Đôi khi, những thủ thuật bảo vệ không mấy phức tạp nhưng lại giúp chúng ta có thể tránh được những rủi ro không đáng có xảy ra với chiếc điện thoại của mình
Khi ra đường, chúng ta thường có thói quen để điện thoại ở túi quần trước hoặc cầm trên tay. Tiện dụng cho người dùng nếu đang đi đường mà có cuộc gọi, nhưng cũng không kém phần thuận lợi cho kẻ xấu nếu có ý đồ chiếm đoạt, và đây cũng là những vị trí cực kỳ dễ phát hiện dù chỉ nhìn lướt qua.
Vậy nên khi đi ra đường với chiếc điện thoại, hãy “chịu khó” đặt chúng ở một nơi an toàn nhất có thể, mặc dù có thể sẽ mất thêm một vài thao tác khi sử dụng, nhưng sẽ đảm bảo an toàn cho chiếc máy trước những nguy cơ bị tấn công. Bạn có thể đặt vào những chiếc túi có khoá, túi trong của áo, nếu sử dụng túi xách hoặc balo thì cũng nên để điện thoại vào trong những ngăn nhỏ sâu bên trong.
2. Hạn chế sử dụng ở những nơi công cộng
Những điểm điểm, phương tiện công cộng, gần các con đường lớn, là nơi có nguy cơ cao xảy ra trộm, cướp điện thoại. Hạn chế tối đa việc sử dụng điện thoại để đọc báo hay lướt Facebook giết thời gian tại những nơi này là điều nên làm với người dùng.
Tuy nhiên không ít trường hợp vẫn buộc chúng ta phải sử dụng, chẳng hạn như một cuộc gọi bất chợt, hoặc không ít bạn có thói quen nghe nhạc, khi đó hãy trang bị sẵn một chiếc tai nghe có chức năng thoại đi kèm.
Việc đeo tai không chỉ giúp việc nghe gọi được rõ ràng hơn, mà nó còn là một sợi dây chắc chắn giúp ràng buộc chiếc smartphone với người. Nếu thường xuyên phải di chuyển bằng xe bus thì chúng ta cũng nên trang bị cho mình một chiếc tai nghe, có thể là loại có dây hoặc bluetooth.
3. Trang bị các phụ kiện bảo vệ
Phụ kiện bảo vệ smartphone đơn giản có thể chỉ là một sợi dây đeo, hay cao cấp hơn thì là những phụ kiện chuyên dụng, có chức năng báo độngqua bluetooth.
Những chiếc điện thoại ngày nay có kích thước khá lớn, vậy nên một chiếc dây đeo vào tay có thể giúp chúng ta tự tin hơn trong các thao tác sử dụng. Bên cạnh đó, nó cũng khiến những kẻ xấu nản chí hơn nếu có ý đồ trộm cướp.
Ngoài một chiếc dây đeo nên có, chúng ta cũng có thể trang bị cho mình những thiết bị báo động ở tầm gần. Do sử dụng kết nối bluetooth với điện thoại nên có thể sử dụng để tìm kiếm nhanh trong phạm vi khoảng 10m, chỉ cần bấm nút là chiếc điện thoại sẽ phát ra báo động.
4. Kích hoạt tính năng chống trộm trên thiết bị
Các smartphone ngày nay hầu hết đều có trang bị những tính năng chống trộm, chẳng hạn như iOS là Find my iPhone, Android là Android Device Manager. Dù nhà phát hành chưa cung cấp thì chúng ta cũng có thể sử dụng những phần mềm từ bên ngoài, có thể dễ dàng tìm kiếm và cài đặt từ kho ứng dụng.
Nhiều người dùng lo ngại về vấn đề tốn pin hay bị theo dõi, thế nhưng những lo lắng này là không cần thiết, và nếu đứng ở góc độ bảo vệ thiết bị thì đây là những tính năng cực kỳ hữu ích và nên được luôn luôn kích hoạt.
Những tính năng chống trộm này thường có thể giúp chiếc điện thoại phát ra báo động, xoá dữ liệu hoặc định vị từ xa.
Và tất nhiên, hãy luôn luôn đặt mật khẩu cho điện thoại của bạn.
5. Bổ sung thông tin về chủ máy
Hành động này tuy không thực sự giúp chiếc điện thoại tránh mất cắp, nhưng cũng không phải không hữu ích. Nó có thể là rào cản cuối cùng trước khi người khác có thể xâm nhập chiếc điện thoại của bạn.
Và may mắn hơn, nếu chiếc smartphone rơi vào tay một người tốt, họ sẽ biết được cách thức liên hệ và trả lại điện thoại cho chính chủ.
Một số smartphone Android có sẵn chức năng ghi thông điệp lên màn hình khoá, nhưng nếu điện thoại của bạn không có tính năng này, hãy tạo một hình nền trên đó có chứa những thông tin cần thiết. Sẽ rất có ích nếu điện thoại vô tình bị thất lạc.
Theo Dân trí.