Bạn thường xuyên bẻ tay và coi đó như một cách thư giãn. Nhưng nhiều người lại nói bẻ tay là có hại cho khớp, vậy sự thực là thế nào?
Nhiều người thường có thói quen bẻ ngón tay của mình, sao cho nó phát ra tiếng kêu: bạn có thể kéo từng ngón tay ra phía sau đến khi nó phát ra tiếng ‘crack’, gấp mạnh ngón tay, hoặc bạn có thể nắm chặt tay lại – cách này thì khó hơn. Với nhiều người, đây là một thói quen giúp xả hơi, “thư giãn khớp” để sau đó tiếp tục làm việc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, từ 25 đến 54% số người có thói quen làm như vậy, và nam giới trội hơn nữ giới.
Dù bạn bẻ ngón tay theo cách nào, thì cơ chế sinh ra âm thanh ‘crack’ là như nhau: khi bạn bẻ ngón tay, khoảng không gian trong khớp tăng lên, áp lực trong khoang khớp giảm làm tách khí trong dịch khớp ra thành những bọt khí nhỏ, chúng kết hợp với nhau tạo nên một bong bóng khí lớn hơn trong khớp và nó chính là thủ phạm sinh ra tiếng ‘crack’ đó.
Ngay sau khi bạn bẻ ngón tay thì bạn phải đợi ít nhất 15 đến 20 phút sau mới có thể bẻ cho nó ‘kêu’ lại được; đây là khoảng thời gian cho khoảng không trong khớp trở lại kích thước bình thường và khí hoà tan lại vào dịch khớp.
Về lý thuyết, việc bẻ ngón tay nhiều lần như vậy có thể gây hại cho sụn khớp của bạn. Cũng giống như việc các loại máy móc, làm việc lâu ngày cũng sẽ bị hư hại, nhưng thực tế thì việc khớp của bạn bị ảnh hưởng do bẻ tay nhiều không hoàn toàn đúng.
Thực tế, có rất ít nghiên cứu về vấn đề này. Một nghiên cứu được biết đến nhiều nhất, chắc hẳn là nghiên cứu trên chính bản thân mình của bác sĩ Donald Unger ở California, được giải thưởng Ig Nobel năm 2009. Trong suốt hơn 60 năm, ông đã bẻ khớp ngón tay trái của mình hai lần một ngày, và không bẻ khớp ngón tay phải. Và kết luận của ông? “Tôi nhìn vào hay bàn tay của mình, và xem chừng chả có dấu hiệu nào cho thấy nó bị viêm hay bị ảnh hưởng gì cả”.
Với một nghiên cứu lớn hơn được thực hiện tại Detroit năm 1990, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra bàn tay của 300 người trên độ tuổi 45, tất cả đều có thói quen bẻ ngón tay từ trước. Và có tới 84% số người có dấu hiệu sưng phồng khớp ngón tay. Sau đó các nhà nghiên cứu đã rút ra kết luận rằng việc bẻ các khớp ngón tay là không nên vì nó có ảnh hưởng đến khớp ngón tay; nhưng thực tế thì, rõ ràng họ phải cảm giác thấy ngón tay mình đau trước tiên chứ, tức là việc bẻ ngón tay mà thấy đau sẽ là tiền triệu báo hiệu cho những vấn đề về sau này của khớp, chứ nó không phải là nguyên nhân gây nên việc sưng đau các khớp. Và câu hỏi mấu chốt ở đây là, những người hay bẻ ngón tay thì có tăng khả năng bị viêm xương khớp hay không, và câu trả lời là không.
Một nghiên cứu gần đây nhất vào năm ngoái, rất cụ thể vì đã đề cập đến cả về tần số bẻ ngón tay của mỗi người tham gia. Rõ ràng, theo phỏng đoán thì việc bẻ ngón tay cứ mỗi 15 phút và việc bẻ ngón tay một lần mỗi ngày sẽ có sự khác biệt, nhưng thực tế thì lại không có sự khác biệt về tỉ lệ mắc các bệnh viêm xương khớp. Và người ta đã đưa ra kết luận chính thức, rằng việc bẻ khớp ngón tay hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến khả năng bạn bị mắc các bệnh cơ xương khớp.
Vậy thì, tại sao ban đầu người ta lại có ý nghĩ về việc, bẻ ngón tay và bệnh viêm khớp lại có liên quan đến nhau nhỉ? Điều này sẽ đúng, nếu như một người đã mắc các bệnh về khớp từ trước, khi bẻ ngón tay sẽ làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh, vì bản thân khớp của họ đã bị tổn thương từ trước rồi. Dù sao thì, việc bẻ ngón tay nó không hề có liên quan đến việc chẩn đoán và điều trị bệnh viêm khớp. Những yếu tố nguy cơ của viêm khớp là tuổi, tiền sử gia đình, và những biến cố xảy ra với bàn tay của người bệnh từ trước đây, ví dụ như tai nạn hoặc làm những công việc nặng nhọc…
Ok, vậy thì chốt lại, việc bẻ ngón tay có thể gây ra nguy hiểm cho bàn tay của bạn hay không? Đã có một vài báo cáo cho thấy, việc bẻ ngón tay như vậy có thể gây hại cho ngón cái và gây bong gân các ngón tay, nhưng thực tế điều này rất hiếm khi xảy ra.
Vậy, kết luận, hãy cứ tiếp tục bẻ ngón tay nếu bạn muốn. Nhưng hãy nhớ điều này: những âm thanh phát ra khi bạn bẻ tay, có thể sẽ làm những người xung quanh khó chịu đấy, và lúc đó có thể xảy ra những hậu quả khác khó lường…
Theo Genk