Nếu chúng ta tập trung đầu tư, sản xuất được vi mạch (chip điện tử), bộ não của các thiết bị điện tử sẽ giúp ngành công nghiệp điện tử trong nước phát triển và thoát ra khỏi công nghiệp gia công lắp ráp, công nghiệp “vặn ốc”.
Đó là trăn trở của Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ông Lê Mạnh Hà về những nỗ lực của TP khi thực hiện chương trình phát triển khoa học công nghệ (KHCN), nhất là lĩnh vực công nghệ cao (CNC) của TP.
Ông Lê Mạnh Hà cho biết với nhiều nỗ lực, đến nay TP đã hình thành và phát triển được các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng KHCN cao, hiện đại. Trong đó phải kể đến việc thành lập và đưa vào hoạt động Khu CNC, Khu phần mền Quang Trung, Viện Khoa học công nghệ tính toán và một đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các viện, trường và doanh nghiệp trên địa bàn.
Hiện Khu Công viên phần mềm Quang Trung và Khu CNC đã thu hút được các dự án với sự có mặt của các công ty lớn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ như Intel, IBM, HP, KDDI, Nidec, Jabil…và nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước khác.
Năm 2012, doanh thu toàn ngành công nghệ thông tin của thành phố đã đạt khoảng 86.000 tỷ đồng, tăng 63% so năm 2011.
Hàng điện tử Việt Nam hiện đã xuất khẩu sang hơn 50 nước trên thế giới nhưng giá trị gia tăng rất thấp vì phải nhập khẩu hầu hết nguyên liệu và chủ yếu là lắp ráp. Doanh nghiệp điện tử nội địa trong những năm qua gần như không phát triển.
Nếu chúng ta sản xuất được vi mạch (chip điện tử), bộ não của các thiết bị điện tử sẽ giúp ngành công nghiệp điện tử trong nước phát triển và thoát ra khỏi công nghiệp gia công lắp ráp, công nghiệp “vặn ốc”
Chip điện tử hiện nay được sử dụng rất phổ biến trong cuộc sống từ các thiết bị cao cấp như điện thoại di động, ti vi thông minh đến các thiết bị gia dụng như máy lạnh, máy giặt, quạt, tủ lạnh. Các thẻ điện tử dùng hàng ngày như sim card của điện thoại di động, thẻ ngân hàng… cũng được làm từ chip điện tử.
Việt Nam là thị trường lớn với trên 80 triệu dân, các thiết bị điện tử được dùng rất rộng rãi nên rất thuận lợi cho phát triển công nghiệp vi mạch. Bên cạnh đó, yêu cầu về bảo mật thông tin cũng buộc chúng ta phải phát triển ngành này. Các chip điện tử dùng cho an ninh, quốc phòng được sản xuất từ nước ngoài là nguy cơ lớn về mất an toàn thông tin.
Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TP HCM gồm có nhiều dự án, đề án: Đào tạo nguồn nhân lực vi mạch, vườn ươm tạo doanh nghiệp vi mạch, phát triển thị trưởng, thiết kế và sản xuất thử nghiệm, xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch…
Nhu cầu nhập linh kiện bán dẫn ở Việt Nam năm 2012 ước khoảng 2 tỷ USD. Khi đi vào hoạt động, nhà máy này sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 1,8 tỷ con chíp/năm, doanh thu khoảng 90 triệu USD và khi thị trường phát triển sẽ nâng công suất lên gấp đôi (3,6 tỷ con chip/năm, doanh thu 180 triệu USD), góp phần giảm bớt nhập khẩu sản phẩm vi mạch như hiện nay.
Theo ông Lê Mạnh Hà, phát triển được ngành công nghiệp vi mạch chúng ta sẽ tạo được bước đột phát trong phát triển công nghiệp CNTT và công nghiệp điện tử trong nước. Việc này có ý nghĩa rất lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH của TP và cả nước.
Hiện Khu CNC của TP HCM đã sẵn sàng về hạ tầng cho việc xây dựng nhà máy, còn Trung tâm Nghiên cứu thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP HCH đang thực hiện thiết kế và sản xuất thử nghiệm.
Để thúc đẩy ngành CNC phát triển, TP đã ban hành Chương trình phát triển công nghệ thông tin – truyền thông giai đoạn 2012 – 2015. Trong đó, trọng tâm của Chương trình này là xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung 2 và chuỗi công viên phần mềm Quang Trung tại một số địa phương khác trong nước.
Bên cạnh đó, TP cũng đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013 – 2020 với kỳ vọng tạo bước đột phá trong công nghiệp phần cứng bao gồm cả công nghiệp điện tử.
Hiện TP đang thực hiện hỗ trợ 30% chi phí cho các sản phẩm thực sự chất lượng và sẽ có thêm cơ chế chính sách tốt nhất nhằm tạo đột phá trong phát triển lĩnh vực này.
Theo Cafef