Sự dịch chuyển của các ứng dụng chạy trên máy tính sang chạy trực tiếp trên web và hệ thống ứng dụng đám mây kéo theo một làn sóng ngầm song song: Các ngôn ngữ lập trình mới xuất hiện, một thách thức mới cho những ai viết code.
Các nhà lập trình đều hiểu mỗi ngôn ngữ lập trình chỉ mạnh riêng ở từng mảng lập trình cụ thể, như C++ chuyên lập trình hệ thống, PHP, .Net cho web, SQL cho cơ sở dữ liệu… Nhưng từ khi các nền tảng mới hướng đến đa phương tiện, 3D cho web xuất hiện như Silverlight, HTML5 ra đời thì các ngôn ngữ lập trình “truyền thống” có vẻ không đủ đáp ứng được hoặc người viết code phải mất nhiều thời gian, công sức mới viết được những tính năng cơ bản với nền tảng mới bằng các ngôn ngữ “lớn tuổi”.
Và điều tất yếu xảy ra là nhiều ngôn ngữ mới xuất hiện để giúp các nhà viết code dễ dàng phát triển ứng dụng như Python, Ruby, WebMatrix, CUDA, F#… cho các nền tảng mới. Người viết không phải nhà viết code nhưng có thể bạn cũng đồng cảm rằng các ngôn ngữ mới cố gắng đưa ra các hàm, lệnh… gần với ngôn ngữ tự nhiên của con người hơn để làm sao người viết code dễ nắm bắt nhất, dễ “dịch ý” từ ngôn ngữ “truyền thống” sang nhất. Tuy vậy, khó khăn cho các nhà viết code là dù thế nào đi nữa, nếu muốn “đuổi theo” được những bước tiến lớn của ngành công nghiệp phần mềm hiện nay thì buộc họ phải tìm hiểu ngôn ngữ mới.
Theo Infoworld, trong số ngôn ngữ lập trình đang trên đà phát triển mạnh hiện nay, phần lớn là các ngôn ngữ dành cho ứng dụng web. Và tuy chưa có số liệu cụ thể nhưng ta có thể dễ dàng nhận thấy là lập trình web và lập trình ứng dụng di động đang dần dần lôi cuốn các nhà viết code của lập trình ứng dụng cho máy tính để bàn qua việc ngày càng có nhiều ứng dụng di động và dịch vụ đám mây hơn.
Vậy những ngôn ngữ lập trình “cổ điển” có lụi tàn không? Theo người viết, chắc chắn sẽ có, nhưng không phải trong “một sớm một chiều”, có thể 5 năm, hoặc 10 năm nữa. C++, Java vẫn còn nằm trong chương trình giảng dạy của nhiều chương trình đào tạo CNTT. C++ vẫn còn được xem là “tiếng mẹ đẻ” của nhiều coder để họ học thêm “ngoại ngữ” mới…
Tuy vậy, với sinh viên CNTT đi theo ngành lập trình hoặc những người viết code mới vào nghề thì rõ ràng họ cần phải chọn lựa cẩn thận mình sẽ phải theo đuổi ngôn ngữ lập trình nào cho “chén cơm” tương lai. Vì không như trước đây chỉ có vài chọn lựa, bạn phải chọn một vài trong cả chục ngôn ngữ lập trình mới. Trong khi đó, các công ty phát triển ứng dụng cũng phải lên kế hoạch cho đội ngũ coder của họ tiếp cận với những ngôn ngữ mới nếu muốn có được những sản phẩm, dịch vụ mang tính cạnh tranh, là điều không dễ chút nào.
( Theo PC W )