Vì sao thị trường bán lẻ Việt Nam rớt hạng?

(Theo báo Tổ quốc) – Chia sẻ của một số doanh nghiệp bán lẻ cũng như nhận định của các chuyên gia đã cho thấy nguyên do vì sao chỉ trong vài năm thị trường bán lẻ Việt Nam tụt hạng hơn 30 bậc.

Do sức mua giảm

Ông Trần Mạnh Cảnh- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, sự tụt hạng “thê thảm” của thị trường bán lẻ Việt Nam thể hiện ở nhiều yếu tố. Mặc dù Việt Nam có gần 90 triệu dân song thời điểm này kinh tế suy giảm khiến sức mua giảm đi nhiều, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm sức hấp dẫn đối với thị trường bán lẻ Việt Nam.

Ngoài ra, trước đây hệ thống bán lẻ manh nha nên có sức hút, tuy nhiên chỉ trong vòng 3-4 năm qua các siêu thị “mọc lên như nấm” khiến sự cạnh tranh hết sức gay gắt, khi đó đòi hỏi quá trình đầu tư, hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ phải thật sự có nội lực thì mới trụ vững.

“Bản thân Hapro lên kế hoạch hàng năm phải mở rộng hệ thống không chỉ tại các quận mà còn mở rộng ra các huyện, nhưng kế hoạch này hiện cũng đã chững lại vì sức mua giảm”, ông Cảnh cho biết.

Ông Nguyễn Quang Đức, Phó phòng Makerting, Công ty Cổ phần Pico cho biết, gần đây thị trường bán lẻ đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất của Pico chính là sức mua sụt giảm.

“Năm 2008, Pico khai trương siêu thị đầu tiên và có lẽ đây là thời điểm bán chạy nhất, sau đó thì giảm dần do nhiều siêu thị điện máy khác mở ra ào ạt, sức mua lại giảm… Sáu tháng đầu năm nay, tăng trưởng cũng kém hơn so với cùng kỳ năm 2011”, ông Đức thừa nhận.

Mặc dù vậy, ông Đức vẫn lạc quan cho rằng, so với nhiều ngành khác thì thị trường bán lẻ vẫn còn khả quan. Bản thân Pico đã tiên lượng được tình hình kinh tế khó khăn nên cũng nhập hàng chừng mực, không bị tồn kho nhiều và không bị thiếu vốn.

Sức mua tại các siêu thị điện máy từ đầu năm đến nay giảm mạnh (ảnh: T.Xuân)

Là hệ thống siêu thị của tập đoàn lớn mạnh hàng đầu châu Âu Casino (Pháp) song BigC cũng không tránh khỏi khó khăn trong bối cảnh kinh tế suy giảm.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc BigC Hà Nội chia sẻ, khủng hoảng kinh tế toàn cầu chắc chắn có những tác động nhất định lên sức mua và chi tiêu của người tiêu dùng trong nước. Lúc này đòi hỏi doanh nghiệp phải một chính sách kinh doanh thật sự năng động và sát với nhu cầu thực tế của khách hàng, hợp tác lâu dài với các nhà cung cấp, đầu tư cho đổi mới không ngừng và có một tầm nhìn tích cực cũng như chiến lược đầu tư dài hạn tại thị trường.

Gióng chuông cảnh báo

Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Nguyễn Vinh Phú cho rằng, dù kết quả xếp hạng của A.T. Kearney chỉ có giá trị tham khảo song cũng đã gióng “hồi chuông cảnh báo” đối với thị trường bán lẻ Việt Nam.

Ông Phú nhận định, môi trường kinh doanh chưa thật minh bạch đã khiến các nhà đầu tư e dè.

“Mặt bằng kinh doanh đắt đỏ, hàng giả, hàng nhái lộng hành, chi phí bôi trơn trong hoạt động kinh doanh cao, vấn đề logistic nhiều nhức nhối…khiến các nhà đầu tư giảm sự mặn mà”, ông Phú chia sẻ.

Ông Phú cũng dẫn chứng rằng, con số doanh nghiệp phá sản từ đầu năm tới nay cùng với lượng hàng hóa tồn kho tăng đã chứng tỏ sức mua sụt giảm nghiêm trọng, điều đó tất yếu tác động không nhỏ đến hiệu quả kinh doanh của thị trường bán lẻ Việt Nam.

“Nếu không thay đổi cách thức thực thi pháp luật về quản lý thị trường, tránh để các nhà làm ăn chân chính thiệt thòi thì thị trường bán lẻ Việt Nam có thể còn tiếp tục tụt hạng”, ông Phú cảnh báo.

Đối với doanh nghiêp bán lẻ, ông Phú khuyên nên tập trung vào khâu dịch vụ. Thời điểm này sức mua đang giảm nên khâu dịch vụ phải được quan tâm nhằm hút  khách hàng. Theo đó, các doanh nghiệp cần đầu tư vào việc hướng dẫn đội ngũ nhân viên những kỹ năng chuyên nghiệp trong phục vụ, tung ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn cũng như không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm…nhằm kích cầu tốt hơn.

T.S Đinh Thị Mỹ Loan – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam- cũng thừa nhận, nhìn nhận một cách nghiêm khắc, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn rất nhiều điều chưa phát triển như kỳ vọng: Tính chuyên nghiệp yếu, kho tàng, bến bãi hết sức phân tán và hoạt động không hiệu quả, lượng hàng dự trữ mỏng, mạng lưới phân phối rất kém….

Dù nhận định thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục khó khăn trong năm nay, nhưng bà Loan vẫn lạc quan cho rằng, với tầm nhìn dài hạn thì thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn có sức phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

“Có thể khẳng định thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều “đất” để phát triển…Mặc dù có xu hướng tiết kiệm nhưng trong năm 2012 người tiêu dùng sẽ quan tâm nhiều đến những sản phẩm có chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm tiện dụng, tiết kiệm thời gian và sản phẩm công nghệ cao”, bà Loan phân tích.

Báo cáo của A.T. Kearney được thực hiện dựa trên cơ sở điều tra, khảo sát từ các nhà phân phối, bán lẻ hàng đầu thế giới đã cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam từ vị trí hấp dẫn nhất thế giới (theo xếp hạng năm 2008), năm 2011 xuống thứ 23 và năm 2012 đã… “văng” ra khỏi top 30.

 

Q.Anh