Ứng dụng CNTT có thể cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp

Ông Phạm Thế Trường – Giám đốc điều hành SAP Việt Nam cho rằng, nếu ứng dụng CNTT thì lãnh đạo các tập đoàn kinh tế có thể biết được những dấu hiệu bất thường và kịp thời ra quyết định để tháo gỡ những rủi ro tiềm tàng cho DN mình.

Ông Phạm Thế Trường - Giám đốc điều hành SAP Việt Nam.

Nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tiếp tục gặp khó, nhiều dự án CNTT bị dừng hoặc cắt bỏ, trong khi lại có nhiều khuyến cáo cần phải đầu tư cho CNTT vào thời điểm khó khăn này để hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này có mâu thuẫn không thưa ông?

Trong lúc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì một số doanh nghiệp sẽ quyết định ngưng các nguồn vốn dành cho CNTT. Điều này là có. Tuy nhiên, đối với rất nhiều doanh nghiệp, việc đầu tư cho CNTT là không thể đừng được. Với nhiều ngành kinh tế, nếu CNTT giúp họ cạnh tranh, tìm kiếm khách hàng mới hoặc gia tăng doanh thu, giảm thiểu rủi ro và chi phí thì các doanh nghiệp rất quyết tâm triển khai.

Tôi cho rằng giải pháp quản trị nguồn lực không chỉ giúp DN quản lý tốt hơn khi DN đang phát triển, mà còn giúp họ tối ưu hóa trong lúc khó khăn, giảm chi tiêu và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Mới đây, ông Đỗ Cao Bảo – Chủ tịch Công ty FPT IS đã phát biểu rằng chỉ cần đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng cho hệ thống CNTT hỗ trợ quản lý tài chính doanh nghiệp thì Vinashin, Vinalines đã không mất tới 92.000 tỷ đồng như vừa qua. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Tôi hoàn toàn đồng ý. Nếu chúng ta có những hệ thống quản trị nguồn lực, rõ ràng chúng ta có thể đưa ra các xu hướng, cảnh báo và có những thông tin cập nhật tức thì. Nếu như tại bất kỳ thời điểm nào, Tổng giám đốc có những thông tin về thay đổi luồng tiền hoặc các dấu hiệu bất thường thì rõ ràng họ có thể đưa ra những quyết định kịp thời để tháo gỡ những rủi ro tiềm tàng. Nếu không có hệ thống CNTT tốt thì nhiều khi họ sẽ không nhìn thấy được những rủi ro như thế.

Đặc biệt đối với những cơ quan hoạt động trong một mạng lưới, việc làm sạch toàn bộ hệ thống tài chính hoặc nguồn lực mà họ đang có sẽ giúp cho DN, cơ quan đó được điều chỉnh thông qua những quyết định của các cơ quan hữu quan. Ví dụ một tập đoàn lớn sẽ có sự điều chỉnh nhất định từ phía Bộ Tài chính, thì các cơ quan hữu quan cũng có thể có những tác động nhất định nhằm hạn chế rủi ro cho DN.

Các giải pháp của SAP có thể giúp tháo gỡ những rủi ro tiềm tàng cho DN Việt Nam như thế nào? Ông có thể đưa ra một số ví dụ?

Với một DN nói chung thì phạm vi hoạt động rất lớn, ngay từ khâu dữ liệu được đưa vào. Ví dụ, với một tập đoàn đóng tàu, từ chuyện mua 1 con đinh vít, đến chuyện bán con tàu đi bao lâu sẽ thu được tiền cũng sẽ được đưa vào hệ thống. Từ đó, tập đoàn có thể quản lý cụ thể đến từng con người, người này sản sinh ra bao nhiêu công trong một tháng, mang lại thu nhập cho DN là bao nhiêu tiền, hay một bộ phận đóng góp được gì cho DN?

Các cấp lãnh đạo có thể biết được DN đã bán được bao nhiêu con tàu, thu được bao nhiêu tiền về, thời điểm nào sẽ thu được số tiền còn lại, thời điểm nào sẽ phải trả lương cho nhân viên… Cũng là 1 triệu USD, nhưng nếu DN phải trả 1 triệu USD trong tháng 9 và thu về 1 triệu USD trong tháng 10 thì rõ ràng DN sẽ gặp khó khăn. Nhưng nếu số tiền 1 triệu USD đó được thu về chỉ sớm 1 tháng thôi thì mọi khó khăn sẽ được giải quyết ổn thỏa.

Xin ông cho biết giải pháp nào là phù hợp nhất với các tập đoàn kinh tế của Việt Nam?

SAP hiện nay không chỉ là DN về Quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP) nữa mà là DN về giải pháp phần mềm doanh nghiệp nói chung, bao gồm từ nền tảng cơ sở hạ tầng như cơ sở dữ liệu để phân tích thông tin.

Tôi lấy một ví dụ, nếu như lãnh đạo hỏi hiện nay DN có bao nhiêu nhân viên thì việc truy xuất rất dễ, chỉ cần gọi cho nhân sự là ra. Nhưng nếu muốn biết cụ thể ngày 15/3/2013 có bao nhiêu nhân sự là kỹ sư sẽ làm việc tại xưởng đóng tàu Vũng Tàu và đã tốt nghiệp đại học nước ngoài thì bắt buộc phải có hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu. Nếu như lãnh đạo đang đi công tác, rất có thể sẽ phải gọi 5 – 7 cú điện thoại cho kế toán và phải mất 3-4 tiếng đồng hồ mới ra 1 báo cáo. Nhưng nếu có hệ thống phân tích thì lãnh đạo có thể tự mình truy cập qua máy tính bảng hoặc điện thoại và nắm bắt kịp thời tình hình thông qua hệ thống SAP Mobility và SAP HANA.

Xin cảm ơn ông!

Theo ICTnews