TS. Nguyễn Bá Ân, Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Ảnh: X.B |
Theo TS. Nguyễn Bá Ân, Tổng Thư ký Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động ứng dụng CNTT trong hệ thống giáo dục Đại học ở Việt Nam kém hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên ICTnews, TS. Nguyễn Bá Ân nhấn mạnh: thời gian qua, một số trường Đại học đã triển khai ứng dụng CNTT nhưng lại theo kiểu số hóa quy trình sẵn có, trong khi các quy trình đào tạo của các trường Đại học lại khá khác nhau và chưa được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, dẫn tới hiệu quả ứng dụng CNTT không được như mong đợi. Kém phát triển ứng dụng CNTT chính là 1 trong những nguyên nhân khiến đến giờ vẫn chưa có trường đại học nào ở Việt Nam lọt vào danh sách Top 200 trường đại học của khu vực. So sánh với khối phổ thông thì hoạt động ứng dụng CNTT trong khối Đại học đang kém hơn nhiều (khối phổ thông đã có chính sách hỗ trợ phát triển ứng dụng CNTT, còn khối Đại học vẫn chưa có).
Tìm hiểu lý do tại sao các trường Đại học chưa đẩy mạnh đầu tư ứng dụng CNTT, TS. Nguyễn Bá Ân phân tích:10 năm qua, số lượng trường Đại học phát triển rất nhanh, từ con số 105 tăng lên hơn 400 trường. Tuy nhiên, các trường Đại học chỉ quan tâm tới phát triển “đầu vào” – thu hút và tuyển được nhiều sinh viên, chứ không quan tâm “đầu ra” là chất lượng và khả năng tham gia thị trường lao động của sinh viên sau khi ra trường. Khi không bị sức ép về chất lượng thì chả ai dại gì bỏ tiền đầu tư ứng dụng CNTT để cải thiện chất lượng nhân lực “đầu ra” nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
TS. Nguyễn Bá Ân lưu ý: Việt Nam đang ở trong thời kỳ dân số vàng, với khoảng 62% dân số trong độ tuổi lao động. Nếu 62% dân số này được đào tạo có chất lượng tốt và người Việt Nam sau khi đào tạo ở trong nước có thể làm việc cho các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trên phạm vi quốc tế thì Việt Nam có thể cạnh tranh được với bất kỳ quốc gia nào trong khu vực. Các trường Đại học chính là một trong những đối tượng gánh trọng trách phải đảm bảo chất lượng cho lực lượng lao động trình độ cao trong tổng số 62% dân số trong độ tuổi lao động. Việc ứng dụng CNTT sẽ giúp các trường Đại học hoàn thành tốt hơn việc đào tạo đội ngũ nhân lực mà không phải tái đào tạo khi tham gia thị trường lao động, biến con người thành lợi thế cạnh tranh quốc gia và quốc tế.
Theo tìm hiểu của phóng viên ICTnews, trong Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos năm 2012, Việt Nam nằm ở nhóm thấp nhất trong 5 nhóm quốc gia được đánh giá (nhóm 38 nước mới đáp ứng đươc các điều kiện cơ bản cho năng lực cạnh tranh, đa phần là nước kém hoặc đang phát triển). Riêng về chỉ số đào tạo và giáo dục Đại học, Việt Nam đứng ở vị trí 96/144 nước được xếp hạng.
Những bất cập trong hiện trạng phát triển ứng dụng CNTT trong các trường Đại học cũng như những giải pháp tháo gỡ nhằm nâng cao thứ hạng cho Việt Nam về năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ được tập trung bàn thảo trong Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam ICT Summit 2013 diễn ra ngày 20/6 tới ở Hà Nội.
Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Phần mềm & Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) năm nay sẽ diễn ra ngày 20/6/2013 tại Hà Nội với chủ đề “CNTT – nền tảng của phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia”. Trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ có 4 tọa đàm gồm “Hạ tầng thông tin quốc gia – vấn đề và giải pháp”, “CNTT- nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp”, “CNTT – cải cách đào tạo đại học”, “CNTT – cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh vĩ mô”.
Theo ICTnews