Toàn cầu hóa bắt đầu từ khi nào?

Thế giới đã chứng kiến một quá trình lịch sử trải dài hàng ngàn năm, từ thuở sơ khai với hoạt động hàng đổi hàng giữa những ngôi làng cho tới những kết nối chằng chịt giữa các quốc gia như ngày nay.

 “Toàn cầu hóa” (Globalisation) đã trở thành từ được nhắc đến rất nhiều trong suốt hai thập kỷ vừa qua. Sự gia tăng đột ngột trong hoạt động trong trao đổi kiến thức, thương mại và vốn trên khắp thế giới với sự dẫn dắt của các cải tiến về công nghệ (từ internet cho đến tàu chở hàng) đã “ném khái niệm này lên sân khấu”.
Tốt hay xấu?
Một số người cho rằng toàn cầu hóa là một điều tốt đẹp. Theo nhà kinh tế học đã đoạt giải Nobel Amartya Sen, toàn cầu hóa “đã làm giàu cho thế giới cả về kinh tế cũng như về văn hóa”. Thậm chí, Liên hợp quốc đã từng dự báo toàn cầu hóa sẽ có đủ sức mạnh để xóa sạch đói nghèo trong thế kỷ 21.
Ngược lại, một số người không đồng tình với quan điểm trên. Toàn cầu hóa bị tấn công bởi những người vốn phê phán kinh tế thị trường tự do (như các nhà kinh tế học Joseph Stiglitz và Ha-Joon Chang). Họ cho rằng toàn cầu hóa làm gia tăng (chứ không phải giúp giảm bớt) tình trạng bất bình đẳng.
Một số cũng phải thừa nhận rằng lập luận trên cũng có lý. Năm 2007, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thừa nhận rằng có thể mức độ chênh lệch giàu nghèo đã tăng lên sau khi các nước đang phát triển triển khai công nghệ mới và đón nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Một bộ phận ở các quốc gia phát triển cũng không tin vào sức mạnh của toàn cầu hóa. Họ lo ngại rằng quá trình này cho phép các chủ doanh nghiệp chuyển hoạt động kinh doanh đến những nơi có giá lao động rẻ hơn. Ở Pháp, “toàn cầu hóa” và “phi địa phương hóa” đã trở thành những thuật ngữ được sử dụng trong chính sách thị trường tự do. Một khảo sát được thực hiện hồi tháng 4/2012 cho thấy chỉ 22% người Pháp nghĩ rằng toàn cầu hóa là điều tốt cho nước Pháp.
Tuy nhiên, các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử kinh tế thế giới cho rằng liệu có phải toàn cầu hóa mang lại tác động tích cực nhiều hơn so với tiêu cực hay không là một câu hỏi rất phức tạp. Câu trả lời phụ thuộc vào việc bạn cho rằng quá trình toàn cầu hóa được bắt đầu từ khi nào. Tuy nhiên, tại sao thời điểm lại quan trọng như vậy?
Lập luận của Adam Smith
Chắc hẳn bạn đã quen với quan niệm cho rằng các thị trường cũng như toàn bộ công dân trên toàn thế giới ngày càng trở nên gắn kết hơn qua thời gian. Mặc dù Adam Smith chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ toàn cầu hóa, đây là tư tưởng chủ đạo trong cuốn Wealth of Nations. Những miêu tả về quá trình phát triển kinh tế của Adam đã vạch ra những quy luật hội nhập của các thị trường. Khi phân công lao động cho phép gia tăng sản lượng, chính việc tìm kiếm nguồn lực để chuyên môn hóa đã giúp mở rộng thương mại và dần dần mang các cộng đồng trên toàn thế giới đến gần nhau hơn.
Phân công lao động từ thời cổ xưa (giữa thợ săn và  những người chăm sóc gia súc) ngày càng tăng lên khi các làng mạc và mạng lưới giao dịch mở rộng thêm. Cuối cùng, người sản xuất vũ khí tập trung làm tên và cung tên, thợ mộc dựng nhà, thợ dệt may quần áo và tất cả đều có một chuyên môn. Khi làng mạc, thị trấn, các nước và các lục địa bắt đầu trao đổi hàng hóa, các thị trường càng trở nên gắn kết hơn. Quá trình mà Adam Smith miêu tả hoàn toàn giống với toàn cầu hóa, mặc dù ở quy mô địa lý hẹp hơn so với ngày nay.
Smith cũng đã đưa ra ví dụ khi nói về sự hội nhập giữa các châu lục: châu Âu và châu Mỹ. Khám phá ra “lục địa mới” cho phép dịch chuyển lao động giữa hai châu lục. Những người châu Mỹ – vốn giỏi săn bắn – đổi da động vật lấy “chăn, súng đạn và rượu mạnh” được làm ra ở “lục địa già” cách đó hàng nghìn dặm.
Trong khi đó, một số nhà sử học lại phản bác lại lập luận cho rằng sự kiện Christopher Columbus phát hiện ra châu Mỹ năm 1492 đã đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa. Trong nghiên cứu được công bố năm 2002, các nhà kinh tế học Kevin O’Rourke và Jeffrey Williamson lập luận rằng toàn cầu hóa chỉ thực sự bắt đầu từ thế kỷ 19, khi chi phí vận chuyển đột ngột sụt giảm, khiến giá hàng hóa ở châu Mỹ và châu Á bằng nhau. Sự kiện phát hiện ra châu Mỹ cũng như con đường tới châu Á qua mũi Hảo Vọng ảnh hưởng rất ít đến giá hàng hóa.
Tuy nhiên, có một thị trường quan trọng mà O’Rourke và Williamson đã bỏ qua: thị trường bạc. Bởi vì các đồng tiền châu Âu được neo vào giá bạc, bất kỳ biến động nào của mặt hàng này cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến giá cả ở châu Âu. Đối với Adam Smith, ông đã nhận định đây là một trong những sự thay đổi lớn nhất của kinh tế thế giới:
Việc phát hiện một loạt mỏ với trữ lượng lớn ở châu Mỹ trong thế kỷ 16 đã khiến giá trị của vàng và bạc ở châu Âu giảm xuống chỉ còn bằng 1/3 so với trước đó. Tuy nhiên, khoảng 150.000 tấn bạc được Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đổ vào Mexico và Bolivia khiến xu hướng đảo ngược. Trong 150 năm tiếp theo, giá tăng khoảng 6 – 7 lần.
Christopher Columbus đã tạo ra lạm phát? 
 
Toàn cầu hóa bắt đầu từ khi nào? (1)
 
Sự kiện được các nhà sử học gọi là “cuộc cách mạng về giá” đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của châu Âu. Nếu như châu Âu không đột ngột tăng lượng bạc nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ trong thời kỳ này, lạm phát ở châu Âu đã cao hơn nhiều. Xu hướng tăng giá chỉ chấm dứt vào khoảng năm 1650, khi giá bạc ở châu Âu giảm xuống mức thấp đến nỗi nhập khẩu bạc từ Mỹ không còn mang lại nhiều lợi nhuận.
Một số nhà sử học cho rằng xu hướng biến động nói trên của thị trường bạc chỉ là một ví dụ của “toàn cầu hóa”. Nhà nghiên cứu người Đức Andre Gunder Frank lập luận thậm chí toàn cầu hóa đã xuất hiện từ khi hoạt động thương mại và hội nhập thị trường bùng nổ giữa các nền văn minh trong thiên niên kỷ thứ 3 trước công nguyên.
Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu bắt đầu lớn mạnh từ thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenistic Age), với việc các thị trường toàn cầu ngày càng gắn kết bởi chi phí vận chuyển giảm xuống trong thế kỷ 16. Hội nhập càng tăng lên trong thời kỳ hiện đại đã được Mssrs O’Rourke và Williamson mô tả ở trên. Các nhà sử – kinh tế học như  Tony Hopkins và Christopher Bayly cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trao đổi không chỉ hàng hóa mà còn là trao đổi ý tưởng và kiến thức.
Không phải lúc nào toàn cầu hóa cũng là quá trình chỉ có một chiều tăng lên. Thế giới cũng đã chứng kiến nhiều thời kỳ toàn cầu hóa sụt giảm, các thị trường tách rời như Thời kỳ đen tối (Dark Ages) ở thế kỷ 17 hoặc các cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20. Ngoài ra, cũng có thể dễ dàng nhận ra những bằng chứng cho thấy toàn cầu hóa sụt giảm mạnh kể từ khủng hoảng 2007.
Tuy vậy, rõ ràng là toàn cầu hóa không phải là quá trình mới chỉ bắt đầu trong hai thập kỷ hoặc thậm chí là hai thế kỷ gần đây. Đó là cả một quá trình lịch sử trải dài hàng ngàn năm, từ thuở sơ khai với hoạt động hàng đổi hàng giữa những ngôi làng cho tới những kết nối chằng chịt giữa các quốc gia như ngày nay. Cho dù bạn coi toàn cầu hóa là điều tốt đẹp hay xấu xa, đây vẫn là yếu tố quan trọng trong lịch sử kinh tế của nhân loại!
Theo Cafef

One thought on “Toàn cầu hóa bắt đầu từ khi nào?

  1. Pingback: Tại sao phải toàn cầu hóa? – Tư vấn Quản trị Doanh nghiệp

Comments are closed.