Tham vấn diễn đàn “Nếu tôi là Bộ trưởng Giáo dục?” độc giả Sông Trà góp kiến, với thực tiễn giáo dục nhiều tiêu cực hiện nay không thể bỏ thi tốt nghiệp. Càng không thể giao các trường ĐH tổ chức tuyển sinh riêng khi Bộ GD-ĐT chưa chấn chỉnh được các tiêu cực…
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng |
Chưa thể bỏ thi tốt nghiệp
Một thời gian dài, tiêu cực trong thi cử và “bệnh thành tích” trong phần lớn cán bộ quản lí giáo dục bùng phát. Khi coi thi cán bộ quản lí “nhẹ tay”, giám thị coi thi “thả cửa”, chỉ cần một thí sinh giải được đề thi là thí sinh cả phòng tha hồ trao đổi, quay cóp, thậm chí có một số cán bộ quản lí tổ chức cho thư kí hội đồng hoặc giáo viên giải đề thi rồi photo phát cho thí sinh…
‘Tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao ngất ngưởng (trên 95%). Thanh tra Bộ, sở lèo tèo ít người “có cũng như không”, một số thầy cô chân chính đành bất lực. Đến khi giáo viên Đỗ Việt Khoa dũng cảm tố cáo những tiêu cực trong thi cử thì bộ “thức tỉnh” chỉnh đốn, lập lại kỉ cương …
Trước tình hình đó, Bộ GD lập lại kỉ cương. Hàng ngàn thanh tra bộ về từng hội đồng thi, sẵn sàng lập biên bản giám thi, cán bộ quản lí coi thi không nghiêm túc và thí sinh vi phạm qui chế thi. Kỉ luật đã được siết chặt. Giám thị coi thi nghiêm túc. Thí sinh thi nghiêm túc. Tỉ lệ đậu tốt nghiệp cả nước khoảng 67% phản ánh đúng thực chất của giáo dục THPT.
Những trường tổ chức dạy và học tốt đậu tỉ lệ cao, những trường chưa tốt thì tỉ lệ thấp, thậm chí có trường tỉ lệ đậu 0%. Kết quả kì thi phản ánh việc “học thực thi thực” đã được dư luận tốt trong nhân dân cả nước hoan nghênh…
Rất tiếc việc chỉnh đốn này chỉ thực hiện được hai niên học 2006-2007 và 2007-2008.
Năm học 2008-2009 trở đi, từ gần 7.000 thanh tra Bộ chỉ còn vài trăm thanh tra Bộ tham gia kì thi “cưỡi ngựa xem hoa”, tiêu cực lại bùng phát, giám thị lại “thả cửa”, thí sinh tha hồ quay cóp…tỉ lệ đậu tốt nghiệp cao ngất ngưởng.
Một số cán bộ quản lí giáo dục “phấn khởi” vì “thành tích cao”. Bệnh cũ tái phát. Khi tiêu cực trong phòng thi xảy ra thì việc chấm chéo bài thi là vô nghĩa. Vấn đề mấu chốt là ý thức coi thi của cán bộ quản lí cũng như giám thị trong từng hội đồng thi phải nghiêm túc, phải thực hiện đúng chủ trương “hai không” của Bộ GD-ĐT, trong phòng thi không để xảy ra các tiêu cực…
Phải tăng cường thanh tra Bộ nhiệt huyết, thường xuyên “vi hành” để kịp thời ngăn chặ̣n “tiêu cực”. Việc phân công giám thị người địa phương coi thi tại địa phương cũng góp phần “tiêu cực” trong kì thi…
Không nên bỏ tổ chức thi theo cụm. Việc tổ chức thi cụm cũng góp phần hạn chế việc các trường tổ chức giải đề thi rồi đưa vào phòng thi cho thí sinh trường mình.
“2 trong 1”- đề án bất khả thi
Bộ có dự định bỏ kì thi tốt nghiệp THPT? Tình trạng học sinh”sáng lớp 5 chiều lớp 1”cũng do một phần bỏ kì thi tốt nghiệp THCS. Đã học thì phải thi, phải “cọ xát” thì mới nâng cao thành tích dạy và học. Các thầy, các cô mới không ngừng nâng cao “tay nghề”, học sinh mới “chịu học”.
Nếu bỏ thi tốt nghiệp thì học sinh chỉ chú trọng các môn thi ĐH. Khi đó, việc kiểm tra các môn học cũng như việc xét tốt nghiệp khi đó lại càng “tiêu cực“dữ dội hơn.
Mỗi kì thi mang tính Quốc gia là một dịp chọn lọc nhân tài cho đất nước, không có tình trạng xóa bỏ tiêu cực trong kì thi chưa được thì lại bỏ kì thi. Để lập lại “kỉ cương” trong kì thi, bộ nên đưa ra một số giải pháp “siết chặt kỉ luật” trong phòng thi, sẵn sàng kỉ luật lãnh đạo hội đồng cũng như giám thị nếu để xảy ra tiêu cực.
Đề án “2 trong 1 (dự kiến tổ chức 1 kỳ thi Quốc gia để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH)” – là một đề án thiếu “vi hành”, chưa sát với thực tế giáo dục. Không thể lấy kết quả một kì thi tốt nghiệp THPT “chưa nghiêm” mà xét tuyển ĐH, chọn nhân tài cho đất nước. Khi đó tiêu cực trong kì thi lại “dữ dội” hơn…Cũng không nên đưa việc tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT về cho các sở. Và càng không nên giao việc tuyển sinh ĐH về cho các trường tự tổ chức.
Nếu để các trường ĐH tự tổ chức thi tiêu cực trong việc luyện thi cũng như khâu ra đề thi tuyển sinh của các trường ĐH lại bùng phát trở lại…Do đó, khi nào bộ chấn chỉnh được các tiêu cực trong tuyển sinh thì mới xem xét giao tự chủ cho các trường…
Chú trọng việc “học làm người”
Những bài học xa rời thực tế cuộc sống nên bỏ. Thay vào đó, nên dạy cho các em biết tư duy sáng tạo, hình thành cho các em một ý thức tự học và tự học suốt đời. Biết “ăn cơm thì nhớ ơn người nông dân, mặc áo thì nhớ ơn người dệt vải”, cuộc sống nên cho nhiều hơn nhận. Biết thương cha, thương mẹ, yêu xóm làng quê hương đất nước. Biết yêu nước thương nòi, có lòng tự trọng, không làm việc sai trái, nỗ lực học tập và cống hiến…
Chúng ta cũng phải tự hào những thành tựu của nền giáo dục nước nhà khi đào tạo ra hàng triệu kĩ sư công nhân đang lao động miệt mài trên các công trường của đất nước. Tuy nhiên đất nước phát triển chậm, khoa học còn lạc hậu, khi học sinh vô lễ với cha mẹ…đều có lỗi của giáo dục.
Trong thời kì hội nhập, rất cần sự tham khảo học hỏi các mô hình giáo dục của các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc….Những người yêu nước thương nòi không thể thờ ơ với giáo dục. Rất cần một “Hội nghị Diên Hồng” tham vấn ý kiến của những người học rộng tài cao để có những đề xuất tối ưu cho bài toán giáo dục nước nhà…
Theo Vietnamnet