PTIT đào tạo ngành An toàn thông tin từ năm 2013

Hoc-vien-ATTT.jpg
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga trao quyết định giao Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đào tạo thí điểm ngành đào tạo An toàn thông tin cho ông Hoàng Minh-Giám đốc Học viện.

PTIT đào tạo ngành An toàn thông tin từ năm 2013

Trong kỳ tuyển sinh đại học 2013, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) dành 150 chỉ tiêu để tuyển sinh ngành An toàn thông tin-ngành đào tạo mới của trường. Đối tượng tuyển sinh sẽ là học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, khối thi A, A1.

Ngày 6/3/2013, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ công bố và trao quyết định của Bộ trưởng GĐ-ĐT giao Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông-đơn vị thành viên của Tập đoàn VNPT, thí điểm mở ngành đào tạo An toàn thông tin trình độ đại học hệ chính quy.

Buổi lễ có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bộ GĐ-ĐT Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Việt Thanh, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tập đoàn VNPT cùng đông đảo CBCNV Học viện.

Với sự kiện này, Học viện đã trở thành trường đại học đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam được cấp phép triển khai đào tạo ngành An toàn thông tin.

Tại buổi lễ, ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực An toàn thông tin là chương trình của Chính phủ, trực tiếp do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo. Bộ GD-ĐT được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng, phát triển ngành đào tạo trình độ Đại học, sau đại học trong lĩnh vực này. Đây là ngành đào tạo mới, chưa có trong danh mục giáo dục đào tạo của Việt Nam.

Thời gian vừa qua, theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, với sự phối hợp của Bộ TT&TT, đã có một số Học viện, trường đại học chủ động tích cực tập hợp nguồn lực để nghiên cứu xây dựng chương trình mở ngành đào tạo an ninh mạng, an toàn thông tin. Trong đó, Học viện CN-BCVT là cơ sở tào tạo đại học tiên phong trong xây dựng chương trình, chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất để mở ngành đào tạo về An toàn thông tin.

Ông Tuấn cũng cho hay, trên cơ sở đề án mở ngành An toàn thông tin của Học viện, Bộ GD-ĐT đã thành lập Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo. Lý do Bộ GD-ĐT phải thành lập Hội đồng thẩm định riêng là do tầm quan trọng của đề án và cũng bởi hiện vẫn chưa có cơ sở giáo dục Việt Nam nào đủ năng lực để thẩm định. Hội đồng đã làm việc nghiêm túc, khách quan, đánh giá về chương trình đào tạo, góp ý để hoàn thiện chương trình này. “Căn cứ vào đề án mở ngành của Học viện và ý kiến đề nghị của Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã có Quyết định giao cho Học viện tổ chức đào tạo thí điểm ngành An toàn thông tin”, ông Tuấn nói.

Theo Quyết định số 722/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về việc giao Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đào tạo thí điểm ngành An toàn thông tin, sau 2 khóa tốt nghiệp, Học viện sẽ triển khai đánh giá về nhu cầu xã hội, kết quả đào tạo và báo cáo Bộ GD-ĐT để bổ sung vào danh mục giáo dục đào tạo trình độ cao đẳng, đại học. Chỉ tiêu đào tạo hàng năm ngành An toàn thông tin thuộc tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy của Học viện. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp thực hiện theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Đại diện lãnh đạo Học viện chia sẻ, cũng với mục tiêu chuẩn bị cho việc mở ngành đào tạo An toàn thông tin, từ năm 2012, được sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam thuộc Bộ TT&TT, Học viện đã thí điểm mở chuyên ngành đào tạo kỹ sư An toàn thông tin thuộc ngành CNTT.  Sau 1 năm triển khai khí điểm chuyên ngành An toàn thông tin cho thấy, chương trình đã được thiết kế có tính thực tiễn cao, các môn học cập nhật đào tạo các kỹ năng phân tích, kiểm soát rủi ro trên cả cơ sở công nghệ và quản lý.

Đồng thời, cũng trong thời gian qua, Học viện đã hợp tác với nhiều trường đại học và đơn vị nghiên cứu uy tín trên thế giới để triển khai các chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực An toàn thông tin. Điển hình như, thỏa thuận hợp tác giữa Học viện với Trung tâm nghiên cứu của Cộng hòa Áo, Đại học Viễn thông Saint Peterburg, Đại học Kỹ thuật Thông tin Truyền thông Moscow…

Về mục tiêu đào tạo ngành An toàn thông tin, đại diện lãnh đạo Học viện cho biết, chương trình đào tạo hệ đại học chính quy ngành An toàn thông tin của Học viện sẽ trang bị cho các sinh viên kiến thức nền tảng về CNTT cùng các kỹ năng và công cụ đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho hệ thống mạng máy tính, kỹ thuật mật mã, an toàn hệ điều hành, an toàn cơ sở dữ liệu, an toàn các ứng dụng web và Internet, các kỹ thuật phòng thủ, chống tấn công xâm nhập mạng, các vấn đề chính sách, chuẩn hóa an toàn… Trên cơ sở đó, phát triển khả năng sáng tạo và học tập độc lập cần thiết để sinh viên có thể tiếp tục phát triển chuyên môn, nghiên cứu chuyên sâu, và đạt được những kỹ năng và sáng tạo mới ở mức cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đặc biệt, với tính đặc thù của ngành An toàn thông tin, ngay trong quá trình đào tạo, Học viện sẽ có các nội dung bồi dưỡng nâng cao chuẩn mực hành vi đạo đức, tính kỷ luật, đam mê, tâm huyết với nghề cho sinh viên ngành An toàn thông tin.

Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên ngành An toàn thông tin của Học viện có đủ năng lực để làm việc tại những đơn  vị, bộ phận chuyên về  CNTT  và mạng  cũng  như  các  cơ  quan, tổ  chức, doanh nghiệp ứng dụng CNTT như: các cơ quan Chính phủ, các cơ quan thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, năng lượng điện, dầu khí, thương mại, giao thông vận tải…

Theo ICTnews