Có tới 75% doanh nghiệp báo cáo đã trả hối lộ dù không bị yêu cầu. Ảnh TH |
Các doanh nghiệp Việt Nam bị cho là đã tham gia một cách chủ động chuỗi tham nhũng – hối lộ, vòng luẩn quẩn mà họ lẽ ra phải thoát ra được.
Đây là cảnh báo của chuyên gia Soren Davidsen từ Ngân hàng Thế giới (WB) tại hội thảo nhằm thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh do Thanh tra Chính phủ, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và Đại sứ quán Anh tổ chức này 24-10 tại TPHCM.
Chất bôi trơn cho doanh nghiệp
Có hơn 75% doanh nghiệp cho biết họ hối lộ dù không bị công chức nhà nước gợi ý, và 59% doanh nghiệp cho biết họ tặng quà hoặc tiền, ông Davidsen trích số liệu từ một nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi WB và Thanh tra Chính phủ.
Có tới 63% doanh nghiệp trả lời các chi phí không chính thức nhằm tạo cơ chế ngầm để được giải quyết công việc nhanh chóng.
“Điều này có nghĩa, doanh nghiệp góp phần tạo ra vòng luẩn quẩn tham nhũng”, ông nói.
Quy trình luẩn quẩn này bắt đầu từ việc công chức gây khó dễ dẫn đến doanh nghiệp có động cơ đưa hối lộ để khó khăn được giải quyết, và vậy là công chức có động cơ để tiếp tục chu trình này.
Các doanh nghiệp ở TPHCM cho biết, tham nhũng là một trong ba vấn đề bức xúc nhất của họ, sau giá cả sinh hoạt tăng cao, và thu nhập giảm đi.
Trích dẫn những khảo sát của doanh nghiệp về tham nhũng của WB và Thanh tra Chính phủ thực hiện trong suốt giai đoạn 2007-2012, ông Davidsen nói: “Các doanh nghiệp không thấy có cải thiện gì về hành vi tham nhũng của công chức. Họ nghĩ tham nhũng ngày càng tệ hại hơn, và mang tính phổ quát”.
Tham nhũng ngày càng lan rộng
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, thuộc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có khoảng 50-60% doanh nghiệp trả lời khảo sát chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI thực hiện hàng năm cho biết công việc của họ được giải quyết sau khi đã trả chi phí không chính thức.
“Có nghĩa là tỷ lệ doanh nghiệp đã trả chi phí không chính thức mà không được việc vẫn là rất cao”, ông nói.
Theo ông Davidsen, có tới 88% doanh nghiệp cho rằng công chức bị suy thoái đạo đức mới tham nhũng. Tuy nhiên, có tới 79% công chức nói họ/đồng nghiệp đổ lỗi tham nhũng cho lương thấp.
Tham dự hội thảo, luật sư Trịnh Trọng Tiến, Văn phòng luật sư Pháp Tiến cho rằng, những nghiên cứu như trên chưa sinh động bằng những gì ông chứng kiến trên thực tế.
Ông Tiến nói rằng ông rất băn khoăn khi có lãnh đạo hỏi người dân, tham nhũng là bộ phận nào, cao hay thấp trong xã hội, nay tìm ra chưa.
Ông cảnh báo: “Bản thân các doanh nghiệp không tự trang bị kiến thức pháp luật nên phải đưa hối lộ. Như vậy thì họ sẽ phải tiếp tục sống chung với tham nhũng”.
Le lói những hy vọng
Bất chấp thực tế trên, đang xuất hiện nhiều ví dụ từ phía chính quyền và doanh nghiệp trong phòng chống tham nhũng.
Ông Lê Thành Nguyên, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, thuộc khu công nghệ cao TPHCM cho biết, đến nay khu công nghệ cao đã ký thỏa thuận cam kết cùng chống tham nhũng với 13 doanh nghiệp đang hoạt động tại đây như Intel, Công ty Phần mềm FPT, Công ty Điện tử DGS.
Các thỏa thuận này bao gồm ủng hộ đạo đức kinh doanh, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật, chống tham nhũng, lại quả và các hình thức lạm quyền.
“Chúng tôi nhận được nhiều hài lòng của doanh nghiệp, làm môi trường đầu tư thêm lành mạnh, trong khi tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức, tác phong làm việc của các cán bộ công chức”, ông nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Liên, cố vấn thể chế, Bộ Phát triển quốc tế Anh cho rằng các doanh nghiệp cần có hành động tập thể để cùng chống tham nhũng hiệu quả hơn.
Ông Conrad Zellmann của Tổ chức Hướng tới minh bạch đồng ý điều này khi cho rằng bản thân các doanh nghiệp cần có hệ thống quản trị hiệu quả hơn để ứng phó với rủi ro.
Hội thảo trên là một trong hàng loạt các sự kiện được tổ chức trước phiên đối thoại về phòng chống tham nhũng ở Việt Nam giữa các nhà tài trợ quốc tế với Chính phủ dự kiến sẽ tổ chức tháng 11 tới tại Hà Nội. |