quy trình thực hiện. Các công ty cũng cần hiểu rõ năng lực của công ty và nhận định được cần phát triển phương diện nào. Ở Việt Nam, việc tìm kiếm và giữ được các nhân viên tốt cho một dự án vẫn còn là một thử thách. Ông Đức giải thích: “Các công ty không bao giờ có nguồn nhân lực để thực hiện ERP”. Trong các trung tâm thương mại lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, việc tìm kiếm nhân lực hợp lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các nhà tư vấn nước ngoài cũng gặp nhiều thử thách. Họ không hiểu được hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Kỹ năng ngôn ngữ cũng là một rào chắn lớn. Phát triển năng lực cục bộ trong cơ quan đang được tiến hành. Fidel nói: “Các công ty cần trau dồi năng lực và củng cố nhân viên”. Ông Đức nói thêm: “Ở mức độ nào đó thì bộ phận nguồn nhân lực đang có lợi từ sự suy thoái kinh tế, vì các nhân viên ít có khả năng hoán đổi vị trí”.
Giá trị và tỷ suất lợi nhuận đầu tư
Dù chi phí hiện tại thấp, các công ty Việt Nam cần phải hiểu biết rõ về chi phí đầu tư và tỷ suất lợi nhuận trên đầu tư. Chandara cho biết: “Đôi khi các công ty còn rất mơ hồ về tổng chi phí thực hiện ERP”. Theo ông Đức, một số công ty xem việc triển khai thực hiện tốt một loại ERP nổi tiếng như là việc làm tăng giá trị của công ty.
Trong hai năm gần đây, các công ty đã có nhiều thay đổi đáng kể và ngày càng nhận biết được lợi ích của ERP. Tuy nhiên, môi trường kinh doanh ở Việt Nam khác rất nhiều so với các thị trường ERP ở Mỹ và châu Âu. Các công ty Việt Nam cần tiến hành đánh giá chi tiết những rủi ro và việc đánh giá không chỉ dựa vào nghiên cứu công nghiệp. Đối với bất kỳ công ty nào, ERP là một đầu tư lớn, việc triển khai thực hiện và xây dựng năng lực cục bộ là điều không nên xem nhẹ. Nhất là trong thời kỳ kinh tế bấp bênh này.
( Theo www.VLR.vn )