Sau hơn 1 tháng Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan và liên tục leo thang nguy hiểm, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng 4,73%, không cao nhưng cũng không thấp. Công nghiệp vẫn tăng 5,9% so với cùng kỳ 2013.
Khi chưa xảy ra sự kiện Biển Đông, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội dự báo, năm 2014 GDP sẽ tăng khoảng 5,71% và sẽ dần hồi phục lên mức 5,98% vào năm 2015. Tỷ lệ lạm phát cũng được dự báo đạt 6,84% vào cuối năm 2014 và tăng nhẹ lên mức 7,08% vào năm sau.
Trước diễn biến ngày càng căng thẳng ngoài Biển Đông, một kịch bản kinh tế xấu nhất đã được chuẩn bị với mức tăng GDP cuối năm nay có thể ở mức 5,6%.
Tuy nhiên, hết tháng 5, sau hơn 1 tháng Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan và liên tục leo thang nguy hiểm, nước ta phải “phân tâm” lo chuyện bảo vệ chủ quyền, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng 4,73%, không cao nhưng cũng không thấp. Công nghiệp vẫn tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Giao thương với Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường, chỉ có du lịch giảm chút ít nhưng chưa có ảnh hưởng lớn.
Các chuyên gia cho rằng, nếu Trung Quốc dừng không mua lúa, cao su, nông sản của Việt Nam thì họ sẽ phải mua giá đắt của các nước khác. Chưa kể Trung Quốc đã vào WTO, đã ký Hiệp định Thương mại ASEAN-Trung Quốc. Về phía Việt Nam, nếu không mua nguyên liệu, vật tư cho công nghiệp, nông nghiệp từ Trung Quốc thì mua của nước khác. Phục hồi tăng trưởng, kiềm chế lạm phát là điểm sáng của nền kinh tế, nước ta phải chấp nhận mọi khó khăn, thách thức, cố gắng không làm thay đổi mục tiêu này.
Theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ở thời điểm này cần ưu tiên tối đa cho nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, không tạo môi trường đặc quyền, đặc lợi làm méo mó thị trường. Nợ xấu và nợ công là “nút thắt” nghiêm trọng của nền kinh tế. Hai món nợ này đều rất đáng lo ngại vì số liệu về nợ khác nhau, sai số quá lớn, xu hướng gia tăng nhanh.
Một số chuyên gia kinh tế là đại biểu Quốc hội mô tả nền kinh tế tuy ổn định nhưng chưa phát triển mạnh mẽ. Sức khỏe doanh nghiệp hiện nay chưa thực sự tốt. Dù số lượng doanh nghiệp mới thành lập lên tới hàng chục nghìn nhưng số vốn lại không lớn. Đồng tình với nhận định này, giới phân tích kinh tế vĩ mô cho rằng, sự phục hồi kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu, trong đó 67% là của doanh nghiệp nước ngoài mà giá trị gia tăng rất kém. Sức mua của xã hội vẫn thấp, nợ xấu còn nan giải.
Do vậy, phải có biện pháp để giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn việc giảm bội chi, giảm mua trái phiếu Chính phủ, tăng vốn cho kinh tế tư nhân. Cải cách thể chế chính là để đổi mới vai trò của nhà nước, quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Đây là lúc, là cơ hội để tháo gỡ thể chế làm cho nền kinh tế mạnh lên đủ sức đương đầu trước những thử thách, rủi ro ở phía trước.
Theo Cafe biz