CEO đúng nghĩa phải là người lãnh đạo dẫn dắt tư duy và các hành vi ứng xử trong doanh nghiệp, đó là văn hóa doanh nghiệp.
Với suy nghĩ đó, nhiều CEO đã nhận thức được trách nhiệm quan trọng nhất của họ là Lãnh đạo Văn hóa của doanh nghiệp.
Ginni Rometty, CEO của doanh nghiệp máy tính khổng lồ IBM của Mỹ đã từng nói : “Văn hóa là tài sản giá trị nhất của doanh nghiệp”.
Steve Ballmer của Microsoft cho rằng : “Tất cả những gì mà CEO làm chỉ là bồi đắp hoặc phá hỏng Văn hóa của doanh nghiệp”.
Howard Schultz của Starbucks nhấn mạnh : “Nhiều thành quả của Starbucks có được hôm nay là nhờ một đội ngũ nhân viên tâm huyết và biết nâng niu văn hóa doanh nghiệp”.
Văn hóa doanh nghiệp, hiểu đơn giản, là sự tập hợp của những khuôn mẫu có tính ước lệ được tạo dựng và duy trì một cách có chủ ý và lâu dài trong doanh nghiệp về những ứng xử, tình cảm, tư duy và niềm tin. Có thể hiểu đó chính là những khuôn mẫu có tính định hướng quyết định những tư tưởng của những hành vi ứng xử trong doanh nghiệp ở mọi cấp độ. Ở tầng mức cao nhất, văn hóa doanh nghiệp là khởi nguồn hình thành các giá trị của chính doanh nghiệp, tạo động lực và khuyến khích người lao động làm việc với tất cả khả năng của họ để doanh nghiệp đạt được kết quả tốt nhất. Ngược lại, ta có thể thấy nếu văn hóa doanh nghiệp kém thì hệ lụy là khôn lường, có thể là sự hoạt động kém hiệu quả và trì trệ kéo dài của doanh nghiệp, thậm chí làm nó sụp đổ.
Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô quá lớn và cơ cấu tổ chức phức tạp thì văn hóa doanh nghiệp của những doanh nghiệp đó cũng sẽ có nhiều vấn đề trục trặc vì văn hóa ở đó được hình thành từ rất nhiều phông văn hóa đan xen nhau, gây ra nhiều tác động đa chiều và phản ứng lẫn nhau.
CEO là lãnh đạo và có liên quan đến tất cả các khía cạnh trong hoạt động của doanh nghiệp, CEO có tác động không chỉ trong việc nhân viên cảm nhận về doanh nghiệp thế nào mà còn quyết định đến tinh thần làm việc của họ sẽ như thế nào nữa. Tuy nhiên, một CEO thừa nhận tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp không có nghĩa người đó có đó có văn hóa CEO tốt. CEO giỏi phải là người kiến tạo được một môi trường làm việc hoàn hảo cho nhân viên, ở đó có sự cam kết giữa lãnh đạo và nhân viên, có sự tôn trọng và sự tin tưởng lẫn nhau. Những giá trị đó không phải tự nhiên mà có được, nó là kết quả từ sự hòa trộn của ba yếu tố có ý nghĩa đặc biệt là Công việc, Quy trình làm việc và Sự nhiệt tâm của mỗi một thành viên trong doanh nghiệp. CEO phải như người thợ làm bánh tài giỏi : gia giảm, pha trộn và nhào nặn bộ ba này thật nhu nhuyễn hài hòa ở mức tối ưu nhất có thể để có được những chiếc bánh có Hương và Vị quyến rũ.
Nếu như một CEO đang chèo lái con tàu doanh nghiệp vượt qua sóng gió và đang dẫn đầu cuộc cạnh tranh thì đó chính là dấu hiệu cho thấy giữa CEO và doanh nghiệp có sự tương đồng về văn hóa, hay đúng hơn là văn hóa của CEO phù hợp với chiến lược của doanh nghiệp. Vì, CEO đóng vai trò của người thuyền trưởng và đã cầm lái con tàu đi đúng hướng, thậm chí dẫn đầu cả đoàn tàu, doanh nghiệp thành công. Yếu tố văn hóa sẽ quyết định sự ổn định và phát triển tốt của doanh nghiệp trong dài hạn. Nhân viên sẽ luôn cảm thấy tin tưởng vào CEO có văn hóa tốt, và họ sẽ như được tiếp thêm năng lượng để làm việc cho một tổ chức mà họ coi như là ngôi nhà của mình; họ cũng sẽ rất tự hào về công việc và những thành quả mà hộ đạt được. Muốn vậy, CEO cần phải thể hiện cho nhân viên những hành vi ứng xử có tính khẳng định và nhắc nhở về các giá trị của doanh nghiệp, về khát vọng, những cam kết gắn với thành công của doanh nghiệp; theo đó cả CEO luôn ý thức việc củng cố – điều chỉnh chiến lược của doanh nghiệp cho phù hợp với văn hóa và ngược lại.
Văn hóa doanh nghiệp có ba đặc điểm cơ bản là mang tính đa chiều, chậm thay đổi và khó kiểm soát. Vì vậy, văn hóa doanh nghiệp, đòi hỏi phải được chăm chút kỹ lưỡng bằng những hành động mang có tính ràng buộc và cam kết từ phía CEO. Yếu tố này cần được hết sức chú ý đối với những doanh nghiệp lớn vì đó là nơi tụ hội lại nhiều phông văn hóa khác nhau, thậm chí mang tính khác biệt. Thông thường, khi phải đối mặt với những vấn đề có tính thách thức về văn hóa, CEO thường dễ quên điều đó, hoặc không hiểu, và có xu hướng lạm dụng quyền lực để áp đặt những biện pháp quản lý có tính chiến thuật cứng nhắc mà thôi. Họ thường coi vấn đề văn hóa doanh nghiệp không phải là việc của họ, đó chỉ là nhiệm vụ của các chuyên gia.
Khởi đầu của việc xây dựng văn hóa cho doanh nghiệp là CEO phải có được sự nhận thức mang tính thừa nhận một cách rõ ràng về thực trạng văn hóa hiện có trong doanh nghiệp, sàng lọc kỹ lưỡng và nhặt lấy những giá trị đích thực và cần thiết phù hợp với định hướng chiến lược của doanh nghiệp. Cần tránh sa đà vào những vấn đề đã được làm rõ và có tính ưu tiên thấp hay những vấn đề đã được giải quyết xong. Các CEO thường dễ dính mắc vào những vấn đề đó vì có thể tư duy của họ chưa thay đổi kịp hay chỉ đơn giản là vì thói quen tư duy theo lối mòn. Do đó khi giải quyết các vấn đề về văn hóa trong doanh nghiệp cần có sự lựa chọn dứt khoát và có nguyên tắc cụ thể để không hao phí nguồn lực và thời gian một cách vô ích. CEO cần chú ý những vấn đề sau để xây dựng và bồi đắp văn hóa doanh nghiệp theo đúng định hướng :
– Thấy được tính cấp thiết của việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và tập trung vào việc đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp trong vấn đề văn hóa hơn là đi giải quyết các vấn đề đang tồn tại của doanh nghiệp
– Chọn ra những giá trị tiêu biểu cho văn hóa của doanh nghiệp mà CEO mong muốn các cá nhân trong doanh nghiệp thừa nhận những giá trị đó. Bản thân CEO phải thể hiện cho nhân viên thấy được sự sẵn sàng tiếp nhận của mình đối với những hành giá trị đó.
– CEO phải tạo được sự lôi cuốn của bản thân đối với doanh nghiệp bằng những hành xử hợp phù hợp cả về cảm tính và lý tính.
– Hết sức cẩn trọng khi thực hiện những thay đổi cần thiết.
CEO phải dành rất nhiều tâm huyết, trí tuệ và sức lực cho việc xây dựng và bồi đắp văn hóa của doanh nghiệp, để đảm bảo rằng văn hóa đó luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trên từng chặng đường.
Theo HLG