Việc thu hút nhân tài có nhân lực để xây dựng kinh tế, xã hội là chiến lược quan trọng để thúc đẩy địa phương phát triển. Nhưng để thu hút nhân tài, các địa phương “phải đổi mới tư thuy”, vì nếu như dùng tư duy kiểu ban ơn thì sẽ không có sức hút nhân tài tìm đến.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Chiến, chuyên gia nghiên cứu xã hội học tại TP.HCM cho biết, hiện nay nhiều địa phương trong cả nước đã nhìn thấy rõ vai trò quan trọng của nhân tài trong phát triển kinh tế, xã hội. Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều địa phương đưa ra hàng loạt chính sách để thực hiện mục tiêu trên.
Tuy nhiên, việc thu hút nhân tài là điều không hề đơn giản. Bởi, nhiều địa phương vẫn còn kiểu tư duy thu hút nhân tài theo kiểu ban ơn. Nghĩa là, nhân tài khi đầu quân về thì địa phương áp đặt rằng họ không có việc làm nên mới tìm đến hoặc khi người tài đầu quân về thì sắp xếp, phân bổ công việc không hợp lý… dẫn đến việc chính sách thu hút nhân tài không đạt được hiệu quả.
Nhiều chuyên gia bày tỏ rằng, để thu hút nhân tài các địa phương trước hết cần kết hợp chặt chẽ giữa trọng thị, trọng dụng và trọng đãi nhân tài. Ba vấn đề này liên quan chặt chẽ với nhau trong từng thời điểm, từng lĩnh vực, những khâu này có thể mạnh, yếu khác nhau nhưng không được bỏ qua khâu nào.
Muốn thu hút nhân tài thì cần phải làm cho nhân tài họ biết được việc thu hút là giải quyết những công việc cụ thể gì. Đây mới chính là yếu tố cần thiết để nhân tài phát huy tối đa năng lực của mình. Bên cạnh việc hỗ trợ về tài chính, chính sách thì việc chăm lo cho gia đình của nhân tài cũng cần được chú ý đến. Chỉ khi việc này được thực hiện thì nhân tài mới chịu gắn bó lâu dài để cống hiến cho địa phương.
Theo tiến sĩ Dương Văn Xô, giám đốc trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, thời gian qua TP.HCM có chính sách thu hút nhân tài bằng cách gửi người tài đi đào tạo ở nước ngoài để chủ động trong việc xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học.
Nhưng vấn đề tiếp theo là sau khi họ được đào tạo về nước, làm sao giữ được lực lượng cán bộ khoa học này yên tâm làm việc lâu dài. Ngoài tiền lương cơ bản và thu nhập tăng thêm, không có thêm một chế độ phụ cấp đặc biệt nào. Đây là một trong những bất cập trong chính sách thu hút nhân tài đang diễn ra hiện nay. Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng cách để giữ nhân nhân tài là TP.HCM cần phải có hỗ trợ nhà cho các cán bộ khoa học này. Đây mới là chính sách đúng đắn, phù hợp để các nhân tài này yên tâm làm việc.
Tiến sĩ Nguyễn Công Thoại (hội Tâm lý giáo dục Việt Nam) cho biết: “Từ những vấn đề trên cho thấy, chính sách thu hút nhân tài tại các địa phương cần có sự đổi mới từ cách nghĩ, cách làm. Cần đi vào thực chất, hiệu quả, triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới, tránh tình trạng hình thức, kêu gọi nhiều nhưng chẳng làm được bao nhiều hoặc chế độ, chính sách chưa sát, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người tài. Điều quan trọng đối với chính sách nhân tài là “luôn rộng cửa – tạo điều kiện phát huy năng lực” thì những người tài mới thật sự muốn cống hiến để xây dựng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”.
Theo Cafef