Những nền móng cho “Bản sắc văn hóa” doanh nghiệp

Đối với các Start-up để chèo lái con thuyền doanh nghiệp đến bến bờ thành công, ngoài việc tích lũy kinh nghiệm thì việc bổ sung kiến thức cũng rất quan trọng.

Doanh nhân Tạ Minh Tuấn – Chủ tịch sáng lập, CEO HELP International là một chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp tại Việt Nam đã thường xuyên chia sẻ những kiến thức bổ ích dành cho các Start-up. Và vấn đề “Bản sắc văn hóa” doanh nghiệp đã được anh đề cập sau đây là rất quan trọng.
Chiến lược hoạt động của một doanh nghiệp là kim chỉ nam cho con đường mà doanh nghiệp đó cần đi: Làm sao đi từ trạng thái hiện tại đến mục tiêu đề ra trong thời hạn cho trước, bằng cách tận dụng điểm mạnh, triệt tiêu điểm yếu, khai thác cơ hội, giảm thiểu rủi ro, và quan hệ với các nguồn lực khác trên con đường đó.
Với một Start-up thì chiến lược kinh doanh còn khá mơ hồ và Start-up đó cần phải trải nghiệm để tìm ra một chiến lược phù hợp cho mình. Điều này lại đặc biệt đúng với những Start-up trong các ngành nghề phi truyền thống hay các ý tưởng còn quá mới.
Tuy nhiên chiến lược có rất nhiều cấp độ, từ “chiến lược” mà chúng ta hay gọi thường được hiểu theo nghĩa là “chiến lược kinh doanh” (business strategy), đây là chiến lược tổng quan cho cả doanh nghiệp. Nếu phân bổ xuống sẽ có chiến lược cho các phòng ban (department strategy), thậm chí là chiến lược cho từng cá nhân (personal strategy).
Đối với một Start-up, các chiến lược này có độ “sai số” rất lớn và thường không chính xác khi thiết lập, nếu như Start-up đó không có kinh nghiệm rất vững vàng trong ngành, đó có thể là kinh nghiệm của những người sáng lập (Founders) và/hoặc kinh nghiệm của các cố vấn (Mentors).
Tuy nhiên, mọi người ít biết rằng ở cấp độ cao nhất của chiến lược có một thứ mà gọi là “Bản sắc doanh nghiệp” – đây cũng là 1 dạng chiến lược. Cấp độ này bao gồm Sứ mệnh (Vision), Tầm nhìn (Mission), Giá trị cốt lõi (Core value). Đã có nhiều trường hợp, Start-up xây dựng chiến lược ở cấp độ này và nó vẫn giữ nguyên mãi cho đến vài chục năm sau (Ví dụ: Sony).
43192_16__29751_297_4889899
Có nhiều cách hiểu và cách viết, tuy nhiên bằng sự học hỏi của mình, doanh nhân Tạ Minh Tuấn gợi ý cách xây dựng “Bản sắc doanh nghiệp” dựa vào việc trả lời các câu hỏi cụ thể với từng cấp độ sau đây:
Sứ mệnh
– Mục đích tồn tại của doanh nghiệp là gì?
– Doanh nghiệp chiến đấu vì điều gì?
– Đâu là điều bạn sẵn sàng dành cả đời để thực hiện? (“mệnh” là “mạng” – là cái mình sẽ dành cả đời và có thể “đánh đổi cả mạng sống” vì nó).
– Bạn sẽ làm gì (một cách tổng quan) để đạt được tầm nhìn của mình? Những hành động đó mang đến giá trị cho đối tượng nào (khách hàng, nhân viên, cổ đông, đối tác, cộng đồng)?
Tầm nhìn
– Bạn muốn doanh nghiệp là gì sau (x) năm nữa?
– Bạn muốn đạt được kết quả gì sau (x) năm nữa?
– Bạn muốn nhân viên, đối tác, khách hàng và cộng đồng nhìn nhận mình như thế nào sau (x) năm nữa?
– Tầm nhìn này có truyền cảm hứng cho bạn và các cộng sự hay không? Nó hướng đến “một tương lai tốt đẹp hơn” không?
– Tầm nhìn có rõ ràng, cụ thể và sống động như trước mắt hay không? (Ví dụ đơn giản: “Tầm nhìn” của bạn có thể viết thành một câu ngắn gọn và dán nó trên kính nhà vệ sinh, để mỗi ngày khi bạn thức dậy đều có thể nhìn thấy và giữ vững sự quyết tâm!).
Giá trị cốt lõi
– Bạn và các nhà sáng lập (có thể bao gồm cả đội ngũ nhân viên) tin vào những phẩm chất/triết lý gì?
– Những phẩm chất/ triết lý đó có phù hợp với ngành nghề của bạn và định nghĩa thành công của bạn? (Ví dụ: Nếu doanh nghiệp trong lĩnh vực y tế thì việc có 1 giá trị cốt lõi là “sẵn sàng mạo hiểm để sáng tạo ra cái mới” thực sự là điều rất buồn cười! (mạo hiểm trên cái gì, với ai? Bệnh nhân?). Nhưng với 1 doanh nghiệp về thiết kế, sáng tạo thì giá trị đó lại khá phù hợp).
Một số doanh nghiệp không dùng “Giá trị cốt lõi” (Core value) mà dùng “Niềm tin” (Belief), thậm chí là “Tín điều của chúng tôi” (Our creed). Nói chung, dù là sử dụng từ nào đi nữa thì đó là điều mà tất cả nhân viên của doanh nghiệp đều hết sức tin tưởng, đã chọn lựa và sẽ “sống giống như đã tuyên bố”.
Vì vậy, những giá trị cốt lõi bên trong sẽ tạo nên cách hành xử bên ngoài, dẫn đến thói quen của các thành viên trong doanh nghiệp, và từ đó tạo ra văn hóa doanh nghiệp.
Một Start-up sẽ chưa có văn hóa mạnh trong giai đoạn đầu, và có lẽ Start-up đó nên tập trung vào việc phát triển kinh doanh hơn là các chương trình xây dựng văn hóa “hoành tráng”. Đã có nhiều tranh cãi xung quanh việc có nên xây dựng văn hóa doanh nghiệp ngay khi mới khởi nghiệp? Theo kinh nghiệm của CEO Tạ Minh Tuấn, Start-up không thể (và không nên) làm điều này ngay lập tức vì các tập đoàn lớn trên thế giới phải trải nghiệm và mày mò mất vài chục năm, cuối cùng mới đúc kết ra được văn hóa của họ là gì và văn hóa nào thì phù hợp. Cho nên rõ ràng việc “sống như những gì bạn nói” không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà đó là chuyện cần giữ vững trong nhiều năm. Nhưng bạn có thể định hướng cho điều đó ngay từ đầu, dưới vai trò một nhà sáng lập, hay một người chủ doanh nghiệp, hoặc một CEO, bạn chính là “tấm gương” sẽ dẫn dắt và lôi kéo toàn bộ nhân viên của mình làm như những gì bạn đã làm.
Vì vậy, bước đầu tiên để cả tổ chức sống theo các giá trị cốt lõi là chính bản thân người sáng lập phải là những gì họ tuyên bố. Bạn muốn nhân viên tin vào điều gì và làm gì, thì bạn cũng phải tin vào điều đó và đã làm điều đó. Đó là nguyên tắc đơn giản nhất, mà bạn không cần phải tốn thời gian suy nghĩ xem có nên hay không nên và có thể làm được ngay vào lúc này!
Những gợi ý trên đây sẽ rất lợi ích cho các Start-up trên hành trình khởi nghiệp.
Theo Hoclamgiau