Cụm từ “Chuyển đổi số” (Digital Transformation) được nhắc đến nhiều kể từ khi người ta hay nói đến “cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. “Chuyển đổi số” (CĐS) hiện nay có vẻ vẫn còn nhiều ẩn số, thậm chí còn đang là “đánh đố” với nhiều doanh nghiệp trong khi “ERP” lại được “nghe quen” hơn nhưng thực chất vẫn còn xa lạ với đa số các doanh nghiệp.
Chúng ta hãy định nghĩa và phân tích sự khác nhau giữa 2 khái niệm này để hiểu đúng và áp dụng đúng heo nhu cầu của mỗi doanh nghiệp.
Về tổng quan
ERP tập trung vào việc hiện đại hoá các quy trình hiện có, số hoá các khâu quản lý và giúp cho việc tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi CĐS tập trung vào việc phát triển những đột phá của kinh doanh trên cơ sở của những công nghệ số (mới sáng tạo), nhưng không giới hạn sự tiếp cận của ERP.
So sánh giữa ERP và CĐS
Đa số những nhà phát triển ERP đều nói rằng họ cung cấp “chuyển đổi số” nhưng thực chất không phải hoàn toàn như vậy. ERP có lõi tập trung, sử dụng một số công nghệ thống nhất để xử lý số hoá các quy trình nhất định trong khi CĐS có thể sử dụng nhiều lõi khác nhau, nhiều công nghệ tiên tiến khác nhau (bao gồm AI, HCM, CRM, IoT và có thể có cả ERP), đa số là phân tán để thay đổi cả mô hình kinh doanh, mang đến sự đột phá nhất định.
ERP | CĐS | |
Mục tiêu | Quản trị tổng thể | Chuyển đổi phương thức KD |
Tác động đến | Nơi được triển khai | Toàn thể doanh nghiệp |
Tổng quan | Một hệ thống, hỗ trợ quản trị trên các quy trình truyền thống | Nhiều hệ thống, nhiều công nghệ, bên trong và ngoài quy trình vận hành |
Công nghệ | Tập trung cùng hệ thống, nhiều trong một: kế toán, tài chính, kho, kinh doanh… | Nhiều công nghệ, phân tán và tập hợp: ERP+, TMĐT, apps, BI, AI, ML, IoT, Big data… từ nhiều nhà cung cấp khác nhau |
Quản trị quy trình kinh doanh | Tập hợp dữ liệu, tối ưu hoá, cải tiến và nâng cao các quy trình vận hành hiện tại | Kiến tạo lại quy trình và tối ưu hoá dẫn tới việc thiết lập mô hình mới hoặc phương thức vận hành mới |
Khởi điểm – Trọng tâm | Quy trình –> Tính tuân thủ | Con người –> Văn hóa, Kết nối |
Quản trị sự thay đổi | Huấn luyện nhân viên thực hiện các quy trình và công nghệ mới | Thay đổi phương pháp làm việc, tái cấu trúc doanh nghiệp để tương đồng với mô hình và văn hoá mới |
Giá trị mang lại | Tối ưu hoá và tăng hiệu quả vận hành | Tăng lợi nhuận, tối đa dịch vụ khách hàng, tăng hiệu quả toàn diện |
Phương pháp triển khai | Dự án tập trung dồn dập và kéo dài. Triển khai hậm và cứng nhắc | Trải rộng, nhỏ lẻ và phối hợp toàn diện. Triển khai nhanh và linh hoạt. |
Kết quả triển khai | Tối ưu hóa quản lý tập trung | Tăng tốc độ vận hành và tối ưu hóa quản trị |
Chi phí | Cao (chiếm khoảng 3% doanh thu) | Nhiều chi phí nhỏ, liên tục nhiều giai đoạn, tái đầu tư nhanh từ hiệu quả, giảm áp lực tài chính |
Rủi ro | Tương đối cao | Thấp (do ngắn gọn và linh hoạt hơn) |
Khả năng khôi phục | Khó khăn | Dễ điều chỉnh, thay đổi, phụ thuộc chủ yếu vào con người và mô hình |
Tóm lại, CĐS là 1 quá trình nâng cao và phát triển hơn so với triển khai ERP, đồng thời cũng đắt đỏ và phức tạp hơn nhưng được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả toàn diện và sức đột phá mãnh liệt, thay đổi về cơ bản mô hình kinh doanh nhưng cũng kèm theo những rủi ro không hề nhỏ.
Tầm quan trọng của “chuyển đổi số”
ERP là đại diện cho thời đại công nghiệp 3.0 còn CĐS là đại diện cho thời đại công nghiệp 4.0. CĐS là quá trình dẫn tới số hoá toàn diện, có mặt tại mọi quy trình và hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. CĐS sản sinh ra lượng dữ liệu vô cùng lớn, mọi lúc mọi nơi đòi hỏi khả năng xử lý gia tâng lên gấp bội.
Chúng ta đang sống trong thời đại số, mọi hoạt động đều liên quan đến công nghệ số, mọi sự cải tiến hoặc chuyển đổi đều để tới mục tiêu cuối cùng là tăng cường hiệu quả và đưa cuộc sống hàng ngày của chúng ta ngày càng thoải mái và tiện lợi hơn.
Không ai có thể lẩn tránh sự chuyển biến của xã hội, nhất là đối với doanh nghiệp càng không thể trốn tránh hoặc trì hoãn quá trình này nếu không muốn để tự loại mình khỏi thị trường.
Đối với doanh nghiệp Việt
Trên thế giới người ta coi ERP là một phần đáng kể của CĐS vì nó đã hiện hữu và là nền tảng của công nghệ quản trị doanh nghiệp thời hiện đại. Cũng hoàn toàn dễ hiểu khi nó nằm trong quá trình chuyển đổi từ thời đại công nghiệp 3.0 lên 4.0. Thực tế là bản thân ERP cũng đang trong quá trình thay đổi.
Còn ở Việt Nam thì dường như điều đó khó có thể xẩy ra vì hầu như chúng ta chưa trải qua thời đại 3.0, tỉ lệ đã ứng dụng ERP là không đáng kể, có thể coi như chưa tồn tại. Vậy chẳng nhẽ cứ phải chờ đợi trình tự xong ERP mới được chuyển đổi số? Chúng ta có thể “đốt cháy giai đoạn” hoặc “đi tắt đón đầu”?
Theo tôi thì chúng ta có thể “đốt xém giai đoạn” hoặc “đi tắt đúng đường”, nghĩa là chúng ta có thể đi tắt, làm việc sau trước để tăng tốc, không bỏ lỡ cơ hội nhưng không thể bỏ qua việc cần phải làm trước đó bằng cách lồng ghép, tiết kiệm chi phí và kết hợp sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Những giải pháp và ứng dụng cho những giải pháp ngắn hạn hay tình thế là hết sức cần thiết bất cứ lúc nào mà doanh nghiệp cần đến. Nhưng những giải pháp này cần phải thoả mãn một số yêu cầu của thời đại mới như chuẩn mở, khả năng giao tiếp đa chiều, khả năng mở rộng và đừng quên việc hướng tới quản lý tập trung…
Nhiều ứng dụng mà doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng ngay khi chưa cần nghĩ tới ERP như thương mại điện tử, kho thông minh, hỗ trợ khách hàng, bảo hành điện tử, CRM…
Người Việt thường nói “năng nhặt chặt bị” hay “góp gió thành bão”. Liệu có thể áp dụng cho trường hợp CĐS được không?
Hoàn toàn có thể được nếu vận dụng tốt thì nó sẽ mang lại hiệu quả rất cao, nhưng nếu chỉ dừng lại ở những giải pháp rời rạc, khi ngày càng có nhiều ứng dụng thì doanh nghiệp sẽ cảm thấy rối rắm, nhiều khi bị vênh dữ liệu mà không có cách giải quyết và có thể còn phiền phức, mất thời gian hơn.
Vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là các chi phí đầu tư cho ERP hoặc chuyển đổi số đều rất lớn so với ngân sách sẵn có của họ. Doanh nghiệp sẽ rất khó quyết định đầu từ nếu nó không phải hết sức cấp bách kể cả khi đã có nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chúng.
Nên chọn phương án nào?
Hiện nay, nhiều công nghệ mới đã cho phép người ta tạo nhiều ứng dụng cloud đủ các cỡ lớn nhỏ khác nhau, chạy trên máy tính và mobile với dữ liệu lớn, dễ dàng kết nối, tích hợp và đối soát, thoả mãn các nhu cầu trước mắt mà vẫn có khả năng đáp ứng cho quản trị tổng thể, như vậy có thể coi đó là bước quan trọng của CĐS đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mặt khác, càng nhiều ứng dụng rời rạc lại càng khó hoà nhập sau đó là để khớp vào với nhau lại càng khó hơn. Doanh nghiệp sẽ có nguy cơ bị rơi vào mê cung hay một vòng xoáy của những mớ bòng bong rất khó gỡ dẫn tới không thể tiếp cận được bức tranh ghép CĐS (mặc dù rất đẹp nhưng xa vời).
Để giải được những bài toán phức tạp trên, doanh nghiệp cần hướng tới sử dụng những “chuyên gia ghép tranh” (puzzle specialists), hiểu biết từng mảnh ghép, từng mối có thể ghép để giúp doanh nghiệp từng bước có được những mảnh ghép cần thiết, phục vụ cho nhu cầu trước mắt, lại vừa có những mảnh ghép tương lai, và chúng đều có khả năng lắp ghép với nhau, để xa hơn nữa có khả năng tạo nên bức tranh tổng thể.
Nhìn chung, việc lựa chọn triển khai ERP hay chuyển đổi số còn tuỳ thuộc rất nhiều vào định hướng, bối cảnh và trình độ quản lý của doanh nghiệp. Điều đúng cho doanh nghiệp này có thể không đúng cho doanh nghiệp khác kể cả cùng ngành và ngang tầm phát triển.
Khác với những chuyên gia trong nội bộ doanh nghiệp, các chuyên gia tư vấn độc lập thường có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có tầm nhìn khách quan và bao quát hơn có thể giúp doanh nghiệp tháo gỡ từng vấn đề, dẫn dắt doanh nghiệp tăng tốc, “đốt xém giai đoạn” (không đốt cháy) và “đi tắt đúng đường” (để tránh “đón đầu lạc hướng”).
Lê Ngọc Quang