Thị trường vốn 2013: Không quá khó để cải thiện

Dù đã có những cải thiện rõ rệt trong từng quý nhưng xét tổng thể, kinh tế vĩ mô về cuối năm 2012 vẫn yếu kém. Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài tác động khách quan từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới còn có nguyên nhân từ những yếu kém trong quản lý, điều hành nền kinh tế, chậm chạp trong tái cơ cấu…

Vì thế, trong nửa cuối năm 2012, khi dự đoán về tình hình kinh tế năm 2013, các chuyên gia đều không đưa ra được xu hướng cụ thể mà chỉ tóm gọn theo kiểu “xu thế của thị trường sẽ biến đổi và phụ thuộc vào các yếu tố như: tốc độ phục hồi kinh tế, giá bất động sản (BĐS), khả năng thay đổi chính sách tiền tệ, kết quả của quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (NH), nợ xấu…”.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm cùng những chia sẻ của những người tham gia điều hành thị trường tiền tệ nhiều năm, bạn đọc sẽ dễ dàng hình dung sơ lược về bức tranh thị trường vốn của Việt Nam sắp tới.

Ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM: Chính sách nới lỏng

– Năm 2013, nền kinh tế nói chung và hoạt động NH vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa kể còn tiềm ẩn những yếu tố làm biến động và bất ổn nền kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế, xã hội TP.HCM năm 2013 đã xác định, năm 2013, các NH trên địa bàn sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với năm lĩnh vực được ưu tiên.

Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2013 của TP.HCM là 12%/năm. Dự kiến trong năm, các NH ở thành phố sẽ dành hơn 200.000 tỷ đồng để đảm bảo nhu cầu vốn cho sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).

Đặc biệt, trong năm 2013 sẽ mở rộng thêm đối tượng vay ngoại tệ. Nếu trong năm 2012 những DN cần thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ gửi trả ra nước ngoài, trả tiền hàng nhập khẩu mới được vay ngoại tệ, thì tới đây sẽ mở rộng ra các dự án sản xuất, kinh doanh có khả năng thu hồi ngoại tệ cao. NH cũng sẽ tháo “room” đối với việc cho vay BĐS, vay tiêu dùng, chứng khoán, không giữ ở tỷ lệ 16% tổng dư nợ như năm 2012, và giảm lãi suất cho vay với BĐS xuống dưới 15%/năm, tạo điều kiện sưởi ấm thị trường BĐS năm 2013.

PGS-TS. Trần Hoàng Ngân – Thành viên Hội đồng Tư vấn Tiền tệ Quốc gia: Nhiều yếu tố lạc quan

– Các tổ chức tài chính thế giới vẫn đưa ra dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2013 khá lạc quan so với năm 2012. NH Thế giới (WB) và NH Phát triển Châu Á (ADB) dự báo Việt Nam tăng trưởng 5,9%, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng 5,7%.

Theo tôi, dự báo trên hoàn toàn khả thi bởi tiềm năng kinh tế nước ta còn rất lớn, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường nội địa hấp dẫn với 88 triệu dân.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là dự đoán vì bước vào năm 2013, tình hình kinh tế nước ta vẫn tiếp tục khó khăn ở ngay những tháng đầu vì phải ưu tiên giải quyết các điểm nghẽn (hàng tồn kho, nợ xấu, BĐS…).

Chính phủ cần có nhóm giải pháp ngắn hạn trước mắt để giải quyết nhanh những điểm nghẽn, những nút thắt trong nền kinh tế, tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, giải quyết hàng tồn kho tăng cao, đưa dòng tiền đến được nơi cần vốn sản xuất, kinh doanh, có chính sách hỗ trợ người mua nhà thông qua cơ chế lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài 10 – 15 năm, góp phần giải quyết nợ xấu và công ăn việc làm.

Tiếp đó là nhóm giải pháp dài hạn và liên tục để tái cấu trúc toàn diện nền kinh tế nước ta hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội, tăng năng suất lao động, qua đó góp phần làm kinh tế tăng trưởng bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ theo hướng chống suy giảm kinh tế, không để lãi suất tăng cao trở lại và biến động bất thường. Nếu có giải pháp hợp lý, đầu tư đúng vào trọng điểm, ưu tiên cho những ngành có tiềm năng và lợi thế kinh tế thì sẽ tăng trưởng cao và bền vững trở lại.

Ông Trần Phương Bình – Tổng giám đốc NH Thương mại Đông Á (DongA Bank): Mạnh dạn đối mặt với thay đổi

– Dù đã có những dự báo lạc quan cho năm 2013, nhưng tôi đánh giá trong 10 năm trở lại đây, 2013 sẽ là một trong những năm mang tính thử thách nhất. Trước mắt là những thách thức quá lớn: nợ xấu, BĐS, DN khó khăn, đầu ra cho dòng tiền khó, hệ thống quản trị, sự minh bạch của NH…

Theo đó, năm nay, phần lớn các NH vẫn phải thực hiện chủ trương giữ an toàn và ổn định là mục tiêu hàng đầu, tăng hỗ trợ DN để làm sao DN hoạt động an toàn thì NH cũng sẽ an toàn. Lợi nhuận là nhiệm vụ các cổ đông, HĐQT giao nhưng đặt ra trong lúc kinh tế khó khăn, hàng chục ngàn DN đóng cửa sẽ là không đúng lúc trong năm nay.

Từ nay, có thể sẽ diễn ra các cuộc tái cấu trúc toàn diện tại các NH. Trong đó, các hoạt động tái cấu trúc tổ chức, mạng lưới phục vụ khách hàng cùng với tái cấu trúc con người, đào tạo, tái đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu sẽ được thực hiện một cách gắt gao. Với sự kiện này, sẽ khó tránh những cú sốc trên thị trường nhưng tôi cho rằng điều này là bắt buộc.

Vì vậy, mọi người nên chuẩn bị tâm lý để dễ dàng thích ứng với sự biến động của các thị trường liên quan (thị trường chứng khoán, vàng, BĐS…). Về vấn đề lãi suất, NH Nhà nước đã đưa ra thông điệp là sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích như BĐS, chứng khoán tiêu dùng, nhưng không vì thế mà chúng tôi “phóng tay”, ngược lại sẽ cân nhắc kỹ.

Như vậy, các NH Thương mại sẽ tiếp tục giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn chỉ khoanh vùng ở những lĩnh vực ưu tiên gồm: xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, DN nông thôn, công nghiệp phụ trợ và sản phẩm có chứa hàm lượng công nghệ cao.

Tóm lại, giai đoạn vừa rồi các NH phát triển theo chiều ngang của nền kinh tế. Thị trường 2013 sẽ là khúc quanh, là quyết định mang tính định mệnh, thị trường càng khó khăn, tính sàng lọc sẽ càng mạnh hơn. Người nào khỏe mạnh sẽ vượt qua được khúc quanh mà rất có thể sẽ kéo dài qua đến năm 2014. Chính vì vậy, khi nền kinh tế hồi phục, những ai đã có sự chuẩn bị tốt mới có cơ hội tăng tốc.

Ông Phạm Hữu Phú – Chủ tịch HĐQT Sacombank: Nỗ lực từ bản thân

– Trong bối cảnh nền kinh tế năm 2013, các DN lớn và tăng trưởng tiếp tục không thống nhất về đề xuất mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô. Đó là nên ứng cứu các DN khó khăn hay dành sức để cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, có khá nhiều ý kiến thiên về quan điểm “không nên cứu trợ DN yếu kém nữa, hãy để những DN yếu kém phá sản, bao gồm cả các DN nhà nước, rồi từ chính sự phá sản đó sẽ có các DN mới được thành lập và các việc làm mới được tạo ra. Càng cứu trợ, DN càng ỷ lại vào Nhà nước”.

Tương tự, hệ thống NH được xem là huyết mạch của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn vốn cho các hoạt động đầu tư – sản xuất – kinh doanh, duy trì sự ổn định của đồng tiền, tỷ giá… Do đó, sự phát triển ổn định và bền vững của mỗi NH nói riêng và hệ thống NH nói chung có tác động trực tiếp và quyết định đến quá trình hội nhập, tăng trưởng của nền kinh tế.

Ý thức được sứ mệnh to lớn đó của mình, mỗi NH không những cần có nội lực vững mạnh, chiến lược hoạt động phù hợp, biết nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, mà còn phải có sự liên kết với nhau để cùng thúc đẩy sự phát triển của toàn hệ thống.

Trên cơ sở đó, Sacombank không ngần ngại đưa ra quyết định hợp tác toàn diện với Eximbank trong tháng 1/2013. Bởi trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đang đối mặt với nhiều thử thách như hiện nay, quyết định này không chỉ giúp Sacombank và Eximbank tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực hoạt động, mà còn giúp cả hai bên vượt qua khó khăn, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của hệ thống NH và nền kinh tế Việt Nam.

Tương tự thế, thị trường nhà đất sụt giảm là điều tích cực cho nền kinh tế và cho người dân, không nên lo ngại về điều đó. Kích thích giá nhà đất sẽ dễ kích thích nền kinh tế đầu cơ và lặp lại chu kỳ tăng trưởng nhanh, lạm phát cao dựa trên đầu cơ và đầu tư dàn trải…

Theo DNSG