Có phải bạn là một doanh nhân hiện đại và bận rộn, luôn chìm đắm vào các ý tưởng và cống hiến hết mình cho công việc? Thật tốt làm sao! Nhưng bạn cũng nên tỉnh táo, vì một số tính cách làm nên thành công ngày hôm qua nhưng hiện tại có thể khiến bạn gặp phải sự bất bình nơi nhân viên.
Chắc bạn đang tự hỏi: “Tại sao có thể như thế được, tôi đang làm tốt cơ mà?”.
Chẳng có gì khó hiểu cả. Bạn khai sinh “đứa con tinh thần” từ ngày còn là một mầm ý tưởng. Rồi bạn nuôi nó lớn lên và nó không còn là đứa trẻ bé bỏng ngày xưa nữa. Vậy nên, thay đổi cách “đối xử”, hay nói cách khác là phương pháp quản lý, là cần thiết để thích ứng với từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
Các nhà lãnh đạo cấp trung cũng cần học hỏi những kinh nghiệm này, vì khi chuyển đổi từ việc quản lý một nhóm nhỏ với vài thành viên sang một nhóm lớn hơn sẽ đòi hỏi những kỹ năng lãnh đạo mới.
Sau đây là 5 sai lầm về quản lý phổ biến và cách để khắc phục:
1. Quản lý vi mô
Không thể phủ nhận rằng nhà sáng lập chính là người hiểu rõ nhất về công ty. Tuy nhiên, để đưa doanh nghiệp lên một bước ngoặt mới, nhà lãnh đạo cần bỏ thói quen quản lý vi mô, thôi “nhúng mũi” vào mọi thứ, thôi “chỉ đạo” từ việc lớn đến việc nhỏ.
Hãy tin tưởng vào đội ngũ nhân viên mà bạn đã thuê, hãy đưa cho họ công cụ và mục tiêu và để họ tự lên ý tưởng và kế hoạch thực hiện. Có thể những kết quả ban đầu sẽ khiến bạn không hài lòng, hãy kiên trì tin tưởng, động viên và huấn luyện kỹ năng cho nhân viên.
Giao việc và giao quyền không những giúp bạn đào tạo một “đội quân thiện chiến” mà còn giúp tiết kiệm thời gian cho những việc quan trọng hơn.
2. Đổi ý xoành xoạch
Doanh nhân hiện đại luôn đầy ắp những ý tưởng. Sáng kiến đến tự nhiên như hơi thở, nhưng hiện thực hóa nó lại là một vấn đề hoàn toàn khác, đòi hỏi khá nhiều thời gian đầu tư.
Nếu buổi sáng bạn giao nhân viên làm theo kế hoạch A, đến chiều bạn lại đổi 180 độ sang kế hoạch X, mọi người sẽ vô cùng bối rối và khó chịu vì công sức đã bỏ ra xem như vô ích. Hãy cẩn thận lựa chọn một ý tưởng ưng ý nhất, cùng bàn thảo ý tưởng và lên kế hoạch với đội ngũ nhân viên.
3. Gửi mail vào ngày nghỉ và yêu cầu trả lời ngay
Việc kinh doanh đối với bạn là việc quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống. Tuy nhiên bạn phải chấp nhận một sự thật là, dù nhân viên say mê công việc đến mức nào thì họ vẫn còn có gia đình và cuộc sống riêng với những ưu tiên không hề giống bạn.
Hãy tôn trọng những ngày nghỉ, hãy chấp nhận những khoảng thời gian “xuống phong độ” của những nhân viên hàng đầu. Đó là cơ hội để họ nạp lại năng lượng để tiếp tục cống hiến.
5. Từ chối lắng nghe
Hãy đặt mình vào tình huống này: bạn có ý tưởng tốt và chẳng ai muốn nghe bạn trình bày, bạn thất vọng biết chừng nào. Thực ra là bạn đã trải qua rồi đấy, rất lâu trước đây, khi bạn mới bắt tay vào khởi nghiệp.
Vì vậy, lần tới khi có nhân viên muốn chia sẻ ý tưởng, hãy thực sự lắng nghe họ. Những ý tưởng tuyệt vời nhất đóng góp cho sự phát triển của công ty sẽ đến từ những người bạn không ngờ tới.
6. Quá bủn xỉn
Những ngày đầu khởi nghiệp bạn thắt chặt mọi chi tiêu để tồn tại, nhưng một khi doanh nghiệp vượt qua giai đoạn non trẻ và sẵn sàng để phát triển thì đó là lúc để đầu tư tiền bạc cho các mục tiêu.
Đầu tư không phải là lãng phí tiền mà là tính toán một cách khôn ngoan, đầu tư vào thứ bạn cần để công ty phát triển lên mức tiếp theo.
Không thể đòi hỏi sự phát triển mạnh mẽ trong khi bạn chỉ đầu tư tối thiểu. Hãy mạnh dạn đầu tư cho công nghệ, tiếp thị và cả nhân viên. Chăm lo đầy đủ phúc lợi cho nhân viên sẽ khuyến khích họ tập trung toàn tâm toàn lực cho công việc.
Theo DNSG