“Liệu Việt Nam cuối cùng đã ổn?”

Báo Financial Times đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong các số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian gần đây.

Trong bài viết “Is Vietnam finally coming good?” (tạm dịch: “Liệu Việt Nam cuối cùng đã ổn?”), hai tác giả Josh Noble và Stefan Wagstyl của Financial Times cho rằng, trước đây, các nhà đầu tư giảm sự quan tâm vào Việt Nam vì lạm phát cao, tăng trưởng suy giảm, thâm hụt thương mại lớn và đồng tiền mất giá. Tuy nhiên, những số liệu thống kê của Việt Nam gần đây đang tốt lên.

Số liệu công bố hôm 24/5 cho thấy, trong tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam lần đầu tiên trong vòng gần hai năm chỉ tăng ở mức một con số so với cùng kỳ. So với cùng kỳ năm trước, chỉ số này tăng 8,5% trong tháng 5, so với mức 10,5% trong tháng 4. Như vậy, đã hai tháng liên tiếp, giá cả đi ngang.

Lạm phát giảm tốc đang tạo ra cơ hội cho hạ lãi suất. Ngân hàng HSBC dự báo, Việt Nam có thể cắt giảm lãi suất trong hai tuần tới. Thông tin này đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 25/5.

Bài viết trích dẫn một báo cáo của quỹ Dragon Capital: “Các dữ liệu kinh tế (lạm phát thấp, thâm hụt thương mại giảm, thanh khoản tăng và những con số tích cực về chính sách tiền tệ) giúp khẳng định lập luận rằng, thành công kinh tế gần đây mà Việt Nam đạt được không phải là ‘một phút lóe sáng’, mà là bằng chứng về một nền kinh tế đang chuyển mình thành công từ địa vị thị trường sơ khai (frontier market) lên thị trường mới nổi (emerging market)”.

Giới đầu tư giờ lại đang dành sự quan tâm cho thị trường Việt Nam. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã “tỏa sáng” trong năm nay với mức tăng gần 25%. Tỷ giá VND cũng tăng gần 1% trong khi hầu hết các đồng tiền châu Á khác giảm giá.

Tuy nhiên, nhu cầu suy giảm do tốc độ tăng trưởng đi xuống cũng là một nguyên nhân khiến lạm phát đi xuống. Quý 1 năm nay, GDP của Việt Nam chỉ tăng 4%, so với mức tăng 5,9% trong năm 2011 và 6,8% trong năm 2010.

Theo đánh giá của bài viết, Việt Nam vẫn đang đối mặt với thách thức khó giải quyết khi cân bằng giữa một bên là gây bất lợi cho tăng trưởng bằng lãi suất cao hay “nới cương” đối với lạm phát bằng cắt giảm lãi suất.

Trao đổi với Financial Times, bà Min-Hwa Hu Kupfer, Chủ tịch quỹ Vietnam Holding, phát biểu thận trọng rằng, triển vọng ở Việt Nam đối với các nhà đầu tư đang được cải thiện khi mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng một chính sách tiền tệ nhất quán hơn. Bà Kupfer nhận xét, “năm 2012 sẽ là bài kiểm tra” về khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam. Quỹ này dự báo, trong 6 tháng cuối năm, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng khiêm tốn, và trong cả năm, mức dự báo là 5,6%. Vietnam Holding cho rằng, lực phục hồi của thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng lên.

Dự báo này có thể là “đòi hỏi hơi nhiều” xét đến việc thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng 25% trong năm nay bất chấp những bất ổn trên thị trường toàn cầu và tâm lý ngại rủi ro của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Vietnam Holding và các quỹ khác biết rõ rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn đang thấp hơn 60% so với mức đỉnh hồi năm 2007 và 30% so với mức cao của năm 2009.

Bài báo cho rằng, dù các nhà chức trách Việt Nam cuối cùng đã chặt chẽ hơn với chính sách tiền tệ, các cải cách cơ cấu vẫn là cần thiết để đạt được sự tăng trưởng bền vững. Những vấn đề mà bài báo chỉ ra đối với nền kinh tế Việt Nam là sự thống trị của các doanh nghiệp quốc doanh, tiến trình cổ phần hóa bị trì hoãn do thị trường đi xuống, và tình trạng quan liêu gây khó dễ cho các công ty tư nhân. Bên cạnh đó, những rào cản đối với các nhà đầu tư nước ngoài bấy lâu nay như khả năng chuyển đổi của đồng tiền và khả năng nhà đầu tư được rút tiền ngay khi cần thiết cũng cần phải được giải quyết.

“Sức hấp dẫn của Việt Nam có thể là sự rời rạc của thị trường này khỏi các thị trường toàn cầu. Nhưng sự rời rạc này có lẽ xuất phát từ lý do rằng, đầu tư vào Việt Nam vẫn chỉ dành cho những người dũng cảm”, bài báo kết luận.

 

Theo Vneconomy