Sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định CNTT năm 1996, sản phẩm CNTT ngoại nhập xuất hiện ồ ạt trên thị trường nội địa, khiến cho nhiều doanh nghiệp điện tử thương hiệu Việt phá sản hoặc phải chuyển hướng hoạt động. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Mặt trái của việc tham gia Hiệp định CNTT mở rộng (ITA 2) là khiến nhiều doanh nghiệp CNTT-TT đứng trước nguy cơ đóng cửa. Tình trạng này từng xảy ra sau khi Việt Nam tham gia Hiệp định CNTT (ITA 1) năm 1996.
Bộ TT&TT đang xúc tiến tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp về việc nên tham gia Hiệp định ITA 2 ra sao và từ thời điểm nào để có lợi nhất cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra như sản phẩm CNTT-TT nào nên tham gia ITA2, sản phẩm nào cần hạn chế để bảo hộ sản xuất trong nước, sản phẩm nào Việt Nam có thể phát triển/sản xuất được trong thời gian tới, sản phẩm nào không thể phát triển/sản xuất được,..
Theo bà Nguyễn Minh Thu, (Vụ CNTT, Bộ TT&TT), đây là vấn đề liên quan tới sự sống còn của các doanh nghiệp. Bà Thu dẫn chứng sau khi chính thức tham gia Hiệp định ITA 1 (năm 1996), Việt Nam đã thực hiện cam kết cắt giảm thuế đối với hơn 300 mặt hàng CNTT thuộc phạm vi Hiệp định, hiện chỉ còn hơn 30 mặt hàng có thuế suất từ 2,1 – 4,3 %, và theo lộ trình đến năm 2014, thuế suất của các mặt hàng đều đưa về mức 0%. Không phủ nhận việc tham gia ITA có nhiều điểm lợi như giúp người dùng được tiếp cận với sản phẩm tiên tiến của thế giới, chất lượng lao động được nâng cao… song cũng có không ít hệ lụy đi kèm.
Rõ nhất là các doanh nghiệp điện tử thương hiệu Việt như Công ty TNHH điện tử Tiến Đạt, Viettronic Tân Bình, Hanel… hầu như phá sản hoặc chuyển đổi hướng hoạt động sang thương mại dịch vụ. Cụ thể như Công ty TNHH điện tử Tiến Đạt, trước lắp ráp TV, đầu đĩa, amplifier… sau đã chuyển sang đèn LED nhưng vẫn không thể phát triển, giờ đành kinh doanh chủ yếu trong mảng cho thuê mặt bằng, địa ốc.
Khi sản phẩm CNTT ngoại nhập xuất hiện ồ ạt tại Việt Nam thì thị trường của sản phẩm phần cứng, điện tử Việt bị thu hẹp, người tiêu dùng chủ yếu tiêu thụ sản phẩm nhập ngoại. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 dù tăng hơn trước, đạt 80 – 90% nhưng chủ yếu do xuất khẩu điện thoại của các doanh nghiệp FDI.
Khó khăn hơn nữa khi các nước tham gia Hiệp định ITA đang đặt vấn đề triển khai ITA mở rộng (ITA 2), nhằm bổ sung nhiều sản phẩm mới vào danh mục cam kết giảm dần và tiến tới mức thuế suất 0%.
Các nước thường đàm phán để bổ sung nhiều sản phẩm có lợi thế xuất khẩu của nước mình, đồng thời hạn chế những sản phẩm mà sản xuất trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh với quốc tế. Chẳng hạn, Hoa Kỳ muốn đưa thêm những sản phẩm công nghệ cao như phần mềm, vi mạch, máy móc, phụ kiện sản xuất sản phẩm công nghệ cao, vi mạch, cáp quang; EU đề xuất tập trung các sản phẩm điện tử chuyên dụng liên quan thiết bị y tế như máy CT…; Đài Loan đưa thêm bản mạch điện tử; Nhật Bản, Hàn Quốc “ứng cử” các mặt gia dụng gồm máy giặt, tủ lạnh… có kết nối mạng, điều khiển từ xa.
“Khi Việt Nam tham gia ITA 2, hoạt động sản xuất trong nước có thể gặp thêm khó khăn. Ngoài ra, sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp CNTT Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hàng rào phi thuế quan các nước và tuân theo luật chơi của một số hãng sản xuất hàng đầu về tiêu chuẩn, sở hữu trí tuệ,… cũng như đối mặt với cuộc đua không cân sức về công nghệ, thị trường… với các tập đoàn, doanh nghiệp CNTT thống trị”, bà Thu phân tích thêm.
Dự kiến, Hiệp định ITA 2 sẽ được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng CNTT vào tháng 11/2013. Bởi vậy, Bộ TT&TT sẽ chốt thời hạn lấy ý kiến của doanh nghiệp về các sản phẩm CNTT đưa vào Danh mục giảm thuế theo Hiệp định ITA vào tháng 7/2013.
Danh mục sản phẩm bổ sung của ITA 2 hiện có thêm khá nhiều sản phẩm thuế suất trên 0% có khả năng tác động đối với Việt Nam. Chẳng hạn, những sản phẩm như điện thoại di động, điện thoại dùng cho mạng không dây, thiết bị phát dùng cho phát thanh sóng vô tuyến hoặc truyền hình, camera truyền hình, camera số và camera ghi hình ảnh nền,… đều đang có thuế suất từ 5 – 20%. Thậm chí, nhiều thiết bị đang có thuế suất cao hơn 20% như thiết bị ghi và tái tạo âm thanh, micro và giá đỡ micro, loa, tai nghe, thiết bị điện khuếch đại âm tần, bộ tăng âm điện…
Theo ICTnews