Khủng hoảng kinh tế, doanh nhân mất cả vợ

 

TS Mộc Quế. Ảnh: Duy Chiến

TS Mộc Quế. Ảnh: Duy Chiến

Nhân ngày Gia đình VN 28/6, Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi xung quanh những biến động về mô hình gia đình hiện nay với TS. Mộc Quế, viện trưởng Viện quản trị doanh nghiệp, tác giả cuốn sách Xây dựng văn hóa gia đình doanh nhân.

– Tôi nhận thấy có một hiện tượng khá mới đang xuất hiện. Đó là khủng hoảng kinh tế không chỉ tàn phá các doanh nghiệp, mà nhiều doanh nhân mất tài sản cũng mất luôn cả vợ và gia đình. Chẳng lẽ nền tảng gia đình các doanh nhân lại kém bền vững đến vậy?

Tôi đã cảnh báo vấn đề này từ lâu, ngay từ cuốn sách Xây dựng văn hóa gia đình doanh nhân mà tôi viết từ khi khủng hoảng chưa xảy ra.

Các gia đình thành đạt thường đầy đủ tiện nghi tiêu dùng, sinh hoạt. Khi chúng mất đi, nếu không được chuẩn bị, tức không có một nền tảng văn hóa cần thiết, thì lòng người cũng dễ đổi thay. Nói nôm na là người đã quen sống trong nhung lụa, nay phải sống bần hàn rất khó thích nghi, nên dễ bị đổi thay.

Cho nên, phải có sự chuẩn bị từ đầu. Cần xây dựng trước nền tảng văn hóa gia đình phù hợp cho xã hội. Cơ chế thị trường có nhiều mặt tích cực, nhưng nếu thiếu giá trị văn hóa kèm theo thì vô cùng tai hại. Bởi cơ chế đó buộc chúng ta cạnh tranh mạnh mẽ, có người thắng thì cũng có kẻ thua. Không lẽ khi thua thì anh mất luôn cả vợ, con?

– Vậy từ trải nghiệm và quan sát của bản thân, theo ông mô hình gia đình như thế nào mới phù hợp với xã hội hiện nay?

Tôi nghĩ về mặt này chúng ta có thể học tập Hàn Quốc. Tổng thống Park Chung Hee của nước này trong thời tại vị (1961 – 1979) đã xây dựng thành công nền tảng cho mô hình văn hóa gia đình thời kỳ mới trong 10 năm.

Đó là chương trình nâng cao tinh thần trách nhiệm cá nhân với xã hội, đất nước, tinh thần tự lực tự cường; cải thiện xã hội; Phát triển đất nước lấy công nghệ khoa học kỹ thuật làm đầu. Đáng chú ý là trong xây dựng giá trị, nhân cách của con người, họ lấy “3 tự” làm đầu: Tự lực, tự trọng, tực giác. Đây là 3 giá trị lớn xây dựng nên tinh thần dân tộc.

Ngoài ra còn những giá trị kèm theo như vệ sinh, vâng lời, đoàn kết. Hình ảnh ngọn cờ 3 lá trong chương trình xây dựng làng mới (tương tự như phong trào xây dựng nông thôn mới ở ta – PV) rất thiết thực, cụ thể. Nhờ vậy, họ đã xây dựng được nền văn hóa mới, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống, bổ sung nhiều giá trị văn hóa của thời đại, từ đó xây dựng nên nước Hàn Quốc mạnh mẽ hùng cường trên thế giới.

Có thể nói, không đất nước nào phát triển được nếu thiếu nền tảng con người và gia đình. Vì thế, với Việt Nam, văn hóa gia đình không chỉ là vấn đề của từng gia đình, mà còn là vấn đề hệ trọng của đất nước, của dân tộc. Chúng ta cần nghiêm túc xém xét, nghiên cứu đánh giá để xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, tích cực, phù hợp với thời đại, góp phần phát triển đất nước!

– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 Theo cafef