“Rất nhiều TTTM có thể đóng cửa, nhưng phải tái thiết lại… Thị trường bán lẻ sẽ vẫn phải tiếp tục điều chỉnh, vì quá trình điều chỉnh vẫn chưa hết” – Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội.
Một TTTM đóng cửa là chuyện bình thường…
Việc đóng cửa Parkson Keangnam, các chuyên gia cho rằng có thể có các lý do khách quan, chủ quan, nhưng phần nhiều khẳng định thị trường bán lẻ vẫn còn tiềm năng, dù đang trong quá trình điều chỉnh.
Tiềm năng của thị trường này, bà Đỗ Thu Hằng – Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội – cho rằng vẫn còn, vì 3 lý do: Dân số đông, dân số trẻ chiếm tỷ lệ cao, và thu nhập của người dân đang tăng lên.
“Thị trường bán lẻ vẫn đang trong quá trình điều chỉnh để tiếp tục phát triển nhưng dường như đã định hình được hướng đi của mình. Đó là phát triển các loại hình siêu thị, các hạng mục ăn uống, vui chơi giải trí hướng đến giải quyết phục vụ cho đa số nhu cầu người dân”, bà Hằng nhận định.
“Trong khi một loạt trung tâm thương mại định vị lại khách hàng mục tiêu, thì một trung tâm thương mại đóng cửa cũng nằm trong điều chỉnh của thị trường”.
Chưa bao giờ thị trường chứng kiến nhiều trung tâm thương mại (TTTM) đóng cửa đến vậy. Tràng Tiền Plaza, Zen Plaza, Grand Plaza… đã phải đóng cửa từ vài tháng để tái cấu trúc đến đóng cửa vô thời hạn. Parkson Keangnam đóng cửa ngay đầu năm 2015 và chưa hẹn ngày mở cửa. Các TTTM khác tại Hà Nội như Lotte Center Hanoi, Parkson Tây Sơn, Grand Plaza, TTTM Hàng Da, Tràng Tiền Plaza, Mipec Tower (trừ khu ăn uống)… đều trong tình trạng vắng khách.
“Đừng đặt vấn đề nhiều TTTM đang phải tái cấu trúc, mà vấn đề là anh tái cấu trúc thế nào. Thị trường vẫn còn rất tiềm năng. Vì nguồn cung nhiều, nên cần phải điều chỉnh về một cái ngưỡng làm sao để dự án thành công. Đấy là bài toán của chủ đầu tư và bài toán cho những người tham gia vào quá trình bán hàng, đầu tư. Họ cần có sự lựa chọn tốt hơn để làm sao đứng vững thành công trên thị trường” – bà Hằng nhận định.
“Tôi nghĩ thị trường sẽ vẫn phải tiếp tục điều chỉnh, vì quá trình điều chỉnh vẫn chưa hết. Rất nhiều TTTM có thể đóng cửa, nhưng phải tái thiết lại, và họ sẽ phải mở lại…”
Trong khi Parkson Keangnam thông báo đóng cửa không hẹn ngày trở lại, mới đây, Fanpage chính thức của Parkson Việt Nam thông báo: Tất cả hệ thống TTTM Parkson trên toàn Việt Nam vẫn hoạt động bình thường. Hoạt động gần đây nhất của Parkson Việt Nam là khai trương TTTM Parkson đầu tiên tại Đà Nẵng vào ngày 11/1.
TTTM sẽ không chỉ dừng ở việc bán lại hàng hóa
Ông Trần Như Trung, nguyên Phó Giám đốc Savills Hà Nội – nhìn nhận: Phát triển các TTTM và trung tâm mua sắm hiện đại là xu thế không thể đảo ngược, vì nó có quá nhiều ưu điểm và là bài học phát triển tất yếu về mặt sinh sống ở đô thị.
Tuy nhiên, việc các trung tâm triển khai thành công ngay hay mất một khoảng thời gian, theo ông Trung, phụ thuộc vào 2 yếu tố.
Một là, nhu cầu của người tiêu dùng.
“Mọi người đều nhìn vào nhu cầu tự nhiên về mua sắm, căn cứ vào số dân, nhu cầu rất cao. Nhưng cầu thứ 2 là khả năng chi trả mới quan trọng, phụ thuộc vào mức sống, thu nhập, tỷ lệ chi tiêu/thu nhập, cấu trúc chi tiêu của hộ gia đình. Rất tiếc là trong khoảng 4 năm vừa rồi, kinh tế khó khăn, thu nhập ít đi, và mọi người lại dành cho phần tiết kiệm nhiều lên”.
“Cấu trúc chi tiêu của hộ gia đình thay đổi nhanh, đột ngột theo hướng tiêu cực. Mọi người muốn bảo toàn, chắc chắn, muốn bảo vệ kết quả, nên việc mua sắm giảm. Khi đó, các TTTM, các hình thức mua bán hiện đại gặp khó khăn” – ông Trung phân tích.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc gặp khó khăn là bình thường trên thị trường. Khi kinh tế vĩ mô tốt lên, lạm phát giữ được ở mức thấp như hiện tại, cấu trúc mua sắm, chi tiêu của hộ gia đình sẽ thay đổi và mọi người sẽ mua sắm nhiều hơn.
Hai là, nói đến trung tâm mua sắm, hiện mới chỉ hiểu là loại hình đi bán lại.
“Trung tâm mua sắm dần dần phải là điều hành ngược trở lại hệ thống sản xuất, hàng hóa, dịch vụ… Các trung tâm lớn sẽ điều chỉnh được anh nên sản xuất cái gì. Hiện hệ thống bán lẻ Việt Nam đang ở giai đoạn rất ban đầu, nên việc này sẽ mất một thời gian” – ông Trung nói.
Theo thống kê của Savills, song hành với tình trạng ế ẩm chung của nhiều trung tâm thương mại, diện tích thuê thêm trong ngành bán lẻ cũng giảm mạnh, tới 96% theo quý, chỉ đạt khoảng 2.800 m2. Savills nhận định nguyên nhân chủ yếu của việc sụt giảm mạnh này là do sự suy giảm của diện tích cho thuê thêm tại khu vực nội thành, mặc dù khu vực trung tâm được gia tăng diện tích cho thuê thêm do việc tái khai trương một số tầng của Tràng Tiền Plaza sau thời gian tạm đóng cửa để tái cấu trúc.
Giá thuê trong lĩnh vực bán lẻ tiếp tục giảm 2% theo quý và giảm 12% theo năm. Công suất cho thuê giảm 3% theo quý và theo năm, đạt 80%.
Trong bối cảnh nguồn cầu sụt giảm, thị trường bán lẻ tiếp tục chịu áp lực với nguồn cung tương lai rất lớn. Năm 2015, nguồn cung dự kiến lên tới gần 400.000 m2 đến từ 19 dự án mới, trong đó, 2 dự án đã hoàn thành nhưng chưa ấn định ngày khai trương và 9 dự án đang trong quá trình hoàn thiện. Sang năm 2016, khoảng 356.000 m2 mặt sàn bán lẻ nữa sẽ được đưa vào thị trường.
Theo Cafebiz