Hôm nay, Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII sẽ bế mạc. Sau một tháng làm việc, Quốc hội đã cho ý kiến về nhiều dự luật, trong đó có những dự luật rất được kỳ vọng, như Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc nhận định, với những nội dung sửa đổi của Luật Doanh nghiệp, nếu được Quốc hội thông qua có thể nâng hạng chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam từ “chiếu dưới” với thứ hạng khoảng 60 lên “chiếu trên” với thứ hạng khoảng 30 trong số các quốc gia, nền kinh tế có chất lượng môi trường kinh doanh tốt nhất theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.
Ông Lộc khẳng định, Luật Doanh nghiệp sửa đổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng xác lập khuôn khổ pháp luật cơ bản về môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp đang đặc biệt quan tâm, theo dõi Dự luật được thảo luận ở Quốc hội và rất kỳ vọng tạo ra đột phá mới trong việc nâng cao hơn nữa môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh môi trường kinh doanh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức to lớn như hiện nay.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình |
“Tôi đánh giá cao nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, tạo điều kiện tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những thủ tục hành chính, tôn trọng những nguyên tắc nền tảng là bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp”, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu.
Với tư cách là Đại biểu Quốc hội, ông Lộc đặc biệt đánh giá cao cách tiếp cận mới của Luật Doanh nghiệp sửa đổi vì nó chưa từng có trong tiền lệ trong lịch sử pháp luật kinh doanh của nước ta. “Đây là một tiền lệ rất tốt khi xây dựng luật trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Tôi đề nghị cách làm này là yêu cầu bắt buộc trong quá trình xây dựng và sửa đổi các luật về kinh doanh của nước ta trong bối cảnh mới”, ông Lộc đề xuất.
Tuy nhiên, khi phân tích vào nội dung, ông Lộc cũng có đôi phần e ngại Luật Doanh nghiệp sẽ khó đi vào cuộc sống hoàn toàn bởi các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn.
“Quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận và cụ thể hóa trong Luật Doanh nghiệp năm 2005 – với tính chất là luật gốc, là cơ sở pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam. Và cộng đồng doanh nghiệp đã từng kỳ vọng Luật Doanh nghiệp hiện hành là tiền đề cho một hệ thống pháp luật về kinh doanh tự do. Tuy nhiên, quá trình thi hành luật từ 10 năm qua đã cho thấy một bức tranh khác khi mà có quá nhiều quy định riêng trong luật chuyên ngành và quá nhiều thủ tục cũng như giấy phép con, cháu, chắt… nên nguyên tắc quyền tự do kinh doanh đã bị đẩy lùi và vô hiệu hóa từng phần”, ông Lộc dẫn chứng.
Theo Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, trong trường hợp luật chuyên ngành quy định khác về tổ chức, quản trị và giải thể doanh nghiệp thì áp dụng theo các quy định của luật chuyên ngành.
“Điều này làm tôi lo ngại rằng, tình trạng vô hiệu hóa quyền tự do kinh doanh trong luật chuyên ngành không giảm bớt, thậm chí còn có nguy cơ gia tăng vì suy cho cùng, lĩnh vực nào cũng có luật chuyên ngành và đều đưa ra các ngoại lệ, quy định riêng để điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Điều này nếu ngày phổ biến thì thật là đáng quan ngại”, ông Lộc lo lắng.
Theo ông Lộc, pháp luật về kinh doanh chuyên ngành có quy định riêng để điều chỉnh hoạt động đặc thù là bình thường và hợp lý. Nhưng nếu luật chuyên ngành có cả quy định riêng về cơ cấu tổ chức, quản trị, phá sản, sáp nhập, giải thể… theo hướng hạn chế hơn so với Luật Doanh nghiệp là không hợp lý.
Trước thực tế có không ít doanh nghiệp thành lập ra không phải là để kinh doanh mà nhằm mục đích mua bán hóa đơn bất hợp pháp, “đục khoét” tiền ngân sách, kinh doanh nhưng làm phương hại tới quyển và lợi ích hợp pháp của người khác và của xã hội, ông Lộc đề nghị trong Luật Doanh nghiệp phải có các quy định cụ thể về hậu kiểm.
Luật Doanh nghiệp, theo ông Lộc, phải bảo đảm được rằng, doanh nghiệp đã đăng ký là để hoạt động sản xuất, kinh doanh chứ không phải là “doanh nghiệp ma”. Phát hiện “doanh nghiệp ma” ngay từ thời điểm đăng ký thành lập là điều không thể, nhưng sau một thời gian hoạt động chắc chắn là có thể phát hiện được nếu như cơ quan quản lý nhà nước làm tốt khâu hậu kiểm.
“Không thể để tình trạng như hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước về doanh nghiệp không biết, xã hội không biết và không có được thông tin đầy đủ về các doanh nghiệp đã đăng ký còn hay mất và đang hoạt động ra sao. Lỗi này thuộc về công tác hậu kiểm mà cụ thể là hậu kiểm thiếu khoa học, thiếu chuyên nghiệp”, ông Lộc kết luận.
Công tác hậu kiểm làm sao để vừa nâng cao được hiệu quả quản lý nhưng không được ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện tại, tất cả doanh nghiệp đều phải kê khai thuế hàng tháng hoặc hàng quý và quyết toán thuế hàng năm với cơ quan thuế. Cơ quan thuế là người nắm rõ nhất số lượng doanh nghiệp đang hoạt động, số tạm ngừng hoạt động, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ra sao. Nhưng giữa các cơ quan quản lý nhà nước (cơ quan thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh…) vẫn còn có sự khu biệt về thông tin. Và đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng mỗi cơ quan quản lý nhà nước có số liệu khác nhau về doanh nghiệp cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh nói chung.
“Để tăng cường công tác hậu kiểm, phải luật hóa quy định trách nhiệm của cơ quan thuế phải chuyển toàn bộ dữ liệu doanh nghiệp sang cơ quan đăng ký kinh doanh và cập nhật kịp thời lên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký kinh doanh để các cơ quan quản lý nhà nước, xã hội và cả khách hàng, đối tác, chủ nợ của doanh nghiệp biết rõ về tình hình hoạt động thực tế cũng như tình hình tài chính của doanh nghiệp” ông Lộc đề xuất.
Theo Baodautu