Tiến trình cổ phần hóa DNNN trước đây luôn có đặc trưng chậm trễ, không đạt kế hoạch đề ra. Với quyết tâm mới, đặc trưng lịch sử đó sẽ chấm dứt. Hai năm tới, cả nước phải cổ phần hóa (CPH) 432 doanh nghiệp Nhà nước trong 2 năm, gấp 4,3 lần số DN đã cổ phần hóa trong 3 năm qua. Nếu không “chữa” được bệnh trễ hẹn thường thấy thì mục tiêu trên sẽ vẫn chỉ nằm trên giấy.
Vô tư chậm trễ
Mới đây, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ trên báo chí, Vinatex quyết tâm hoàn thành CPH trong năm 2014. Phương án CPH Vinatex trình Bộ Công Thương, Bộ sẽ thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt.
Vinatex từng có kế hoạch IPO,vào tháng 7/2013, nhưng sau đó lui lại đến quý IV/2013. Đầu năm nay, đại gia ngành dệt may lại nói, sẽ chốt kế hoạch vào tháng 3 năm nay.
Để khẳng định, ông Trường nhấn mạnh thêm, quyết tâm IPO trong… 6 tháng đầu năm 2014.
Sau nhiều lần chậm trễ, Vinatex thêm một lần tuyên bố quyết tâm CPH. |
Thực tế, Công ty mẹ – Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã nằm trong danh mục 93 DN phải thực hiện CPH năm 2012, theo công bố của Bộ Tài chính hồi giữa năm này.
Chậm trễ hẹn là căn bệnh thường thấy ở hầu hết các kế hoạch CPH DNNN. Nó phổ biến đến mức trở thành… bình thường nên không đạt kế hoạch cũng chẳng ai bị làm sao cả.
Điểm lại những cái tên trong 93 DN trên mới thấy, đã qua hơn 1 năm, không ít doanh nghiệp vẫn còn đang… giãi bày khó khăn. Mục tiêu về tiến độ CPH theo dánh sách đề ra năm đó coi như thất bại.
Các ông chủ sở hữu vốn nhà nước luôn luôn có lý do để biện minh cho sự ì ạch này.
Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam cho hay, có những vấn đề khó giải quyết như vướng mặc dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA từ những năm 80 ở công ty Diesel Sông Công, hay vướng mắc xử lý tài chính đối với khoản tiền hàng xuất khẩu sang Iraq theo chương trình trả nợ của Chính phủ, đối với công ty Động cơ và máy nông nghiệp miền Nam.
Với Tập đoàn Hóa chất, việc CPH công ty TNHH một thành viên Vật tư và xuất nhập khẩu hóa chất đến nay vẫn đang ách tắc, vì công nợ khó đòi và vướng mắc nhà đất trên địa bàn Hà Nội.
Ngay ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hai công ty đáng lẽ phải hoàn thành cổ phần hóa năm 2012 là Công ty TNHH một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn và công ty TNHH 1TV Dầu khí Cà Mau, đến nay, vẫn đang tích cực chuẩn bị.
Vì thế, khi Bộ Tài chính thông báo rằng sẽ CPH 93 doanh nghiệp trong năm 2012, kèm theo đó là danh mục tên tuổi của các công ty, Tâp đoàn cụ thể đã từng dấy lên hi vọng, sẽ có một đột phá lớn trong việc cải cách DNNN. Điều đó giống như một lời cam kết về tiến độ đề ra.
Thế nhưng, con số mới đây của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ cho hay, năm 2012 chỉ có… 13 DN được CPH.
Ai còn dám chậm?
Sắp xếp, cổ phần hóa là con đường duy nhất để nâng cao hiệu quả của DNNN, khơi thông nguồn lực cho kinh tế quốc gia. Thế nhưng, số lượng và mức độ phức tạp sẽ phải hoàn thành trong 2 năm tới, khiến không ít người lo ngại.
Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, hết năm 2013, cả nước còn 949 DN 100% vốn NN Số lượng các DN hoạt động ở ngành nghề mà Nhà nước không cần chi phối lớn vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Quyết tâm mới sẽ đẩy CPH nhanh hơn? |
Theo các Đề án sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011-2015, cả nước sẽ phải CPH 531 doanh nghiệp. Thế nhưng, trong 3 năm gần đây, chỉ có 99 doanh nghiệp CPH. Nếu tính từ năm 2007 đến nay, chỉ có 300 doanh nghiệp CPH. Năm 2011, cả nước cổ phần hóa được 12 doanh nghiệp, năm 2012: 13 doanh nghiệp và năm 2013 là 74 doanh nghiệp. Tổng giá trị số cổ phần được chào bán ở các DN trên đạt gần 19.000 tỷ đồng.
Chính vì con số đạt được quá ít ỏi trên đã khiến cho, 2 năm còn lại của giai đoạn này, 2014-2015, số DNNN phải CPH bị “dồn đống” lại, còn tới 432 doanh nghiệp.
Trung bình mỗi năm, cả nước sẽ phải cổ phần hóa 216 doanh nghiệp. Nghĩa là, kết quả làm được phải gấp 3 lần kết quả thực hiện năm 2013, gấp 16 lần kết quả năm 2012.
Hầu hết, con số DNNN “tồn kho” này thuộc 7 đơn vị, chiếm tới 43% tổng số DNNN trên. Đó là TP. Hồ Chí Minh với 77 DN, Hà Nội có 49 doanh nghiệp, Hải Phòng 15 doanh nghiệp, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch 16, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 11…
Với một tiền lệ “xấu” về sự lỗi hẹn trên, không ít người tỏ ra nghi ngại về khả năng, liệu có thực hiện nổi không? Trong khi đó, khi giải thích cho sự lỗi hẹn, các cơ quan bộ ngành địa phương thường đổ lỗi cho khách quan, cho bối cảnh kinh tế suy giảm, cho cơ chế pháp lý…
Tuy nhiên, bài học “cách chức” lãnh đạo khi không hoàn thành nhiệm vụ ở Bộ GTVT đã cho thấy, nguyên nhân chỉ đạo thiếu quyết liệt là yếu tố phải khắc phục đầu tiên.
Tại hội nghị về tái cơ cấu DNNN, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh, cổ phần hóa là ‘con đường duy nhất’, làm đồng bộ các lĩnh vực để các DNNN làm đúng vai trò hiệu quả hơn. Hiệu quả quan trọng nhất là tạo động lực. Đa sở hữu tạo nên động lực.
Việt Nam cũng đã từng rất thành công khi thực hiện CPH, điển hình là giai đoạn 2002-2005. Đến nay, đã có 3.576 doanh nghiệp đã thực hiện sắp xếp, CPH thì có đến 85% DN có doanh thu cao hơn, gần 90% DN đã có lợi nhuận cao hơn, 86% DN đóng góp vào ngân sách Nhà nước cao hơn.
Như lãnh đạo Chính phủ đã khẳng định, CPH là con đường duy nhất và lộ trình trên con đường đó không thể chậm trễ hơn nữa. Với quyết tâm mới và sức ép mới và kỷ luật mới, lịch sử chậm trễ của CPH sẽ không lặp lại.
Theo Vietnamnet