Chỉ vì thiếu kinh phí, rất nhiều dự án ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước bị ngừng trệ hoặc không biết bao giờ mới được khởi công. Hợp tác đối tác Công – Tư (PPP) đang được xem là “lối thoát” cho hiện trạng này.
Vẫn chuyện “thiếu bột khó gột hồ”
Tại Tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước (CQNN)” do Bộ TT&TT tổ chức sáng 19/6/2012, câu chuyện thiếu kinh phí trong bối cảnh Nhà nước siết chặt chi tiêu công thêm một lần nữa được các CQNN đề cập là một trong những nguyên nhân chính làm chậm bước tiến trình phát triển ứng dụng CNTT phục vụ người dân và xây dựng Chính phủ điện tử.
Ông Vũ Văn Cài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai dẫn chứng: “Đặc thù riêng của thành phố Lào Cai là có nhiều xã vẫn trong diện được nhận hỗ trợ từ Chương trình 135, rất khó bổ sung kinh phí thường xuyên cho hoạt động phát triển ứng dụng CNTT trong CQNN. Thời gian tới, việc triển khai ứng dụng CNTT để các vùng miền thuộc diện khó khăn cũng có thể theo kịp mặt bằng ứng dụng CNTT chung vẫn là yêu cầu khó nhất với Lào Cai”.
Với nhiều năm kinh nghiệm hợp tác với các CQNN triển khai ứng dụng CNTT, ông Tống Viết Trung – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chia sẻ: Nếu chỉ trông vào ngân sách Nhà nước thì rất khó đẩy nhanh quá trình phát triển ứng dụng CNTT trong CQNN. Trên thực tế, rất nhiều dự án được ghi vốn nhưng không biết bao giờ mới có khả năng triển khai.
Doanh nghiệp sẵn sàng “ghé vai”
Chia sẻ thực tế hợp tác triển khai các hệ thống CNTT trong CQNN, ông Tống Viết Trung cho biết, Viettel luôn cố gắng giúp các cơ quan, đơn vị giải quyết một số khó khăn hiện tại, chẳng hạn nếu thiếu nguồn lực thì Viettel sẵn sàng hỗ trợ tư vấn, xúc tiến xây dựng các đề án, dự án CNTT, nếu không có kinh phí thì Viettel sẵn sàng đứng ra đầu tư cho các dự án. Mới đây, Bộ Kế hoạch – Đầu tư vừa có văn bản về việc thay đổi phương thức đầu tư đối với những dự án CNTT dang dở (theo hướng đẩy mạnh PPP – PV). Viettel sẵn sàng phối hợp với các địa phương, Bộ, ngành để triển khai theo phương thức hợp tác PPP để giảm đầu tư công, tăng hiệu quả hoạt động cho các CQNN.
Ông Nguyễn Minh Dân, Thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cũng khẳng định chủ trương PPP rất tốt, nếu áp dụng vào các dự án CNTT thì hoàn toàn phù hợp. Hiện tại, nguồn lực trong nước đủ để triển khai các dự án kể cả quy mô phức tạp. Nếu có định hướng thì doanh nghiệp trong nước có thể làm ra được những sản phẩm CNTT đáp ứng yêu cầu.
Để “gỡ bí” kinh phí, nhiều CQNN tính đến chuyện xin phép được triển khai các dự án CNTT theo phương thức vay vốn ODA. Tuy nhiên, ông Quách Tuấn Ngọc – Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định: “Chúng ta không cần đến tiền ODA bởi với nhân lực, nội lực hiện tại cũng có thể làm được. Khi triển khai nhiều dự án CNTT lớn, Chính phủ và Bộ TT&TT đã có 2 doanh nghiệp chủ lực là VNPT và Viettel, không cần vay ODA vẫn làm được, tiết kiệm được tiền và thời gian”.
Tính đến thời điểm này, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đang được các CQNN khác “trông vào” để học hỏi cách thức triển khai PPP. Ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, Cục đã được Bộ Kế hoạch – Đầu tư phê duyệt dự án đấu thầu qua mạng với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng song trước tình hình kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước gặp khó khăn, Cục đã đề xuất Bộ báo cáo Thủ tướng không xin ngân sách nữa mà chuyển sang phương thức PPP, huy động vốn tư nhân. Quan điểm của Cục là nếu dùng 200 tỷ đồng của ngân sách thì sau đó chưa biết sẽ vận hành hệ thống đấu thầu qua mạng thế nào, cán bộ CNTT của CQNN không đủ lực để tiếp tục vận hành nhưng nếu để doanh nghiệp cùng bỏ vốn thì sau này doanh nghiệp sẽ gánh phần vận hành hệ thống để được thu phí, qua đó dần dần thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận.
Theo ITCnew