Khi mọi giao tiếp của con người và đồ vật đều thông qua cảm ứng, công nghệ cảm ứng sẽ cần phải thật như cuộc sống.
Với hào quang của iPhone đầu tiên mang lại, các hãng điện thoại sau này đã chuyển hướng hoàn toàn sang công nghệ cảm ứng điện dung. Trước đó, điện thoại cảm ứng chủ yếu sử dụng công nghệ điện trở và vài loại màn hình cảm ứng của các thiết bị không thuộc lĩnh vực di động lại dùng công nghệ cảm ứng hồng ngoại. Đến nay, màn hình cảm ứng gần như xuất hiện trên hầu hết các thiết bị cá nhân như smartphone, tablet, laptop hay cả PC.
Tuy nhiên, màn hình cảm ứng vẫn còn nhược điểm là… thiếu cảm giác vật lý. Người dùng không thể cảm thấy bàn phím trên iPhone, cũng không thấy đã tay khi bấm các phím ảo trong một trò chơi hành động trên tablet Android… Vấn đề duy nhất đối với màn hình cảm ứng hay các hệ thống tương tác dựa trên cử chỉ là người dùng không thực sự chạm vào thứ gì cả, hay nói một cách khác, không có được cảm giác giống như chạm vào vật thể thực.
Nhược điểm này của công nghệ cảm ứng đang hứa hẹn được thay đổi với sự xuất hiện của công nghệ xúc giác mới do Công ty Walt Disney phát triển. Công nghệ TeslaTouch này (công nghệ phản hồi xúc giác hướng tới việc giả lập kết cấu bề mặt cho các loại màn hình) có thể khiến một màn hình rung động để mô phỏng các cấu tạo bề mặt khác nhau. Công nghệ này cho phép người dùng “cảm thấy” kết cấu vật thể trên một màn hình cảm ứng.
Disney Research cũng đang phát triển thiết bị xúc giác mà người dùng cảm thấy như thể chạm vào vật trước mặt trong không khí mỏng. Nguyên tắc của công nghệ này là bắn ra một vòng không khí nhỏ, cho phép người sử dụng có thể cảm nhận như đang tương tác với vật thể thực. Khi được kết hợp với một thiết bị điều khiển bằng cử chỉ như Kinect, những “viên đạn” bắn ra có thể được canh giờ để chạm vào tay người sử dụng cùng lúc với vật thể trên màn hình (tương tác giống như chúng có thật).
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Bristol ở Anh đang làm việc trên một dự án tương tự được gọi là UltraHaptics, giúp người dùng cảm giác được vật thể thông qua siêu âm rung động chứ không phải là xung không khí.
Bên cạnh đó, nhiều công nghệ cảm ứng khác đang được phát triển. Chẳng hạn, một thiết bị âm thanh mới gọi là Woojeraims sử dụng dao động tần số thấp để tạo ra cảm giác vật lý của âm bass cho các thiết bị sử dụng màn hình cảm ứng. Hay trên thị trường đã xuất hiện thiết bị dành cho người khiếm thính giúp họ di chuyển bằng cách “cảm thấy” các đối tượng xung quanh. Thiết bị này được gắn vào cổ tay và sử dụng sóng siêu âm để quét khu vực di chuyển…
Đó là những công nghệ hứa hẹn đưa màn hình cảm ứng bước vào một cuộc cách mạng mới. Thậm chí, sự hứng khởi của công nghệ mới khiến mới đây, hãng phim Disney công bố thành công trong việc phát triển một loại microphone hoàn toàn mới cho phép người dùng ghi lại một đoạn tin nhắn thoại và sau đó gửi tới người khác bằng cách… chạm một ngón tay vào họ. Bản mẫu thử nghiệm mới được tung ra mang tên Ishin-Den-Shin, lấy cảm hứng từ ý tưởng của người Nhật về khả năng giao tiếp giữa con người bằng sự hiểu biết lẫn nhau mà không cần dùng đến lời nói.
* Ubi và Microsoft phát triển công nghệ biến mọi bề mặt thành cảm ứng. Công nghệ này thực chất là một phần mềm Ubi chạy trên nền Windows kết hợp với một máy chiếu đưa hình ảnh lên các bề mặt. Một cảm biến Kinet ở phía đối diện sẽ được sử dụng để theo dõi các chuyển động của người dùng giúp tương tác tốt với màn hình cảm ứng.Nhờ hệ thống phân định cử chỉ theo dạng 3 chiều, công nghệ này có thể phân biệt được những thao tác nhỏ như tay người dùng mới chỉ lơ lửng hay đã chạm vào bề mặt để phân biệt thao tác. Công nghệ này có thể chuyển bức tường hay mặt bàn thành bề mặt cảm ứng có nhiều tác dụng như giúp giáo viên hướng dẫn trên lớp học, các cửa hàng hiển thị thông tin sản phẩm…* Fujitsu đã phát triển công nghệ có thể “cảm nhận” được sự chuyển động của bề mặt ngón tay, biến hóa bất kỳ bề mặt nào thành màn hình cảm ứng, cụ thể như một tờ giấy cũng có thể trở thành màn hình cảm ứng giống hệt máy tính bảng.
Và các khả năng mà sản phẩm này có thể làm được là nhờ công nghệ xử lý hình ảnh. Chỉ cần thể hiện qua cử chỉ của các ngón tay, người dùng có thể copy hình ảnh hay một đoạn trích văn bản và sau đó lưu trữ vào trong bộ nhớ. |