Trước chuyện tranh chấp, tố lẫn nhau của các doanh nghiệp hạ tầng Internet (ISP) nội thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định, vấn đề kỹ thuật khi kết nối không phải là vấn đề lớn, mà chủ yếu là các doanh nghiệp đang đụng nhau về quyền lợi, lợi ích kinh tế.
Các ISP tranh chấp gây ảnh hưởng tới quyền lợi khách hàng kết nối Internet. |
Trên thực tế, ít có nước nào lại quy định quá chặt về Internet nói chung và kết nối Internet nói riêng, vì nguyên tắc của quản lý Internet là hoàn toàn để cho thị trường tự quyết định, Chính phủ các nước chỉ giữ vai trò định hướng. “Bàn tay vô hình của thị trường linh động hơn các chính sách quản lý cứng rất nhiều”, Thứ trưởng khẳng định. Vì vậy, tới đây, các quy định trong Thông tư về Kết nối Internet cần phải được xây dựng “mềm mại” để doanh nghiệp có quyền lựa chọn các phương án, đồng thời hài hòa được giữa vấn đề kỹ thuật và bài toán kinh tế.
Trước đó, trong báo cáo của Cục Viễn thông có nêu thời gian gần đây đã xảy ra tranh chấp giữa một số ISP, chủ yếu liên quan đến việc bảo đảm dung lượng kết nối, giá cước kết nối và vấn đề hợp đồng giữa các doanh nghiệp. Dù đến thời điểm này, mạng Internet trong nước đã hoạt động bình thường trở lại nhưng CMC và Viettel vẫn chưa thỏa thuận được về lưu lượng chuyển sang nhau thiếu cân bằng; CMC đề nghị Bộ TT&TT sớm quy định mức cước kết nối và cách tính toán lưu lượng kết nối trong hợp đồng với FPT; hay VDC, Viettel ngắt hợp đồng kết nối trực tiếp, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.
Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Cục phó Cục Viễn thông cho biết, xuất phát từ hiện tượng tranh chấp này, Cục đã bổ sung thêm một số quy định về kết nối Internet vào dự thảo Thông tư “Quy định về Kết nối các mạng viễn thông công cộng” như quy định bảo đảm dung lượng kết nối hay quy định về giá cước kết nối. Theo đó, trong trường hợp lưu lượng kết nối giữa các ISP bị nghẽn, các DN sẽ phải có trách nhiệm đàm phán, thỏa thuận mở rộng dung lượng kênh kết nối. Trường hợp nghẽn được nêu cụ thể là lưu lượng sử dụng trung bình của mỗi hướng kết nối vượt quá 70% trong 7 ngày liên tục.
Đối với kết nối của các ISP qua Trung tâm VNIX (trực thuộc VNNIC), nếu không đạt được thỏa thuận, doanh nghiệp phải mở rộng kênh kết nối thêm dung lượng tối thiểu 1Gb/giây và phải hoàn tất trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu.
Về khung giá cước kết nối Internet, Bộ TT&TT sẽ quy định dựa trên cơ sở giá thành dịch vụ kết nối do các ISP báo cáo lên, riêng kết nối Internet trực tiếp ngang bằng (do các DN tự thỏa thuận với nhau) sẽ không áp dụng giá cước kết nối. Với kết nối Internet trực tiếp không ngang bằng, Bộ sẽ quy định khung giá cước kết nối theo dung lượng kết nối (từ A- B đồng/1Gbps/tháng) mà doanh nghiệp yêu cầu kết nối phải trả cho doanh nghiệp cung cấp kết nối.
Trước đề xuất từ phía Cục Viễn thông, Thứ trưởng Thắng cho rằng, bất chấp những trục trặc gần đây giữa một số ISP, không thể phủ nhận kết nối Internet nói chung ở Việt Nam vẫn khá tốt. Các tranh chấp kết nối xảy ra trong bối cảnh dịch vụ nội dung trong nước đang có phát triển mạnh, nhất là những doanh nghiệp vừa làm hạ tầng vừa làm nội dung như FPT, Viettel, VNPT. Việc phân chia nội dung, hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông với nhau cũng như giữa doanh nghiệp viễn thông với doanh nghiệp nội dung bắt đầu nảy sinh vấn đề. Do đó, Bộ TT&TT cần xây dựng các cơ chế, chính sách, định hướng để tiếp tục thúc đẩy kết nối Internet. “Chỉ có kết nối tốt thì chất lượng mạng Internet mới đảm bảo và giá thành hợp lý. Giống như kết nối viễn thông trước kia cũng gặp rất nhiều trở ngại nhưng sau khi ban hành cơ chế, chính sách thì gần như mọi khó khăn đã được tháo gỡ và không gặp các vụ kiện tụng nữa”, Thứ trưởng chỉ đạo.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu Thông tư phải sớm có quy định cụ thể về hoạt động của VNIX như cơ chế, mô hình…
Dự kiến vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 này, Cục Viễn thông sẽ tổ chức Hội thảo về kết nối Internet với sự tham gia của các doanh nghiệp, các chuyên gia nước ngoài để lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Thông tư.
“Sau khi thị trường Internet phát triển ổn định thì sẽ xem xét việc cho phép các doanh nghiệp tự thỏa thuận về giá cước, trên cơ sở giá thành và theo hình thức kết nối. Khi đó, Bộ sẽ chỉ giữ vai trò giám sát việc tuân thủ giá cước đăng ký của các doanh nghiệp mà thôi”, đại diện Cục Viễn thông nhấn mạnh.
Theo Vietnamnet