Xu hướng hội tụ dịch vụ giữa máy tính, tivi và điện thoại di động đã thúc đẩy các doanh nghiệp chạy đua kiến tạo nội dung để tăng giá trị cho thiết bị.
Những dòng smartphone, tivi thông minh ra đời đã thúc đẩy xu hướng dịch chuyển ứng dụng, nhiều người dùng cũng chấp nhận móc hầu bao nhiều hơn.
Đưa kho giải trí trên tivi
Các công ty tập trung phát triển kho ứng dụng trên các dòng tivi thế hệ mới “thông minh hơn” nhờ tích hợp web. Sự tăng trưởng của thị phần tivi thông minh giai đoạn 2009 – 2011 đã vượt qua kỳ vọng của các nhà cung cấp với trung bình 50% mỗi năm, vòng đời sản phẩm đang ngắn lại và giá giảm nhanh. Với 22 triệu hộ trên cả nước, màn hình tivi trong các gia đình đang trở thành đích ngắm trong cuộc dịch chuyển nội dung từ web của các hãng sản xuất.
VNG bắt đầu cuộc đua này bằng cách kết hợp với Sony tích hợp kho giải trí Zing gồm Zing News và Zing MP3 lên Sony Internet TV, chỉ cần bấm Zing trên giao diện tivi, người dùng sẽ kết nối trực tiếp vào kho giải trí của Zing để thưởng thức các nội dung về gia đình, tin tức, âm nhạc… Sony cũng đã kết hợp với Thanh Niên online để chia sẻ nội dung trên tivi.
LG Vietnam đã hợp tác chiến lược với VC Corp để phát triển nội dung cho LG Smart TV, theo đó đưa các trang web về mua sắm, giải trí, tin tức như muachung.vn, kenh14.vn, sannhac.com, socnhi.com… lên tivi. Đồng thời hợp tác chia sẻ nội dung với các website lớn như VnExpress và Nhaccuatui. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, trưởng phòng marketing ngành hàng điện tử LG Việt Nam, xu hướng sử dụng tivi thông minh để truy cập internet ngày càng tăng, vì vậy phải xây dựng kho nội dung để tăng thêm giá trị đáp ứng cho người dùng sản phẩm của mình.
Tổng số ứng dụng dành riêng cho tivi thông minh của Samsung hiện khoảng 1.600, riêng khách hàng Việt Nam có thể sử dụng khoảng 400 ứng dụng, trong đó có 14 ứng dụng thuần Việt, chủ yếu về tin tức – giải trí – giáo dục như Bé siêu toán, Bé học chữ cái, tin tức 24/7, phim ảnh, âm nhạc… Mới đây nhất là Karaoke app cho phép người dùng hát karaoke trên tivi mà không cần đầu máy. Theo ông Nguyễn Văn Đạo, phó tổng giám đốc Samsung Vina, các sản phẩm điện tử gia dụng hiện nay đã được tích hợp những công nghệ mới với những tính năng xử lý hoặc giải trí không thua kém máy tính. Theo đó các phần mềm ứng dụng trên máy tính cũng dịch chuyển theo xu hướng mới, được thiết kế lại gọn nhẹ và dễ sử dụng để ứng dụng cho smartphone và các dòng tivi thế hệ mới. “Xu thế này tăng theo mức độ phát triển của sản phẩm, đưa đến nhu cầu về các ứng dụng thiết thực trong đời sống, đặc biệt là giới trẻ và những bậc phụ huynh, nhắm cả những người ít điều kiện hay chưa có kiến thức về máy tính”, ông Đạo nhận định.
Từ web sang mobile
Theo công bố của Cimigo hồi tháng 6, khảo sát gần 6.000 người tại 12 thành phố lớn, thì số người sử dụng máy tính để bàn truy cập internet đã giảm từ 84% năm 2010 xuống còn 81% năm 2011, trong khi số người truy cập internet bằng điện thoại tăng từ 27% lên 56%. Dự báo đến năm 2014 số người truy cập internet trên mobile sẽ vượt qua máy tính. Giá smartphone lẫn cước 3G đang giảm nhanh giúp gia tăng số người dùng dịch vụ, sự dịch chuyển này cũng tạo ra thói quen truy cập mạng, email, tin tức hay nghe nhạc, xem phim trên điện thoại…
Ông Vương Quang Khải, phó tổng giám đốc VNG, cho biết xu hướng này đã thúc đẩy các công ty cạnh tranh ứng dụng nhằm phục vụ người dùng dịch vụ của mình. Từ năm 2010 Zing đã ra mắt ứng dụng mạng xã hội Zing Me trên hệ điều hành iOS, sau đó mở rộng trên Android, Java, Symbian… Các ứng dụng Zing trên iOS và Android hiện đã tích hợp cả ba dịch vụ Zing MP3, Zing News và Zing Me. Năm 2011, VNG trở thành công ty internet trong nước đầu tiên bắt tay với Samsung thiết kế dòng điện thoại riêng Galaxy Y-Zing Phone tích hợp nhiều ứng dụng như Zing Me, MP3, News, Zing Browser, game… nhắm phục vụ giới trẻ.
Kho ứng dụng cho điện thoại Samsung Apps đã lên đến 160.000 ứng dụng, với gần 100 ứng dụng thuần Việt. BlackBerry cũng cung cấp kho App World, bổ sung nhiều hơn các ứng dụng cho thị trường Việt Nam và tìm cách hỗ trợ cộng đồng phát triển ứng dụng cho hệ điều hành RIM.
Theo ông Khải, hiện hàng tháng khoảng 2 triệu người truy cập Zing qua điện thoại, bằng 15% số người dùng Zing trên web. Nhận thấy tiềm năng lớn từ thị trường này qua sự tăng trưởng của Zing Me trên mobile, VNG xác định đây sẽ là hướng phát triển quan trọng sắp tới.
Theo ông Đạo, việc chú trọng phát triển các dịch vụ riêng nhằm cung cấp tiện ích cho khách hàng và nâng cao giá trị thiết bị cho chính nhà sản xuất. Người dùng tại Việt Nam vốn nhanh nhạy với các sản phẩm công nghệ mới, việc phối hợp với các đối tác nội dung trong nước là để đáp ứng kịp nhu cầu đó. “Từ lâu Samsung đã hỗ trợ và khuyến khích các lập trình viên, các công ty phần mềm phát triển các ứng dụng thiết thực và thuần Việt cho thị trường trong nước. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng phát triển phần mềm trong nước thông qua chợ ứng dụng Samsung tiếp cận với thị trường toàn cầu”, ông Đạo nói.
Theo SGTT.vn