Niềm tin thiếu cơ sở cũng nguy hiểm cho nền kinh tế không kém gì việc không có niềm tin.
Niềm tin là tủy sống của kinh tế học. Đó là khẳng định của nhà kinh tế Angel Gurria, Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Còn hai nhà kinh tế nổi tiếng khác là Paul J. Zak và Stephen Knack, sau nhiều năm nghiên cứu, đã chứng minh rằng một quốc gia có mức độ niềm tin cao thường gắn liền với tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt.
Ví dụ như ở lĩnh vực tài chính, niềm tin là yếu tố không thể thiếu để các ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương và người dân thiết lập các mối quan hệ.
Hãy thử tưởng tượng, nếu các ngân hàng nghi ngại lẫn nhau, công chúng không tin tưởng vào hệ thống ngân hàng hay ngân hàng trung ương thiếu niềm tin vào các ngân hàng thương mại thì thị trường tiền tệ liệu sẽ hoạt động hiệu quả?
Đặc biệt, theo học thuyết của nhà kinh tế người Mỹ gốc Nhật lừng danh Francis Fukuyama thì một xã hội có niềm tin lớn sẽ giúp tạo ra các tập đoàn kinh tế hùng mạnh, có khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.
Phân tích của Fukuyama cho thấy chính mức độ niềm tin cao và sự cởi mở hơn trong xã hội đã giúp Nhật tạo ra các tập đoàn kinh tế hùng mạnh, có khả năng cạnh tranh cao hơn so với Trung Quốc, quốc gia có mức độ niềm tin thấp.
Tuy vậy, niềm tin phải được xây dựng trên cơ sở thông tin xác thực, minh bạch và chính xác. Nếu không, một niềm tin được duy trì dựa trên cơ sở không có thực thì cuối cùng có thể dẫn đến đại họa.
Có lẽ, khi Fukuyama xây dựng học thuyết niềm tin, ông chẳng ngờ rằng không lâu sau đó chính quê cha của mình đã phải gánh chịu hậu quả từ niềm tin “thiếu thực tế”.
Đáng nói hơn, câu chuyện niềm tin ở Nhật vào giai đoạn 1980-1990 là một bài học đối với tất cả các quốc gia trên thế giới có bối cảnh kinh tế tương tự, trong đó bao gồm Việt Nam.
Vết xe đổ của Nhật
Dù được đánh giá là một xã hội có niềm tin cao, nhưng cũng chính điều này đã khiến cho Nhật không đủ mạnh tay để giúp nền kinh tế thoát khỏi bóng ma của sự trì trệ, mất mát kéo dài suốt thập kỷ 1990.
Cuộc khủng hoảng ở nước Nhật bắt nguồn từ sự phát triển của bong bóng đầu cơ trên thị trường bất động sản và chứng khoán vào những năm 1980. Giá cả các loại tài sản vọt lên chóng mặt, không thể kiểm soát và cuối cùng vỡ bong bóng; dẫn đến suy sụp kinh tế kéo dài và thất nghiệp tăng cao chưa từng có.
Nhưng góp phần không hề nhỏ gây ra thực trạng này chính là sự thiếu quyết đoán của Chính phủ Nhật, khi họ cố gắng duy trì một niềm tin “mù quáng” về khả năng tự phục hồi của nền kinh tế.
Trong cuốn sách “Kỷ nguyên hỗn loạn: Những cuộc khám phá trong thế giới mới”, Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, viết rằng ông đã từng đến Nhật để giới thiệu về kinh nghiệm xử lý nợ xấu của Mỹ và khuyên Chính phủ Nhật cần chấp nhận cho phá sản những tổ chức tài chính hoạt động không hiệu quả để thanh lý tài sản.
Khi đó, Greenspan tin là nếu Nhật làm theo kinh nghiệm của Mỹ thì giai đoạn điều chỉnh sẽ thu ngắn lại và kinh tế Nhật sẽ hồi phục sớm hơn. Tuy nhiên, Kiichi Miyazawa, Thủ tướng Nhật lúc này, đã từ chối nghe theo Greenspan vì cách này sẽ làm “mất mặt” các công ty và cá nhân bị phá sản hay sa thải. Truyền thống “giữ thể diện” của người Nhật không cho phép họ thực hiện những biện pháp mạnh tay như người Mỹ.
Thậm chí, mặc dù nợ xấu của hệ thống ngân hàng Nhật tăng mạnh trong giai đoạn 1990 nhưng các ngân hàng nước này vẫn tiếp tục triển khai chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp đang thiếu khả năng chi trả với niềm tin sẽ giúp con nợ phục hồi trong tương lai, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp lớn.
Nhưng cũng chính vì các doanh nghiệp biết ngân hàng sẽ không dám dừng cấp tín dụng, họ bắt đầu ỷ y để rồi mất dần động cơ phải cải thiện hoạt động kinh doanh.
Thế là, nguồn vốn cho vay lại được tiếp tục bơm vào những khu vực hoạt động không hiệu quả, trong khi các khu vực khác lại thiếu nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất.
Cuối cùng, kinh tế Nhật ngày càng trì trệ, nợ xấu tăng cao, hệ thống tài chính yếu kém. Đến tận bây giờ, khả năng bật dậy của nền kinh tế nước này vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
So với cuộc khủng hoảng ở Nhật cách đây 2 thập kỷ, thực trạng của Việt Nam cũng thấp thoáng một vài nét tương đồng. Chúng ta có thể thấy rằng niềm tin đang được duy trì ở khắp mọi nơi, từ thị trường bất động sản, hệ thống ngân hàng cho đến thị trường chứng khoán. Đây là những niềm tin rất tốt, nhưng vẫn chứa bên trong những yếu tố rủi ro.
“Bong bóng đầy khí Helium thì sẽ bay bổng trông rất ngoạn mục. Nó mang theo ước mơ tươi đẹp của bao đứa trẻ muốn bay cao qua bầu trời, nhẹ lướt gió như con diều trên ngọn cây mái ngói.
Nhưng người lớn thì thực tế hơn. Họ hiểu rằng Helium trong quả bóng sẽ xì hay nổ tung theo thời gian. Tuy nhiên, nhiều người lớn không muốn chấp nhận định luật vật lý này.
Họ muốn trẻ mãi không già. Thế giới gọi đó là hội chứng Peter Pan”, Tiến sĩ Alan Phan từng chia sẻ khi nói về sức mạnh niềm tin ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Liệu Việt Nam có đang cố gắng duy trì một niềm tin thiếu cơ sở hay không?
Mặt trái của niềm tin
Sau sóng gió cách đây 3 năm, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã ổn định và bình lặng hơn, nhưng có lẽ đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Tỉ lệ nợ xấu trong hệ thống tài chính huyết mạch của Việt Nam không những không thuyên giảm mà ngày càng trở nên khó đoán, dù các thầy thuốc đã kê nhiều biệt dược để chữa trị như thành lập Công ty Quản lý Tài sản VAMC hay sáp nhập các ngân hàng lại với nhau.
Có lẽ người ta vẫn tin rằng các khoản nợ xấu sẽ tự nhiên biến mất một khi kinh tế phục hồi, khi giá nhà nóng lên, hay khi doanh nghiệp làm ăn có lãi trở lại. Thêm vào đó, tâm lý ỷ lại vào các gói trợ giúp của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn đó khiến cho tốc độ tái cấu trúc trong hệ thống ngân hàng đang rất chậm.
Ở khía cạnh khác, nếu mạnh tay công bố để xử lý nợ xấu, số tiền có thể sẽ mất đi và danh tiếng của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng. Khi đó, ngân hàng sẽ bị thị trường cho rằng đã làm ăn không tốt, rồi bị cổ đông chất vấn và cuối cùng là bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào tầm kiểm soát, thậm chí sẽ bị buộc phải tái cấu trúc, sáp nhập…
Đối với các vị chủ ngân hàng, họ sẽ có quá nhiều thứ để mất, chi bằng tiếp tục duy trì niềm tin rằng nợ xấu sẽ dần biến mất theo thời gian nhờ các quy luật kinh tế tự nhiên.
Nợ xấu liên tiếp tăng trở lại – Nguồn: Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước. |
Về phía người dân, họ vẫn đặt niềm tin vào ngân hàng, vẫn chấp nhận gửi tiền vào các ngân hàng có mức lãi suất cao dù biết có lắm rủi ro. Người dân “dám” làm như vậy vì họ tin rằng Nhà nước sẽ hỗ trợ và không để ngân hàng nào đổ vỡ. Và rồi tâm lý đó tiếp tục được hiện hữu trong một hệ thống mà thời điểm phục hồi vẫn còn chưa được định rõ.
Nếu niềm tin đang là yếu tố giúp hệ thống ngân hàng, “xương sống” của kinh tế, tiếp tục lay lắt qua ngày thì thị trường bất động sản lại là một hiện thân khác của yếu tố “sống bằng niềm tin”.
Có lẽ không nhiều nhà kinh doanh có tinh thần quyết đoán như bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai, khi ông sẵn sàng hạ giá nhà đi 40-50% để phù hợp với thực tế diễn biến thị trường. Nhưng ngoài bầu Đức ra thì liệu còn được ai nữa?
“Tại sao phải giảm giá nhà?”, vị nữ Chủ tịch một doanh nghiệp bất động sản có quy mô khá lớn từng tuyên bố thẳng thừng như thế dù công ty của bà vẫn đang phải gánh những khoản nợ khủng trên sổ sách.
Có lẽ, câu trả lời thắng thắn của bà Chủ tịch này đã nhắc nhở chúng ta về một mối liên hệ khác: tất cả các dự án bất động sản của công ty này đều được thế chấp để vay ngân hàng, vì vậy nếu giá nhà giảm thì chính ngân hàng mới phải “chịu chết” chứ không phải là bà. Nếu gánh nặng không thuộc về mình, hà cớ gì mình phải tự hạ giá? Bà Chủ tịch tin rằng thị trường bất động sản bắt buộc sẽ phục hồi vì nhiều người có lợi ích trong đó không muốn giá giảm, đơn giản vậy thôi.
Niềm tin mà vị nữ doanh nhân này, cũng như hầu hết các doanh nghiệp bất động sản khác có được là do họ biết rằng sẽ được Chính phủ giải cứu bằng mọi giá, vì bất động sản là ngành tối quan trọng đối với quốc gia.
Với quan điểm này, có lẽ các doanh nghiệp bất động sản đã bước đầu thành công khi Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình liên kết 4 nhà gồm nhà đầu tư – nhà thầu – nhà cung cấp vật liệu xây dựng – ngân hàng, cùng với gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng. Bộ Xây dựng cũng liên tục công bố thông tin lượng tồn kho giảm nhanh, dù ngay cả dân trong nghề cũng đặt ra nhiều câu hỏi về những con số này.
Nhưng đối với đại đa số người dân của một quốc gia mà mức thu nhập chỉ mới vượt qua được ngưỡng nghèo, họ lại có một niềm tin ngược lại: trông chờ giá nhà giảm thêm chút ít để hợp với túi tiền của mình.
Ở đâu đó, người dân nghe thông tin về việc tỉ lệ giá nhà/thu nhập trung bình của Việt Nam lên tới 26 lần, thuộc diện cao nhất thế giới. Vậy thì hà cớ gì không chịu giảm giá chút ít cho dân được nhờ?
Rõ ràng, giữa nhà đầu tư và người có nhu cầu mua nhà thực sự đang tồn tại những quan điểm khác biệt quá lớn, dù đều là niềm tin. Và thị trường sẽ tiếp tục ngủ đông trong thời gian dài nếu không có một bước đột phá nào đó diễn ra.
Nhưng một khi bước đột phá đó diễn ra, sẽ có người phải chịu thiệt. Liệu ai sẽ sẵn sàng để chịu thiệt: nhà đầu tư hay các chủ ngân hàng? Nếu không ai sẵn lòng gánh lấy điều đó, chi bằng tiếp tục cùng nhau duy trì niềm tin về khả năng phục hồi của thị trường.
Đối với nhiều doanh nghiệp đang thua lỗ, họ vẫn có niềm tin. Họ vẫn tin vào việc thị trường sẽ dần phục hồi, Nhà nước sẽ ứng cứu, các ngân hàng sẽ giãn hay đảo nợ để giúp con nợ phục hồi.
Doanh nghiệp càng lớn, vị thế càng vững chắc sẽ khiến cho họ thêm phần ỷ lại, tiếp tục lấn sâu vào nợ nần mà không phải gánh chịu nhiều áp lực. “Quá lớn để sụp đổ” là vì thế.
Cuối cùng, việc Chính phủ hết lòng khơi dậy niềm tin cho thị trường bằng những công cụ hỗ trợ bất động sản, hay thành lập VAMC để mua lại các khoản nợ có thể xem là hợp lý trong một chừng mực nào đó vì giúp nền kinh tế thêm lạc quan để vận hành.
Nhưng vì những nguyên nhân khách quan, những công cụ này đã không thể phát huy hiệu quả và làm phai nhạt chút ít niềm tin từ công chúng. Cần nhớ rằng, Chính phủ Nhật đã thấm thía bài học khi cố gắng duy trì niềm tin thiếu cơ sở quá lâu, mà lại thiếu những bước đột phá quyết đoán trong quá trình tái cấu trúc.
Có lẽ sẽ không ai phải chết vì niềm tin. Đến giờ, chỉ có số lượng doanh nghiệp giải thể hay ngừng hoạt động là tiếp tục gia tăng qua từng năm. Thị trường bất động sản tiếp tục là cuộc chơi của riêng các chủ đầu tư. Hệ thống ngân hàng tiếp tục vật lộn tìm lối ra.
Bài học về sự trì trệ kiểu Nhật nhắc nhở chúng ta rằng bóng đêm vẫn hiện hữu ngay cả khi ánh sáng của niềm tin đang lan tỏa khắp nơi. Và chúng ta gọi đó là mặt trái của niềm tin.
Số doanh nghiệp giải thể trong 6 tháng đầu năm 2014
33.434 doanh nghiệp phải giải thể hoặc ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2014, theo Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư). Như vậy, số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động 6 tháng đầu năm 2014 tiếp tục tăng 16% so với cùng kỳ 2013; trước đó, 6 tháng đầu năm 2013 đã tăng 10,54% so với cùng kỳ 2012.
Theo DNSG