Microsoft và Google đang chiến đấu với nhau trên nhiều mặt trận: Hệ thống tòa án Mỹ, thị trường người tiêu dùng, chính phủ, doanh nghiệp…
Sau đây, chúng ta hãy cùng điểm lại 9 trận giao tranh giữa Microsoft và Google trong năm 2010.
Trận chiến máy tính để bàn
Không bằng lòng với việc thống trị thị trường tìm kiếm, Google đã nhắm tấn công vào việc kinh doanh hệ điều hành (HĐH) Windows của Microsoft bằng cách phát hành phiên bản mẫu của HĐH sắp ra mắt Chrome OS.
Trận chiến trình duyệt
Nói về các trình duyệt web, Internet Explorer của Microsoft vẫn là công cụ được sử dụng rộng rãi nhất để lướt web và năm nay Microsoft đã có một bước nhảy vọt với phiên bản beta của IE9 (IE9 hoạt động tốt trong những thử nghiệm tương thích với HTML5).
Nhưng mức sử dụng Internet Explorer đã giảm đều đặn gần như mỗi tháng, trong khi Chrome của Google đã đạt gần 10% thị phần chỉ 2 năm sau khi phát hành. Với sự xuất hiện của Chrome Web Store, Google đang sẵn sàng cho sự tăng trưởng hơn nữa trong năm 2011.
Trận chiến bảo mật
Không có sự cạnh tranh công nghệ hiện đại nào được hoàn thành mà không có những cáo buộc về việc đưa người sử dụng vào nguy cơ bị virus và phần mềm độc hại (malware) tấn công. Hồi tháng 06/2010, Microsoft bị nhà nghiên cứu bảo mật Tavis Ormandy của Google cáo buộc về việc đặt khách hàng Windows vào nguy cơ bị “tấn công rộng”. Ông Ormandy đã công bố mã khai thác một lỗ hổng zero-day ảnh hưởng đến Windows XP và Windows Server 2003.
Trận chiến điện thoại thông minh (smartphone)
Trong nhiều trận chiến của Microsoft và Google, Microsoft chiếm vị trí cao hơn và chỉ đơn giản là cố gắng để tránh mất người dùng vào tay Google. Nhưng điều đó không xảy ra trong lĩnh vực smartphone. Android của Google đã trở thành 1 trong 3 nền tảng smartphone chính tại Mỹ (cùng với iPhone và BlackBerry). HĐH di động mới Windows Phone 7 của Microsoft đang phải cố gắng vật lộn nhằm bắt kịp Android.
Trận chiến phần mềm văn phòng
Trong khi Microsoft phải vật lộn trong thế giới di động, họ vẫn thống trị email và thị trường phần mềm văn phòng với Microsoft Office (cũng giống như Windows thống trị thị trường HĐH máy tính để bàn). Nhưng Google đang vươn lên mạnh mẽ với Google Apps – bộ công cụ dựa trên đám mây bao gồm Gmail và Google Docs.
Trận chiến đám mây
Mặc dù Google chưa có thị phần nhưng những đổi mới của công ty này đã buộc Microsoft phải mở rộng rất nhiều dịch vụ dựa trên đám mây của họ. Microsoft đang chiến đấu chống lại hàng loạt đối thủ trên mặt trận đám mây, trong đó có EC2 của Amazon (mà Microsoft tiếp chiêu bằng Windows Azure). Mối đe doạ từ Google Apps là một lí do khiến Microsoft “đại tu” phiên bản trên nền web của các phần mềm Office, Exchange và SharePoint. Các phiên bản phần mềm đám mây này nằm trong Office 365, đang ở giai đoạn beta và sẽ phát hành chính thức trong năm tới.
Trận chiến email người tiêu dùng và tìm kiếm
Trong khi Microsoft thống trị email doanh nghiệp và phần mềm văn phòng thì trận chiến giữa các dịch vụ webmail Hotmail (của Microsoft) và Gmail (của Google) vẫn bất phân thứ hạng. Mỗi dịch vụ tuyên bố có hơn 40 triệu người sử dụng tại Mỹ.
Khi nói đến việc tìm kiếm Internet, Google khẳng định chiếm 2/3 thị trường, nhưng Microsoft đang lên kế hoạch cải thiện chỗ đứng của Bing bằng cách hợp tác với cả Facebook và Yahoo.
Trận chiến cho khách hàng chính phủ
Google và Microsoft đều tìm cách “kiếm ăn” từ thị trường chính phủ béo bở cho email và các công cụ văn phòng.
Trận chiến ngôn từ
Lãnh đạo 2 công ty thường xuyên đề cao công ty mình và hạ thấp đối thủ. Chẳng hạn, một lãnh đạo của Google chê Microsfot tụt hậu trong thị trường ứng dụng đám mây, còn Microsoft thì cho rằng Google kém trong mảng khách hàng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Google được lòng công chúng hơn. Một cuộc khảo sát đã gọi Google là “nhà tuyển dụng lao động hấp dẫn nhất thế giới”, trong khi Microsoft xếp thứ 7. Hồi tháng 08/2010, Google đã vượt qua Microsoft trong một cuộc khảo sát hàng năm của Nhật Bản về nhận thức thương hiệu công ty. Google thậm chí có thể vượt qua Microsoft trong thị trường vốn, như Apple đã làm hồi đầu năm nay, một số nhà quan sát dự đoán.
(Nguồn: Network World, 15/12/2010)