“Ai cho Việt Nam vay? Cho vay trên cơ sở nào khi các rủi ro cấu trúc chưa có phương án xử lý tổng thể mang tính thuyết phục cao?”, ông Trần Đình Thiên nói.
Tái cơ cấu tốn rất nhiều tiền
Vậy theo ông thì kinh tế Việt Nam vẫn còn “tắc nghẽn”, hay đã “thoát đáy” để sang năm đi lên?
– Bài tham luận của tôi ở Hội thảo Kinh tế Mùa thu chỉ tập trung vào hai khái niệm đó. Và câu trả lời là kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với tắc nghẽn, với những “cục máu đông”, với những ách tắc thể chế, ách tắc của mô hình tăng trưởng mà quá trình tái cơ cấu chưa đụng đến.
Quan điểm của tôi là nếu Việt Nam vẫn duy trì cấu trúc cũ, thì càng cố gắng làm nhiều, đầu tư nhiều thì càng hậu quả dài hạn càng nghiêm trọng. Tức là hiện nay, càng bỏ nhiều tiền để khôi phục tăng trưởng ngắn hạn, để giải quyết vấn đề thành tích trước mắt và phần nào đó “an dân”, mà chưa đụng đến các vấn đề cấu trúc thì càng tích đọng yếu tố gây tắc nghẽn.
Khi chúng ta cứ dùng cái mà chính chúng ta đang phải nỗ lực để thay đổi nó, thay nó bằng cái khác (tái cơ cấu), thì đó vẫn là cách làm “giật gấu vá vai”. Khi đó, càng làm thì chi phí thay đổi cái cũ sẽ càng lớn. Theo cách nhìn đó, trên quan điểm tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, khó có thể coi các kết quả ngắn hạn đạt được là thành tích.
– Hiện nay chúng ta đang gặp khó khăn về vốn, về nguồn lực tài chính. Cả các doanh nghiệp lẫn ngân sách nhà nước. Mà tái cơ cấu thì phải có tiền, phải tốn rất nhiều tiền. Ngoài ra, còn phải có tầm nhìn xa, mang tính tổng thể. Đó là chưa kể khi “bệnh” đã nặng thì để xử lý được nó, phải có một bản lĩnh thực tiễn mạnh mẽ.Tại sao tái cơ cấu đã được nói đi nói lại từ khi chuẩn bị Đại hội Đảng XI, với các đề án, hội thảo bàn đi bàn lại, mà đến nay, đã nửa nhiệm kỳ qua rồi, mà vẫn không bắt tay thực hiện được?
Chẳng hạn, cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã được xây dựng theo kiểu phải nhập khẩu hầu hết đầu vào sản xuất. Vậy là ta thiết kế mô hình tăng trưởng lệ thuộc vào đầu vào nhập khẩu. Bây giờ phải tái cơ cấu để làm sao thoát được sự lệ thuộc đó?
Tái cơ cấu tức là phải bỏ nguồn lực vào để sản xuất ra đầu vào, hoặc nhập đầu vào từ các thị trường khác, có chất lượng và đẳng cấp công nghệ khác, thay vì chủ yếu nhập từ chỉ Trung Quốc, như trong nhiều năm qua.
Nhưng chúng ta có làm được việc đấy không, tức là có tự sản xuất ra được (một số) đầu vào “thay thế nhập khẩu” không? Và trong bao lâu thì làm được?
Câu trả lời là “ta có thể làm được”, nhưng có lẽ với chi phi đắt hơn đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc”. Vậy thì có phải cứ mua quách đầu vào của Trung Quốc cho xong, đúng không?
“Kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với tắc nghẽn, với những “cục máu đông”, với những ách tắc thể chế, ách tắc của mô hình tăng trưởng mà quá trình tái cơ cấu chưa đụng đến” |
Nhưng nếu chúng ta cứ “thà” như vậy, thì kinh tế ta cứ mãi mãi phụ thuộc vào bên ngoài, phụ thuộc ngày càng sâu.
Nói ngay câu chuyện Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), nếu cứ lệ thuộc như vậy thì dù có ký được TPP, chúng ta cũng sẽ chẳng tận dụng được gì mấy lợi ích mà TPP mang lại cả.
Vậy tái cơ cấu là chuyện phân bổ nguồn lực thôi. Và kết cục của tái cơ cấu là để thay đổi cách tăng trưởng. Vì vậy, tái cơ cấu và thay đổi cách tăng trưởng thực ra chỉ là một việc.
Tiền của xã hội, phải phục vụ xã hội
Giả sử chúng ta quyết tâm tái cơ cấu một cách quyết liệt, thì bước đi phải như thế nào?
– Có hai tuyến. Tuyến thứ nhất là các thị trường phải vận hành tốt lên. Tuyến thứ hai là nhà nước phải bảo đảm phân bổ nguồn lực công cho đúng chức năng của nó, qua đó, gián tiếp làm cho thị trường lành mạnh thêm.
Chứ nếu phần “công” của nhà nước mà méo mó, thì các thị trường hỏng hết. Chẳng hạn, thị trường đất đai bị đầu cơ, méo mó. Muốn cho thị trường đất đai phát triển hiệu quả thì đất đai phải trở thành hàng hoá, tức là phải có chủ sở hữu đích thực.
Hay với thị trường chứng khoán, là thị trường dễ bị đầu cơ với đầy sự rủi ro. Muốn giảm bớt rủi ro thì các điều kiện của thị trường này phải tốt lên, ví dụ thị trường tài sản phải phát triển. Hay thị trường trái phiếu phải phát triển, chứ trên thị trường chứng khoán, thị trường tài chính của Việt Nam thấy toàn cổ phiếu thôi.
Rồi thị trường đất đai phát triển đòi hỏi các thị trường khác, các thể chế kinh tế khác, ví dụ như hoạt động ngân hàng, phải lành mạnh. Nhưng hệ thống ngân hàng, những biến cố vừa rồi cho thấy, phải nỗ lực rất nhiều và phải rất kiên trì mới từng bước trở nên lành mạnh được.
Còn phía bên này cán cân, Nhà nước phải phân bổ nguồn lực để cho nó đừng chèn lấn khu vực tư nhân, tức là doanh nghiệp nhà nước phải làm đúng chức năng của mình. DNNN phải đầu tư vào những chỗ mà xã hội không thích làm, tư nhân không thể làm hiệu quả. Vì tiền của doanh nghiệp nhà nước là tiền của xã hội, phải đem phục vụ xã hội, hay công ích.
Tức là các thị trường phải đồng bộ, không khấp khểnh, để các dòng vốn chảy đúng chỗ cần chảy. Bản chất của tái cơ cấu là xếp lại chức năng của nhà nước và thị trường, để cho các nguồn lực chảy thông suốt và đúng chỗ cần thiết.
Điểm cốt lõi là phải thuyết phục người cho vay – người dân Việt Nam hay các nhà cho vay quốc tế – bằng một chương trình tái cơ cấu tổng thể có sức thuyết phục cao về hiệu quả. |
Để làm ra chương trình tái cơ cấu, các chuyên gia kinh tế, như ông, đã góp những gì?
– Khi nói đến tái cơ cấu tức là phân bổ lại nguồn lực, thì các chuyên gia đều thấy không dễ dàng. Nó đụng đến lợi ích, đến nhóm lợi ích. Sâu xa hơn, nó còn động đến điểm cốt lõi lý luận – “kinh tế thị trường và định hướng XHCN”. Và các luồng suy nghĩ dễ trở nên ngại ngần trước cái điểm thường được coi là “nhạy cảm” này.
Nguồn lực phân bố cho các địa phương, các ngành các cấp, tuân theo mô hình khái thác tài nguyên, định hướng gia công lắp ráp, nên tập trung cho hoạt động “đào, cuốc bới, chặt”. Tất nhiên, đây chỉ là cách nói tập trung thể hiện khía cạnh không phù hợp, khía cạnh có vấn đề của mô hình tăng trưởng, của phương thức phân bổ nguồn lực. Tuy nhiên, khía cạnh qui trình đó chủ yếu mang tính “kỹ thuật”, bộc lộ ra bên ngoài chứ không phản ánh cốt lõi của cơ chế.
Điều thứ hai, cũng rất quan trọng, là khi phát hiện ra vấn đề, thì phải có bộ máy đủ hiệu lực để thực thi cái đó. Nhưng đây lại là điểm mà chúng ta hiện còn yếu.
Ví dụ, hệ thống phân cấp phân bổ nguồn lực hiện tại giữa địa phương và trung ương rất khó thay đổi. Tâm lý chia đều, cào bằng, cung cách xin cho đang làm cho sự vận hành của các nguồn lực bị méo, do động cơ thị trường yếu, và cấu trúc quyền lực bị phân tán.
Nó đụng đến lợi ích, đến nhóm lợi ích. Sâu xa hơn, nó còn động đến điểm cốt lõi lý luận – “kinh tế thị trường và định hướng XHCN”. Và các luồng suy nghĩ dễ trở nên ngại ngần trước cái điểm thường được coi là “nhạy cảm” này. |
Lý do vì sao như vậy?
Trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, mang nặng chất của “nền kinh tế nông dân cổ truyền”, nên cần một bộ máy phân quyền như vậy.
Nếu chúng ta có một bộ máy pháp quyền hữu hiệu, số người tham gia quản lý sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng luật pháp của ta còn có nhiều chồng lấn lẫn nhau, tự thắt nút vào nhau, vì vậy phải huy động một bộ máy rất lớn để thực thi luật pháp mà vẫn không thể thực thi một cách hiệu quả.
Ví dụ, nếu công khai minh bạch, thì có gì sai lầm, méo mó, truyền thông cứ công khai ra, sẽ gây áp lực xã hội, làm cho ai sai phải sợ – vì phải chịu trách nhiệm kinh tế và cả trách nhiệm đạo đức. Nhưng không công khai nên phải có một hệ thống đi giải thích, tuyên truyền, răn đe…, từ đó các ban bệ mới nảy sinh ra nhiều.
Thay cấu trúc quyền lực
Tức là muốn tái cơ cấu trước hết phải thay đổi là cấu trúc quyền lực?
– Đúng vậy. Phải tư duy lại xem nhà nước là gì để vận hành và phát triển một xã hội dân sự.
Thời Cách mạng Pháp, chỉ mấy từ “tự do, bình đẳng, bác ái”, sau này thêm chữ “dân chủ” nữa, mà người ta phải bàn nát cả ra, bàn công khai cả thế kỷ. Thế thì mới sản sinh ra được những thứ văn minh và phúc lợi mà xã hội họ đang được hưởng.
Còn chúng ta, từ xã hội phong kiến đi lên, mặc nhiên chấp nhận những khái niệm nền tảng của xã hội văn minh đó ở cấp độ từ ngữ là chính, rất ít bàn thảo, tranh luận về nội hàm, về cấu trúc và cơ chế vận động thực tiễn của chúng. Vì thế mà cho đến bây giờ, ta vẫn còn nhiều ngỡ ngàng với các vấn đề cốt lõi cũng như các khía cạnh hiện đại của một xã hội văn minh.
Quay lại chuyện tái cấu trúc, ông nói tiền cạn, ngân sách nhà nước cũng gặp khó, tài lực của doanh nghiệp suy kiệt. Vậy nguồn lực từ bên ngoài thì sao?
– Ai cho Việt Nam vay? Cho vay trên cơ sở nào khi các rủi ro cấu trúc chưa có phương án xử lý tổng thể mang tính thuyết phục cao? Khi đó, đi vay thì giá vay (lãi suất) sẽ đắt. Điểm cốt lõi là phải thuyết phục người cho vay – người dân Việt Nam hay các nhà cho vay quốc tế – bằng một chương trình tái cơ cấu tổng thể có sức thuyết phục cao về hiệu quả.
Xin cám ơn ông!
Theo Tuanvietnam