Hợp tác với các nhà bán lẻ ngoại đang dần trở thành xu hướng khi mới đây, có thêm một hãng bán lẻ Việt Nam đã “bắt tay” với hãng ngoại thông qua việc “chia sẻ” quyền sở hữu cổ phần. Theo đó, “đại gia” bán lẻ điện máy của Nhật Bản là Nojima đã chính thức rót 64 tỷ đồng để sở hữu 10% cổ phần của Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh. Theo các chuyên gia, việc hợp tác mang lại lợi ích cho cả đôi bên, nhưng doanh nghiệp (DN) nội vẫn cần thận trọng để tránh những “bẫy” thôn tính từ hãng ngoại.
Với mục tiêu mở rộng hệ thống điểm bán tại Hà Nội nâng lên thành 10 điểm trong năm 2013, nguồn vốn từ liên doanh với hãng bán lẻ điện máy hàng đầu Nhật Bản sẽ giúp Trần Anh có nền tảng tài chính vững chắc để thực hiện việc mở chuỗi. Như vậy, với 7 siêu thị đã có, từ nay đến cuối năm, Trần Anh sẽ mở thêm 3 điểm bán để có thể “chắc chân” tại Hà Nội trước khi tiến quân vào Tp.HCM và nhiều thành phố lớn khác.
Đôi bên cùng có lợi
Mục tiêu của liên doanh này là sẽ đưa hãng bán lẻ điện máy duy nhất của Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán trở thành DN sở hữu chuỗi siêu thị điện máy – máy tính – mobile có quy mô hàng đầu Việt Nam.
Với một thị trường mới phát triển và chưa đến giai đoạn bão hòa, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng việc liên doanh, liên kết với hãng ngoại nhằm “tận dụng” những lợi thế vốn có của đối tác sẽ là xu hướng tất yếu. Đặc biệt, trong bối cảnh các DN nước ngoài đang gặp nhiều rào cản khi thâm nhập vào thị trường bán lẻ đầy tiềm năng của Việt Nam, thì việc liên doanh, liên kết còn mang lại lợi ích cho các hãng ngoại: “Với những rào cản về hạn chế mở điểm bán, nhiều hãng bán lẻ ngoại thường chọn hình thức liên doanh như một biện pháp nhanh nhất mà hiệu quả nhất để thâm nhập thị trường Việt Nam. Xây dựng liên doanh cũng mang lại lợi ích cho DN nội trong việc nâng cao nguồn lực, sức mạnh về tài chính, kinh nghiệm để gia tăng vị trí trên thị trường”.
Ông Trần Xuân Kiên – Chủ tịch HĐQT Trần Anh, cũng thẳng thắn thừa nhận sẽ chấp nhận huy động mọi nguồn vốn từ bên ngoài thông qua các liên doanh, liên kết hoặc hợp tác đầu tư để gia tăng sức mạnh cho hãng trên thị trường.
Trần Anh dự kiến nâng lên thành 10 điểm bán lẻ tại Hà Nội trong năm 2013
Thực tế cho thấy trước khi có sự tham gia rót vốn của Nojima, quỹ đầu tư Aureos Capital cũng đã rót vào Trần Anh 4,5 triệu USD vào năm 2010 và sở hữu 18,5% cổ phần công ty ở thời điểm đó. Thực tế, liên doanh đã mang lại cái lợi lớn cho DN khi nguồn vốn dồi dào của đối tác đã giúp Trần Anh trở thành một trong những thương hiệu bán lẻ điện máy chiếm thị phần lớn nhất tại Hà Nội.
Không phủ nhận những lợi ích mà liên doanh mang lại cho DN nội trong việc gia tăng tiềm lực và vị trí trên thị trường, nhưng những cảnh báo về nguy cơ thôn tính của hãng ngoại vẫn được các chuyên gia nhắc đến.
Thực tế cho thấy thị trường bán lẻ điện máy vẫn luôn là miếng mồi ngon béo bở với không ít hãng ngoại khi có nhiều “đại gia” đã nhăm nhe và chi tiền giành cổ phần ở những DN nội có tên tuổi, như: CDH Electric Bee Limited đã mua lại 19,88% cổ phần của Thế giới Di động; Best Denky liên doanh với Carings để mở Best – Carings… Dự báo sẽ chỉ có khoảng 20% các cửa hàng điện máy nhỏ lẻ tồn tại chủ yếu ở các vùng nông thôn, và thị trường sẽ bị thống trị bởi những tập đoàn lớn, trong đó có các hãng ngoại.
Có dễ chơi với “ông lớn”?
Ông Phú cho rằng bằng nhiều chiêu thức khác nhau như chuyển giá, tăng chi phí trong khâu tiếp thị, quảng cáo, thâu tóm cổ đông…, đã có không ít bài học “đau đớn” khi thương hiệu Việt bị mất trắng với các liên doanh.
Theo ông Kiên, những nguy cơ thôn tính hay thâu tóm luôn tiềm ẩn trong mọi ngành, lĩnh vực khi các DN nội thực hiện liên doanh. Do đó, dù chấp nhận “chia sẻ” cổ phần để gia tăng tiềm lực và sức cạnh tranh cho DN, nhưng Trần Anh vẫn luôn giữ vững nguyên tắc nhất quán là ban lãnh đạo, đặc biệt là những nhà sáng lập công ty, sẽ nắm chắc cổ phần với tỷ lệ trên 51% để giữ quyền kiểm soát mọi hoạt động.
Cuộc đua mở rộng thị phần của các hãng điện máy vẫn đang tập trung vào việc mở chuỗi hệ thống với các điểm bán. Tuy nhiên, một bài toán mà hiện có không ít DN trong ngành này đang “mắc kẹt” là việc nhiều nhà bán lẻ đua nhau mở điểm bán ở cùng một khu vực, thậm chí cùng một cung đường, đã khiến cho sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.
Theo một chuyên gia trong ngành, ở thị trường nào, miếng bánh thị phần cũng đều có “ngưỡng”, nên nếu các DN cùng đua mở chuỗi mà không tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng bài toán kinh tế, thì nguy cơ cùng “dìm” nhau là điều có thể xảy ra.
Để giải quyết bài toán này, ông Kiên cho biết sẽ ưu tiên mở điểm bán ở khu vực có ít đối thủ cạnh tranh nhất, với quy mô nhỏ hơn: từ 3.000 – 4.000m² trước đây xuống còn khoảng 2.000m² để tiết kiệm tối đa chi phí. Theo ông Kiên, thị trường cạnh tranh nhưng sự thắng thế sẽ thuộc về nhà bán lẻ nào tiết giảm chi phí ở mức thấp nhất, giá thành cạnh tranh nhất.
Được biết, bên cạnh việc trực tiếp tham gia đầu tư tài chính, Nojima sẽ cử chuyên gia sang làm việc tại Trần Anh để cùng xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn và hoàn thiện dịch vụ khách hàng. Đây sẽ là lợi thế để Trần Anh gia tăng cả về tài chính lẫn kinh nghiệm, nhưng trước một đối tác đã khá “dày dặn” trên thị trường, DN này vẫn thua xa về mọi mặt. Và nếu không có kế hoạch và chiến lược phát triển chắc chắn, thận trọng, nguy cơ bị thôn tính trong tương lai vẫn không phải không tồn tại.
Theo TBKD