Trong bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam năm 2012, những mảng màu sáng, tối đan xen nhau, trong đó màu tối là gam chủ đạo. Ngay trong một số kết quả được coi là tích cực cũng chứa đựng những yếu tố đáng quan ngại dưới góc nhìn chất lượng, hiệu quả và bền vững.
Sang năm 2013, bên cạnh những dự báo lạc quan kinh tế sẽ chuyển biến theo hướng tích cực cũng tồn tại không ít lo âu về triển vọng không mấy sáng hơn, thậm chí có thể còn khó khăn hơn năm 2012.
Tốc độ tăng trưởng GDP 5,03% của năm 2012 không chỉ thấp so với kế hoạch (6 – 6,5%), mà còn là mức tăng trưởng thấp nhất trong 13 năm qua, và chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm (2011 – 2015) và chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020.
So với kế hoạch đặt ra, việc đưa CPI xuống mức 6,81% là một kết quả tích cực. Nhưng từ thực tế diễn biến CPI trong những năm gần đây ở Việt Nam, một số nhà kinh tế cảnh báo, khả năng rơi vào vòng luẩn quẩn diễn ra từ năm 2007 là “hai năm lạm phát cao, một năm lạm phát thấp”.
Như vậy, có nguy cơ xảy ra lạm phát cao trong năm 2013 nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kích thích tăng tổng cầu thị trường.
Trong bối cảnh biến động bất lợi ở cả trong và ngoài nước, có thể coi tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt được của năm 2012 là một kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP đó là “hợp lý” nếu được coi là “điểm lặng” của sự khởi đầu quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế hướng tới sự thay đổi cơ bản về hiệu quả và chất lượng.
Tuy nhiên, trong năm 2012, quá trình này vẫn ở mức khởi động với nhiều ý kiến khác nhau. Việc điều hành kinh tế vĩ mô vẫn mang nặng tính tình thế với việc giải quyết các vấn đề “nóng”, đặc biệt là nợ xấu ngân hàng và hàng tồn kho cao bất thường…
Từ nhiều năm nay, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa vào tăng vốn đầu tư, khai thác lợi thế về sức lao động giản đơn và tài nguyên thiên nhiên. Vốn kinh doanh của các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại.
Năm 2012 có sự sụt giảm tổng đầu tư toàn xã hội so với GDP do chính sách thắt chặt đầu tư công của Chính phủ được thực hiện và lãi suất ngân hàng dù được điều chỉnh giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn vay…
Chưa có những động thái rõ ràng về chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với tái cấu trúc nền kinh tế cũng là một tác nhân quan trọng làm sụt giảm tăng trưởng kinh tế.
“Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh” vẫn được xác định là những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2013. Nhiều giải pháp đã được đưa ra: tập trung tháo gỡ khó khăn về hàng hóa và bất động sản tồn kho cùng với nợ xấu ngân hàng.
Có thể khẳng định, các nhóm giải pháp được đề xuất là đúng hướng, sát điều kiện cụ thể của Việt Nam, song cần chú ý một số điểm trong quá trình thực hiện.
Thứ nhất, hàng tồn kho, đặc biệt là bất động sản, liên quan chặt chẽ với nợ xấu ngân hàng. Bởi vậy, việc giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và xử lý nợ xấu phải được giải quyết trong mối quan hệ chặt chẽ, bằng những giải pháp đồng bộ.
Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, không những không giải quyết được các vấn đề phức tạp đặt ra trong thực tế, mà còn có thể làm vấn đề phức tạp thêm.
Thứ hai, sử dụng hợp lý các biện pháp hành chính trong giải quyết các vấn đề bức xúc, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế, xã hội. Nhà nước có thể can thiệp trực tiếp nhưng cần tránh can thiệp sâu vào các quyết định của các chủ thể kinh tế, kể cả các doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu nhà nước.
Cùng với xác định đường hướng, khuôn khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề, Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.
Thứ ba, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước vào xử lý một số vấn đề phòng ngừa nhóm lợi ích chi phối làm sai lệch mục tiêu sử dụng các nguồn lực này.
Điều này liên quan đến dự kiến của Ngân hàng Nhà nước đưa ra “gói kích cầu từ 20 – 40 ngàn tỷ đồng cho thị trường bất động sản”, thực hiện đúng định hướng “nhằm vào phân khúc nhà ở xã hội, giúp những người có thu nhập thấp có nhu cầu về nhà ở tiếp cận được với đồng vốn và quỹ nhà ở xã hội”, hoặc cam kết của Ngân hàng Nhà nước đưa ra khoảng 100 – 150 ngàn tỷ đồng để xử lý nợ xấu.
Thứ tư, với các nhóm giải pháp đề xuất trên, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ được triển khai theo hướng nới lỏng hơn so với các năm 2011 và 2012. Khi phối hợp hai loại chính sách này, phải luôn quan tâm phòng ngừa nguy cơ lạm phát cao quay trở lại. Nói cách khác, kiềm chế lạm phát vẫn phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong các nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo DNSG