Cả Viettel và FPT đều cho rằng những doanh nghiệp viễn thông đang có nhiều lợi thế khi nhảy vào cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tại thị trường Việt Nam.
Lí do được đưa ra là họ có lợi thế cung cấp nhiều dịch vụ trên cùng một hạ tầng và có thể nhanh chóng phổ cập dịch vụ truyền hình và Internet băng rộng đến 20 triệu hộ gia đình.
Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) cho biết, mục tiêu của Việt Nam đến năm 2015 sẽ có khoảng 30-40% số hộ gia đình có thể xem dịch vụ truyền hình trả tiền; đến năm 2020, phát triển khoảng 60-70% số hộ gia đình thu xem dịch vụ truyền hình trả tiền. Viện cũng đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 25-30% trong giai đoạn 2012-2015 và khoảng 10-15% giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, doanh thu truyền hình trả tiền đạt khoảng 800 triệu – 1 tỉ USD. Theo con số thống kê, Việt Nam đang có khoảng gần 20 triệu hộ gia đình. Như vậy, đây là thị trường tương đối lớn mà chắc chắn nhiều doanh nghiệp viễn thông sẽ nhòm ngó. Hiện Viettel, FPT và AVG đã đệ đơn lên Bộ TT&TT để xin phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Nhiều người đang kì vọng với sự góp mặt của các doanh nghiệp viễn thông sẽ đẩy thị trường truyền hình trả tiền bùng nổ tại Việt Nam.
Viettel: “Truyền hình cáp sẽ chiếm 70 – 80%”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel đưa ra dự báo trong tương lai, truyền hình trả tiền sẽ chiếm 70-80% trong những năm tới. Do đó, trong quy hoạch phải ưu tiên đáng kể cho thị trường truyền hình trả tiền. Trong dịch vụ truyền hình trả tiền thì truyền hình cáp sẽ chiếm 70%, IPTV 10-15% và khoảng 10% còn lại là cho các dịch vụ như truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất. “Hiện chúng ta đang nhìn nhận truyền hình là ngành giải trí và đóng góp 1% cho GDP. Tuy nhiên, Viettel cho rằng nên mở rộng truyền hình ra mua sắm, giáo dục, y tế…, đưa truyền hình vào mọi lĩnh vực đời sống, thì nó sẽ đóng góp là 2-3% cho GDP. Nếu GDP của nước ta đặt mục tiêu vào năm 2016 – 2017 đạt 200 tỉ USD, thì ngành truyền hình phải là 4 tỉ USD (2% GDP). Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu như vậy sẽ phụ thuộc chủ yếu vào sự sáng tạo của các công ty sản xuất nội dung. Thậm chí, nếu mảng nội dung sáng tạo hơn nữa thì không phải là 2% GDP mà là 4%, nghĩa là có thể đạt tới 8 tỉ USD vào 2016”, ông Hùng nói.
Ông Hùng phân tích, các nhà mạng đang có lợi thế rất lớn khi cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền gồm có truyền hình cáp và IPTV, thậm chí cả truyền hình số mặt đất. Hiện nay, các công ty viễn thông đều phải đưa cáp quang đến sát các hộ gia đình. Đến thời điểm này, Viettel đã có 200.000 km cáp quang trên toàn quốc. Hiện độ phủ của cáp quang đến hộ gia đình trung bình trên toàn quốc là cách 350 m, nhưng sắp tới Viettel sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn 200 m, thậm chí chỉ còn 100 m vào năm 2015. Điều này có nghĩa là cáp quang đã đến sát hộ gia đình. Do đó, chi phí đầu tư truyền hình cáp, IPTV sẽ giảm đáng kể, chất lượng cao và đặc biệt có thể đến vùng sâu, vùng xa, phổ cập đến các hộ gia đình Việt Nam.
Theo ông Hùng, khi các doanh nghiệp viễn thông nhảy vào thị trường này và cạnh tranh mạnh thì họ vẫn “sống khỏe” bởi nhà mạng có dịch vụ viễn thông cùng tồn tại trên hạ tầng đấy. Vì vậy, trong quy hoạch về truyền hình cần phải tạo điều kiện cho các công ty viễn thông tham gia thị trường này vì các doanh nghiệp này sẽ giải được bài toán phổ cập dịch vụ truyền hình và Internet băng rộng với giá thành tốt nhất.
FPT muốn có thị phần lớn với dịch vụ truyền hình cáp
Ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT cho rằng, khi các dịch vụ mạng hội tụ rất nhiều trên cùng một đường cáp thì nếu doanh nghiệp chỉ cung cấp một dịch vụ trên đường cáp đó sẽ không thể tồn tại được. Như vậy, FPT đang có lợi thế khi nhảy vào thị trường này. “FPT Telecom không có băng tần để kết nối di động đến mỗi cá nhân nên trong chiến lược của FPT Telecom là kết nối đến mỗi hộ gia đình Việt Nam. Hiện FPT Telecom đã đem sợi cáp ADSL đến với hơn 700.000 khách hàng và chúng tôi có tham vọng kết nối nhiều hơn nữa. Trong khi đó truyền hình cáp là công cụ thuận tiện để có thể cung cấp cho khách hàng truyền hình độ phân giải cao, cung cấp Internet băng rộng trên sợi cáp này. Chúng tôi hi vọng với nỗ lực của FPT Telecom như trong thời gian vừa qua sẽ tạo ra thị phần rất lớn, tương tự nhưng chúng tôi đã làm được với dịch vụ ADSL”, ông Trương Đình Anh nói.
Ông Trương Đình Anh còn cho rằng truyền hình cáp là cơ hội rất lớn cho FPT. Với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng thì họ cần dịch vụ ở chất lượng cao hơn so với hiện nay. Thực tế hiện nay thị trường truyền hình cáp đang vỡ vụn ở các tỉnh bởi mỗi tỉnh có 2-3 nhà cung cấp nhỏ lẻ và cung cấp dịch vụ ở mức thô sơ nên không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, những người mới như FPT và Viettel sẽ tạo nên sự cạnh tranh rất mạnh trong lĩnh vực truyền hình cáp.
Theo ICTnews