Sự bùng nổ của internet di động (mobile internet) đang hình thành nên một lượng cư dân di động đông đảo. Một thị trường quảng cáo ở đây cũng đã được xác lập.
Những cư dân di động
Theo số liệu của Công ty Cimigo 2012, hiện tại ở Việt Nam có khoảng 145 triệu thuê bao điện thoại di động, trong đó số người sử dụng Internet trên điện thoại đã hơn 20 triệu. 30% số điện thoại đang được sử dụng là điện thoại thông minh (smartphone). Khoảng một nửa trong số những người dùng điện thoại thường đang muốn đổi sang smartphone trong thời gian tới.
Điện thoại di động đã trở thành một kênh kết nối hiệu quả trong truyền thông đa phương tiện, đẩy mạnh tương tác giữa các kênh truyền thông nhằm tạo ra sự gắn kết trong trải nghiệm đến đối tượng tiêu dùng. Với phương tiện này, thói quen và hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi. Giới doanh nghiệp đã không thể đứng ngoài cuộc và các nhà quảng cáo cũng bước vào cuộc chơi mới theo bước chân người tiêu dùng.
Một trong những nhà quảng cáo đầu tư mạnh mẽ cho quảng cáo trên điện thoại di động (mobile marketing) là Goldsun Focus Media (GFM). Theo bà Trần Thị Lan Thanh, Tổng giám đốc GFM, mạng lưới sosmart.vn của GFM hàng tháng đón nhận hơn 640 triệu lượt truy cập qua điện thoại di động. Thị trường xem ra đã đủ lớn và các doanh nghiệp đã có thể thực hiện các chiến dịch tăng độ phủ nhắm đến khách hàng mục tiêu một cách hiệu quả.
Đã có các chiến dịch cho những kết quả vượt mong đợi trên Sosmart. Coca-Cola triển khai một chiến dịch với mục tiêu 15.000 lượt tải ứng dụng. Kết quả đã có 28.000 lượt tải, phân bổ được trên 26 triệu lượt quảng cáo trên hệ thống Sosmart. Vietjetair, trong chiến dịch khuyến mãi bán vé máy bay đến Bangkok, đặt mục tiêu 2.000 lượt đặt vé qua điện thoại thì kết quả đã có hơn 2.300 lượt giao dịch sau khi hơn 5 triệu quảng cáo được phân bổ trên mạng lưới Sosmart. Theo số liệu từ Vietjetair, chiến dịch mới nhất với giá vé 99.000 đồng có khoảng 5.000 lượt truy cập và đặt vé trực tuyến trong thời gian từ 9-10 giờ tối mỗi ngày.
Các ngân hàng như HDBank, VietinBank, các ông lớn ngành nước giải khát như Heineken cũng đã gia nhập các chiến dịch của Sosmart. Các thương hiệu khác như Sony hay các hãng game cũng không đứng ngoài cuộc. Đáng ngạc nhiên hơn, một quán cà phê nhỏ như Windy Coffee tại Hà Nội, chỉ sau năm ngày tham gia, số lượng khách hàng đã tăng đến 70% so với những ngày trước đó.
Sosmart, theo bà Thanh, giống như một “ngôi chợ” trên điện thoại đi động. Người đi chợ có thể tích hợp được tất cả “hàng hóa” là thông tin từ các “chợ” truyền thông truyền thống khác. Bà Thanh ví von xây một ngôi chợ như vậy như xây nhà trên đầm lầy. Cuộc chơi của ngành điện thoại, kể cả quảng cáo trên điện thoại, không chỉ dành cho những người trường vốn mà còn phải bền gan. Xây nhà trên đầm lầy nghĩa là sẵn sàng cho nhà sập để lấy đó làm nền móng cho ngôi nhà sau vững chắc hơn.
Nhưng một dấu hiệu tích cực cho GFM, cư dân di động đã tìm đến Sosmart, mở ra cơ hội bán hàng cho doanh nghiệp. Ở đó, các nhà quảng cáo xác định được đúng đối tượng mục tiêu của mình trong mỗi chiến dịch, và quan trọng hơn là đo đếm được hiệu quả của mình trên thời gian thực bằng một hệ thống báo cáo minh bạch, chính xác.
Theo bước chân người tiêu dùng
Điện thoại đã trở thành công cụ chính để giao tiếp, giải trí và cập nhật tin tức, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ. Điện thoại cũng là nơi người tiêu dùng tìm kiếm, đánh giá rồi ra quyết định mua hàng, thông qua những giới thiệu và đánh giá của bạn bè, đồng nghiệp trên các mạng xã hội. Thời gian dành cho truyền hình đang ít lại, thay vào đó, thời gian bỏ ra trên điện thoại đang gia tăng. Hơn nữa các nghiên cứu về hành vi người tiêu dùng gần đây nhận thấy khi một người xem ti vi, họ đồng thời sử dụng smartphone hay máy tính bảng. Xu hướng tương tác trực tuyến với các thương hiệu và các công ty cũng đang phát triển. Bước chân của người tiêu dùng đã thay đổi, khiến các doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo.
Dẫu vậy, ngân sách chi cho quảng cáo trên điện thoại di động vẫn còn rất ít, chiếm chưa đầy 1%.
Có thể, giới kinh doanh vẫn còn thận trọng với dự đoán về sự bùng nổ quảng cáo trực tuyến, trong đó có quảng cáo trên điện thoại di động. Cho đến nay, ngân sách dành cho hình thức quảng cáo này vẫn chỉ chiếm chừng 3-5% và được cho là “vẫn trong giai đoạn sơ khai”.
Câu chuyện của mobile marketing có khác hơn khi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng. Không chỉ có một lượng khách hàng lớn để gia tăng độ phủ, GFM đang sở hữu một ứng dụng có tên là Point sử dụng công nghệ Augmented Reality (AR – tương tác thực tại ảo). Mới vài năm trước, AR còn được coi là một câu chuyện cổ tích nhưng nay đã khá phổ biến, và các chuyên gia cho rằng đây sẽ là công nghệ kiếm được nhiều tiền nhất trên smartphone trong năm nay.
Với AR, quảng cáo đã thay đổi khi chỉ với chiếc camera, trên màn hình điện thoại sẽ xuất hiện những thông tin cần thiết, từ đoạn giới thiệu (trailer) của một bộ phim, hình ảnh 3D của một căn hộ, video clip giới thiệu sản phẩm đến các thông tin đa dạng khác.
Vấn đề khiến doanh nghiệp quan tâm chính là chi phí cho quảng cáo di động rất hấp dẫn. Theo bà Thanh, với một chi phí tương đối thấp, chỉ khoảng 30 triệu đồng, một doanh nghiệp nhỏ cũng có thể chạy được một chiến dịch với hiệu quả tương tác cao trong việc tận dụng độ phủ của các kênh truyền thống khác, tập trung vào đối tượng mục tiêu và tạo sự gắn kết trên những trải nghiệm có chức năng tương tác. Thêm nữa, sự đa dạng trong hình thức quảng cáo cũng như khả năng tối ưu hóa để tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu theo từng phân khúc tiêu dùng cũng sẽ là một “điểm cộng” cho kênh truyền thông này.
Các chuyên gia đang nhìn thấy một sự dịch chuyển về ngân sách quảng cáo của nhiều doanh nghiệp, trong đó có những công ty lớn như Unilever, P&G, Coca-Cola, Pepsi. Trong thời gian tới, với những lợi thế về hiệu quả cao mà chi phí thấp, sự dịch chuyển này chắc chắn sẽ trở nên rõ nét hơn. Bài toán còn lại là sự hiểu thấu về hình thức quảng cáo này sao cho có lợi nhất để đạt được hiệu quả cao.
Theo DNSG