Trong một thế giới mà ô tô biết ‘nói chuyện’ với nhau, màn hình tivi có thể uốn éo và máy biết tự sáng tác thì việc các doanh nghiệp lớn có xu hướng “công nghệ hóa” mình cũng là điều không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng dần tiếp cận với công nghệ mới, nhất là khi những thế hệ công nghệ chưa được biết đến nhiều đang được rao bán với giá thấp trong bối cảnh hậu suy thoái kinh tế và cạnh tranh khốc liệt.
Điện toán đám mây
Ý tưởng có một “đám mây cá nhân” để lưu trữ dữ liệu thực ra đã nổi đình, nổi đám từ năm 2011. Với công nghệ này, bạn có thể cất giữ các loại tập tin vào một chỗ và truy cập những tập tin đó từ xa bằng điện thoại di động, máy tính, đầu kỹ thuật số… Điều đáng nói là ranh giới giữa cá nhân và doanh nghiệp trong việc sử dụng công nghệ đám mây hiện nay gần như không còn.
“Nhiều người dùng đám mây để lưu trữ ảnh từ điện thoại di động vào máy tính và chia sẻ những bức ảnh đó với bạn bè. Tuy nhiên, xu hướng dùng đám mây để chia sẻ các tập tin quan trọng với đồng nghiệp, đối tác cũng đang ngày một phổ biến” – Laura Yecies, CEO của SugarSync, một nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu tổng hợp ở California nhận xét. “Giờ ta có thể gọi ‘đám mây cá nhân’ là ‘đám mây chung’’
In di động
Các hãng máy in như Hewlett-Packard, Lexmark, Canon đã cho ra lò những chiếc máy có hỗ trợ wifi từ lâu nhưng tính năng trên không phải lúc nào cũng được dùng đến. Phải đến bây giờ, khi mà một loạt các thiết bị di động ra đời thì người dùng mới trực tiếp gửi văn bản cho máy in từ máy tính bảng hoặc điện thoại di động. Thay vì tay xách nách mang cả đống văn bản, tài liệu mỗi khi đi công tác, bạn hoàn toàn có thể copy bản mềm các file tài liệu đó vào thiết bị cầm tay của mình và khi nào cần thì chỉ cần bấm nút là có thể in vào bất kỳ máy in nào gần đó.
“Thời buổi này, không cần đến PC thì người ta vẫn có thể lập tức in được tài liệu nếu cần, dù tài liệu đó là bản hợp đồng của một người môi giới nhà đất đang đến gặp khách hàng hay là một mẫu kê khai của người bán bảo hiểm” – Tuan Tran, Phó Chủ tịch của tập đoàn Hewlett-Packard (HP) khẳng định.
Màn hình cảm ứng
Không chỉ điện thoại cầm tay và máy tính bảng mới có màn hình cảm ứng mà nay máy tính để bàn, máy in và nhiều thiết bị cỡ lớn cũng chỉ cần điều khiển bằng những cú chạm tay. Nhờ những tiến bộ mới trong công nghệ cảm ứng, giá các thiết bị này cũng giảm khá nhiều. Ngay cả doanh nghiệp nhỏ nhất cũng thừa sức để mua những kiosk cảm ứng, máy bán hàng POS và thậm chí những thiết bị chấm công tinh vi. Một trong những loại màn hình bạn rất nên “nghía” qua là ViewSonic VX2258 (giá khoảng 340 USD) nếu đang định đặt một kiosk ở cửa hàng hay phòng chờ khám của mình.
Máy tính không ổ cứng
Các công ty công nghệ cao có nhu cầu lắp đặt thêm máy tính bàn nhưng không muốn mất nhiều diện tích, điện năng sử dụng cũng như chi phí thì giờ đã có một lựa chọn mới: máy tính không ổ cứng, không CPU, không hệ điều hành (zero-client PC). Chỉ cần kết nối với máy chủ là máy tính zero-client có thể hoạt động. Những chiếc máy tính này trước đây chỉ một số doanh nghiệp lớn sử dụng. Tuy nhiên với mức giá giảm như hiện nay thì một công ty nho nhỏ cũng có thể vác về vài cái để ‘xài’.
“Những ngành có yêu cầu cao về tính bảo mật dữ liệu, hiệu suất làm việc của IT và độ tin cậy của thiết bị đầu cuối như tài chính, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ cũng như các thể chế nhà nước rất nên sử dụng máy tính zero-client” – James Buzzard, Phó Chủ tịch phụ trách marketing của Pano Logic, một nhà sản xuất máy tính zero-client ở thành phố Redwood, nhận định.
Mạng tốc độ cao hơn
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng đang đua nhau đầu tư cho mạng không dây thế hệ thứ tư – còn gọi là Long Term Evolution (LTE) hay 4G và dự kiến trong tương lai gần, loại mạng tốc độ cao này sẽ tiếp tục còn làm mưa làm gió trên thị trường.
Như ở Mỹ trước kia chỉ có Verizon Wireless là nhà mạng đầu tiên cung cấp 4G nhưng nay đã có thêm AT&T và Clearwire. Điều này có nghĩa là doanh nhân sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi truy cập internet ở văn phòng cũng như khi đi công tác.
“Sự xuất hiện của mạng LTE là một cuộc cách mạng. Các nhà kinh doanh là người được hưởng lợi nhiều nhất bởi họ có thể trao đổi từ xa với đồng nghiệp, chia sẻ những tập tin có dung lượng lớn mà không phải bắt nhân viên kĩ thuật đi lại quá nhiều” – Walt Rivenbark, Phó chủ tịch khu vực phụ trách tư vấn các ứng dụng di động cho AT&T Mobility khẳng định.
Tuy nhiên, 4G vẫn còn tương đối mới nên phạm vi phủ sóng còn hạn chế và có thể khá là tốn kém cho người sử dụng. Tuy nhiên, sớm hay muộn thì công nghệ này sẽ lên ngôi và đánh bật dịch vụ internet đắt đỏ.
Thiết bị giám sát hành trình
Nhiều hãng xe ô tô như Ford, GM, Toyota đều đã bắt đầu cung cấp cho các doanh những công cụ theo dõi hành trình cũng như năng suất làm việc của đội xe chở hàng với giá không hề đắt.
“Các công cụ giám sát hành trình này cho phép nhà máy có thể truy cập từ máy tính những thông tin như vị trí hiện tại của phương tiện, hành vi của lái xe và hình thức vận chuyển”- Ed Pleet, giám đốc kinh doanh và phát triển sản phẩm kết nối tại công ty Ford Motor cho biết. Ứng dụng quản lý phương tiện Crew Chief của Ford có giá khởi điểm là 425 USD và phí dịch vụ mỗi tháng là 32 USD.
Tuy nhiên, bạn cũng nên thận trọng. Tuy rất hữu ích cho việc đánh khá khả năng làm việc của lái xe nhưng nếu không được sử dụng đúng chỗ, thiết bị này có thể khiến nhân viên cảm thấy như bạn đang theo dõi họ.
Điều khiển bằng giọng nói
Ấy, đừng vội vứt bàn phím của mình đi vội. Cứ từ từ mà nghiên cứu. Trước hết, hãy thử ứng dụng công nghệ điều khiển bằng giọng nói để yêu cầu chiếc xe hơi chạy theo ý mình đã. Sau đấy hãy tính đến việc áp dụng trong công việc, dịch vụ của mình.
“Các thiết bị nhận dạng giọng nói và chuyển thành văn bản có thể đem lại ích lợi tuyệt vời cho những nơi công sở nặng về văn bản” – Vlad Sejnoha, Giám đốc công nghệ của Nuance Communications (Massachussetts) – công ty đang cung cấp ứng dụng nhận dạng giọng Dragon Go! – khẳng định. “Chẳng hạn, hiện này Mỹ đang bắt buộc các bệnh viện phải có hệ thống hồ sơ y tế điện tử để chia sẻ, báo cáo thông tin về bệnh nhân. Trong trường hợp này, sử dụng công nghệ nhận dạng giọng nói sẽ rất tiện”.
Tuy nhiên, bạn cũng phải “luyện giọng” một thời gian trước khi sử dụng công nghệ này vì lẽ dĩ nhiên là bạn không muốn xe hơi mình đi nhầm chỗ hay mắc những sai sót chết người trong những tài liệu quan trọng và thư từ gửi khách hàng.
Phần mềm sáng tác văn bản
Khối nhà văn, nhà báo sẽ cảm thấy lo lắng nếu họ biết rằng có một phần mềm tự viết ra những câu từ hoàn chỉnh dựa trên những mẫu dữ liệu nhỏ, không phải đánh máy hay in mà tự viết thực sự.
Phần mềm này do công ty Automated Insights (chỉ có 13 nhân viên) ở Durham North Carolina viết ra và hiện đang là tác giả của hơn 400 trang web, 700 Twitter feed và 400 ứng dụng di động. Tất cả những gì được viết ra đều đúng ngữ pháp tuyệt đối.
Điều này là lý do tại sao nhà sáng lập kiêm CEO của Automated Insights – Robbie Allen – rất tin tưởng rằng cỗ máy sáng tác của mình có thể tìm được chỗ đứng ở bất kỳ doanh nghiệp nào. “Mới đầu chúng tôi chỉ chú trọng đến những nội dung nhiều số liệu như thể thao. Nhưng cho đến thời điểm này, chúng tôi dám chắc công nghệ này có thể cho các ngành từ dịch vụ tài chính cho đến chăm sóc sức khỏe, không loại trừ một ngành nào” – Allen nói chắc như đinh đóng cột.
Màn hình dẻo
Một chiếc màn hình máy tính có thể bẻ cong cho phù hợp với góc làm việc ư? Nghe thì có vẻ lạ nhưng trên thực tế không phải là không có. Những màn hình NanoLumens của Norcross (Gorgia, Mỹ) là một bằng chứng không thể chối cãi. Chúng có thể đặt vào bất kỳ bề mặt cong nào của các cửa hàng, bến xe, khách sạn…
“Cứ chỗ nào vừa tầm mắt là bạn đều có thể đặt được: góc làm việc, góc xe ô tô…” – Nick Colaneri, Giám đốc Trung tâm màn hình dẻo của Đại học Bang Arizona cho biết.
(Theo Học Làm Giàu)