Khi điều kiện môi trường đầu tư thay đổi, các nhà đầu tư am hiểu luật pháp vẫn có thể đảm bảo lợi ích và nắm bắt cơ hội của mình.
Luật Đầu tư 2005 có hẳn một chương – chương II quy định về các biện pháp bảo đảm đầu tư. Có thể nói, các biện pháp bảo đảm đầu tư là cam kết của nhà nước đối với các chủ đầu tư về những trách nhiệm của nhà nước trước một số quyền lợi cụ thể của nhà đầu tư.
Có rất nhiều biện pháp bảo đảm đầu tư, bao gồm bảo đảm về quyền sở hữu tài sản (Điều 6); bảo đảm quyền bình đẳng giữa các nhà đầu tư; bảo đảm việc chuyển thu nhập, lợi nhuận của nhà đầu tư ra nước ngoài (Điều 9); các bảo đảm về quyền sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường, thống nhất giá (Điều 7, 8, 10); bảo đảm cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động đầu tư (Điều 12);…
Ngoài ra, biện pháp bảo đảm thường được quan tâm hàng đầu là bảo đảm trong trường hợp pháp luật, chính sách có sự thay đổi, được quy định tại Điều 11 Luật Đầu tư 2005.
Theo đó, trường hợp pháp luật, chính sách mới được ban hành có các quyền lợi và ưu đãi cao hơn quyền lợi, ưu đãi mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được hưởng các quyền lợi, ưu đãi theo quy định mới; ngược lại, trường hợp pháp luật, chính sách mới được ban hành làm ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp mà nhà đầu tư đã được hưởng trước đó thì nhà đầu tư:
– Hoặc (1) được bảo đảm hưởng các quyền lợi, ưu đãi như cũ;
– Hoặc (2) được trừ thiệt hại vào thu nhập chịu thuế;
– Hoặc (3) được điều chỉnh mục tiêu hoạt động của dự án;
– Hoặc (4) được xem xét bồi thường trong một vài trường hợp.
Vậy, thế nào là “lợi ích hợp pháp” của nhà đầu tư?
Hiểu một cách đơn giản thì “lợi ích hợp pháp” là lợi ích được tạo ra trong khuôn khổ cho phép của pháp luật hoặc lợi ích được người thứ ba mang lại và được pháp luật quy định hoặc thừa nhận.
Trong trường hợp pháp luật, chính sách thay đổi khiến “lợi ích hợp pháp” của nhà đầu tư không còn hợp pháp nữa và việc tiếp tục hưởng những quyền lợi như cũ có thể là trái luật, nhà đầu tư cần có những phương án điều chỉnh phù hợp.
Theo Cafef