Website mua theo nhóm tìm “đất diễn”

Sau thời điểm rộ như “nấm sau mưa” vào cuối năm 2011 với hơn 100 website, thị trường mua sắm theo nhóm đã chứng kiến sự “sàng lọc” mạnh mẽ với việc đóng cửa hay bán cầm chừng của những website hoạt động không hiệu quả.

Sau một thời gian "bùng nổ", thị trường mua sắm theo nhóm đã chứng kiến sự sụp đổ của hàng loạt những website kinh doanh theo mô hình này.

Sụp đổ hàng loạt trang web mua sắm theo nhóm

Sau khi  VNG đã chính thức thông báo ngừng mọi hoạt động của website mua sắm theo nhóm Zingdeal từ 8/2, thị trường website mua sắm theo nhóm trong nước tiếp tục trầm lắng và chưa đón nhận được những tín hiệu thực sự tích cực. Cuối tháng 5, Everyday.vn, một đối thủ tầm trung trên thị trường mua sắm theo nhóm vừa tuyên bố thay đổi mô hình hoạt động. Mới đây, theo thông tin ICTnews có được, Vndoan.com đã giảm quy mô hoạt động khi dừng văn phòng ở Hà Nội và chỉ còn tập trung cho thị trường TP Hồ Chí Minh. Tương tự như Vndoan, 1 số trang web khác cũng cho tạm dừng thị trường Hà Nội như muanhanh.vn, windeal.vn…

Ngoài ra, giờ đây khi dạo vòng quanh các trang mua hàng theo nhóm, sẽ thấy không ít trang dừng hoạt động như sweetdeal.vn, chaygia.vn… hoặc vẫn bày hàng trên website, nhưng nhìn kỹ thì số lượng phiếu bán ra chỉ dừng ở mức hơn mười phiếu/deal hay không để thời gian như doimua.com.

Chưa dừng lại ở đó, trang web mua sắm theo nhóm groupmua.vn còn kinh doanh hàng giả và bị đội quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra và lập biên bản, xử phạt ngày 11/4.

Điều này hoàn toàn trùng khớp với những dự đoán các chuyên gia về việc “thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp trong số hơn 100 công ty cung cấp dịch vụ dạng kinh doanh theo nhóm rút khỏi thị trường cạnh tranh khốc liệt này” sau sự kiện Zing Deal đóng cửa do tối ưu hóa chi phí, vận hành không tốt và thấy rằng khả năng sinh lợi của dịch vụ mua sắm theo nhóm không dễ dàng như ban đầu.

Bên cạnh việc sàng lọc đối với những trang mua sắm theo nhóm nhỏ, các ông lớn trên thị trường bao gồm Nhommua, Hotdeal, Muachung và Cùng mua đều đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn bằng nhiều hình thức cải tiến. Trong khi Nhommua đưa ra giao diện mới với chức năng phân loại phiếu giảm giá như phiếu giảm giá tuyệt vời nhất, phiếu giảm giá mới nhất, bán chạy nhất thì Muachung lại tung ra hình thức showroom, cho phép khách hàng tận tay xem sản phẩm, từ đó gia tăng niềm tin cho khách hàng hay Hotdeal chú trọng đầu tư, mở rộng khu vực kho hàng, khu vực giao nhận tại văn phòng.

Bà Trương Tố Linh, Giám đốc Hotdeal Hà Nội cho biết, hiện nay thị trường đã định hình được một thời gian. Các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cũng đã được người tiêu dùng nhận diện (nhommua, hotdeal, muachung, cungmua) và lấy được lòng tin của khách hàng, nhất là trong giai đoạn “vàng thau lẫn lộn” khi một số trang mua hàng theo nhóm nhái (fake), bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đưa ảnh lên web giống với hàng thật gây nhầm lẫn cho khách hàng. Chính vì thế, trong thời gian qua vẫn còn các website mới gia nhập thị trường nhưng đa số là các doanh nghiệp hoặc cá nhân nhỏ lẻ nên sức cạnh tranh thấp. Nếu không có gì thay đổi lớn và không có một “tay chơi” có tiềm lực tài chính mạnh mẽ, kinh nghiệm nhiều về thương mại điện tử thì có lẽ vị trí của nhóm đầu này vẫn không bị đe doạ. “Tuy nhiên, vị trí 4 webiste này có thể có sự điều chỉnh về thị phần, doanh số và thứ bậc. Do đó, các website trong top đầu vẫn phải tiếp tục hoàn thiện sản phẩm – dịch vụ của mình và liên tục có những hoạt động phát triển mới nhằm phát triển thị phần của mình”, bà Linh cho biết thêm.

Giữ chân khách hàng bằng cách “đánh” đúng nhu cầu

Cũng theo bà Linh, các website mua theo nhóm trong thời gian này và sắp tới bắt đầu có sự phân hoá để khai thác tối đa các lợi thế của mình cũng như nhắm đúng vào nhu cầu phân khúc khách hàng của mình. Tuỳ theo lợi thế và mục tiêu của từng website, các đơn vị sẽ phát triển thêm các ngành hàng/ngành dịch vụ mới, hoặc sẽ đẩy mạnh hơn các ngành đang là lợi thế của mình. Do đó, có đơn vị sẽ phát triển thêm các deal về du lịch, sản phẩm hang hiệu; cũng có đơn vị tập trung vào dịch vụ ăn uống/giải trí, hoặc có website sẽ chuyển dần sang chuyên bán sản phẩm.

“Các doanh nghiệp mua theo nhóm vẫn còn nhiều “đất diễn” và các website hàng đầu vẫn còn đang “sung sức” để tiếp tục cạnh tranh và mang đến nhiều dịch vụ mới cho người dùng”, bà Linh nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc khối Thương mại điện tử Công ty VC Corp, thị trường website mua sắm theo nhóm sau giai đoạn hình thành “như nấm sau mưa” của năm vừa rồi, sẽ có các hướng đi chính để phù hợp hơn với thị trường thông qua việc gia tăng trải nghiệm của khách hàng, khẳng định chất lượng hàng hóa dịch vụ bằng cách mở các showroom, “cắm” thêm các dịch vụ giúp nhà cung cấp và khách hàng tương tác tốt hơn như Muachung đang làm hay chuyển đổi sang mô hình flash sale, tức là giảm giá mạnh 1 vài sản phẩm trong 1 thời gian nhất định để thu hút khách hàng, sau đó tích cực giữ khách hàng và chào khách hàng mua thêm những sản phẩm khác.

“Dựa vào thương hiệu, hạ tầng và đội ngũ sẵn có, chuyển sang mô hình mua sắm thương mại điện tử thuần túy cũng là một hướng phát triển trong thời gian tới”, ông Tuấn kết luận.

theo ICTnews