“Ngày xưa chúng ta sống trong hang động, sau đó sống trong thành phố, bây giờ chúng ta sống trên mạng”.
Câu nói trong bộ phim The Social Network đã tóm tắt đầy đủ xu hướng của con người hiện đại. Cuộc sống ngày càng tiện lợi hơn. 10 năm trước, không ai là không dùng Yahoo Messenger, nhưng nó cũng chỉ là một công cụ giao tiếp, một hình thức rẻ tiền hơn nhắn tin qua điện thoại di động. Nó chưa đủ để người ta “sống” trên đó.
Facebook thì khác, hằng giờ hằng phút hằng giây mọi người có thể biết nhau đang ở đâu, làm gì nghĩ gì mà không cần phải nói chuyện. Ngại hỏi thăm ư? Một nút “like” là đủ làm cho bạn bè cảm thấy thỏa mãn. Hiếm ai mở máy tính mà không vào facebook ngay lập tức, không có gì xấu cả, vì ai cũng có nhu cầu quan tâm đến người thân và nhu cầu được chia sẻ.
Không chỉ thế, facebook có điểm còn hơn cả một xã hội thực, đó là khả năng tìm kiếm và kết bạn đơn giản. Bạn muốn liên hệ với người nổi tiếng? Đó chỉ là một giấc mơ không bao giờ trở thành hiện thực trước khi có facebook. Mất liên lạc với đám bạn từ thời cấp I? Không sao, cứ chịu khó tìm kiếm, sẽ có một cuộc họp lớp nhanh thôi.
Nhưng facebook liệu chỉ có những điều tuyệt vời? Đã là một xã hội, thì nó không bao giờ hoàn hảo.
Sống trên facebook không đơn giản
Facebook cũng có “văn hóa” của nó. Thật ra, cũng không khác nhiều xã hội thực. Ở ngoài đời, được chào mà không đáp lại thì khó có lần sau nữa. Facebook cũng vậy, ai “like” một bức ảnh của mình mà không “like” lại, rất có thể “mối quan hệ” sẽ chấm dứt. Trong cuộc sống, cách duy trì quan hệ có rất nhiều, còn trên facebook, chủ yếu qua nút like. Chính vì thế rất dễ đổ vỡ nếu tham gia facebook mà không biết “Văn hóa facebook”. Thêm nữa, mối quan tâm của mỗi người là khác nhau, nên không phải lúc nào cũng “Thích” cái của người khác đăng lên. Nếu không có một “kênh” hòa giải nào ở đời thực, rất có thể sẽ không còn là bạn ở đời thực nữa.
Đừng “ăn mày” về tinh thần
Ở ngoài đời, không ai “dám” suốt ngày ỉ ôi than vãn với bạn bè dù là thân nhất, nhưng trên facebook thì “dám” đấy, rất đơn giản: chỉ cần viết một dòng tâm trạng là có thể chia sẻ với tất cả mọi người. Nhưng sự việc không chỉ có thế, facebook đúng là một công cụ than thở hoàn hảo và ai đã một hay vài lần than thở trên đó sẽ than thở mãi. Để vượt qua khó khăn, người ta cần phải dựa vào chính mình để tìm ra cách giải quyết. Một vài nút like hay bình luận có thể giảm bớt nỗi buồn trong chốc lát, nhưng vấn đề thực sự thì vẫn còn đó. Quen than thở trên facebook sẽ làm người ta ảo tưởng về một sự “giải tỏa” không có thật và không bao giờ tìm được lối thoát thực sự ngoài đời. Kể cả việc tìm sự cảm thông trên facebook, hãy cẩn thận, vì nếu không ai like, bạn sẽ còn stress hơn.
Hãy nhìn Nick Vujicic, thay vì chọn cách đi xin sự thương hại của người khác, chàng trai không tay không chân đã biến mình trở thành nguồn cảm hứng cho những người hoàn toàn lành lặn. Ở con người này không có sự than thở, không bao giờ “ăn mày” về tinh thần hay vật chất. Ngược lại, tất cả phải đi xin kinh nghiệm vượt qua khó khăn của anh.
Facebook có thật sự đưa mọi người đến gần nhau hơn?
Phần lớn sẽ nghĩ là có. Nhờ facebook, ta luôn biết được thông tin của người thân cách xa cả nửa vòng trái đất. Đi đâu, vẫn có cảm giác như ở bên cạnh. Nhưng cũng nhờ cảm giác “luôn ở cạnh” như vậy mà ít người còn có nhu cầu phải gặp nhau nữa. Xin nhắc lại rằng, facebook chỉ giúp “khoe” các kỷ niệm, chứ không thể tự tạo ra kỷ niệm. Thế giới ảo vẫn là thế giới ảo. Bạn có thể khoe cảnh uống bia, nhưng không thể uống bia trên facebook. Sống quá lâu trên thế giới ảo cũng đồng nghĩa với việc sống trong thế giới thực ít đi. Càng ít gặp bạn bè, cũng đồng nghĩa với việc có càng ít các kỷ niệm.
Có những người mà nhà chỉ cách vài trăm mét, nhưng cả năm không gặp được một lần. Sau nỗi vui mừng vì tìm thấy nhau trên facebook, người ta cũng không còn nhu cầu phải gặp trực tiếp nữa. Nếu cứ thế này, có thể phải đến khi sắp không thể gặp được nữa, người ta mới đến nhìn mặt nhau lần cuối. Facebook đang giúp những người ở xa có cảm giác như được ở gần nhau, nhưng cũng có thể làm những người gần nhau như cách xa hàng ngàn km.
Theo Genk