Một tháng kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, gây ra xáo trộn hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại…. trong nước. Tuy nhiên, thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội vào sáng nay, 2/6, nhiều đại biểu Quốc hội vẫn tự tin vào sự phát triển của nền kinh tế. Mặt khác, các đại biểu cũng nhấn mạnh việc phải khơi dậy động lực để nền kinh tế phát triển.
Đại biểu Vũ Viết Ngoạn. Ảnh: Đức Thanh |
Đại biểu tỉnh Khánh Hòa, TS. Vũ Viết Ngoạn một lần nữa khẳng định kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục ổn định.
Lấy số liệu tổng hợp từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nơi ông Ngoạn đang giữ vai trò chủ tịch, ông Ngoạn cho biết, nếu trừ đi sự biến động giá của lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa cơ bản và giá dịch vụ công thì chỉ số lạm phát cơ bản của Việt Nam khá ổn định kể từ năm 2012 trở lại đây với mức tăng 5,4% năm 2012; 5,1% năm 2013 và 4,47% trong 5 tháng đầu năm nay (so với cùng kỳ năm trước).
Lạm phát ổn định, theo ông Ngoạn, góp phần không nhỏ trong việc giữ ổn định thị trường vốn; giảm lãi suất; tăng cường xuất khẩu; gia tăng nhập khẩu thiết bị, máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất; phục hồi thị trường tài chính…
“Chúng tôi tiến hành phân tích báo cáo tài chính của 600 doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán và cho ra kết quả khá khả quan. Cụ thể, trong quý 4/2013, tỷ suất lợi nhuận của 600 doanh nghiệp này tăng tới 47%. Tình hình sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong 5 tháng đầu năm nay cũng khá lạc quan”, ông Ngoạn cho biết.
Trên bình diện quốc tế, ông Ngoạn cho biết, chỉ số đo mức độ rủi ro của trái phiếu do Chính phủ Việt Nam phát hành trên thị trường quốc tế vẫn giữ được sự ổn định suốt từ tháng 4/2013 đến nay.
“Điều này cho thấy, lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế nước ta vẫn tiếp tục duy trì ở mức độ khá tốt”, ông Ngoạn bình luận.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo. Ảnh: Đức Thanh |
Phó tổng giám đốc CTCP Ống thép Việt – Đức, đại diện cho cử tri tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá cao các chính sách, giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để bảo đảm các cán cân kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo ông Bảo, muốn tiếp tục duy trì được những thành quả đã đạt được, trước mắt phải đẩy mạnh đầu tư cho nền kinh tế.
“Tổng cầu cả tiêu dùng lẫn đầu tư của nền kinh tế yếu là một trong những hạn chế lớn nhất cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể cao hơn. Hiện chúng ta đang có trong tay một khoản tiền vô cùng lớn, lên tới 21 tỷ USD nhưng chưa giải ngân được, đó là nguồn vốn ODA. Chúng ta chưa hấp thụ được số vốn này là do chưa có vốn đối ứng. Vì vậy, một mặt tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho mọi tổ chức, cá nhân trong nước bỏ vốn ra làm ăn, chúng ta cũng phải đẩy mạnh đầu tư từ nguồn vốn có nguồn gốc ngân sách, đáp ứng đủ vốn cam kết cho các dự án sử dụng vốn ODA”, ông Bảo để xuất.
Theo ông Bảo, nền kinh tế còn nhiều dư địa để bứt phá mạnh hơn nữa nếu xây dựng được một số đặc khu kinh tế.
“Trong thời gian tới, phải khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo tiền đề xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc”, ông Bảo kiến nghị.
Nhắc lại các kết quả mà nền kinh tế đã đạt được kể từ đầu năm 2013 tới nay như lạm phát được kiềm chế, thu ngân sách bảo đảm dự toán, lãi suất được giữ ở mức thấp, sản xuất tiếp tục đà tăng trưởng hợp lý… Đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm cho rằng, cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trên cả mặt trận kinh tế lẫn an ninh quốc phòng.
“Tuy nhiên, cử tri vẫn cảm thấy có gì hơi đáng tiếc đó là việc nhiều cơ chế, chính sách ban hành kịp thời, đúng mục đích, trúng đối tượng nhưng đi vào cuộc sống hơi chậm như việc cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước chẳng hạn”, bà Tâm nói.
Theo bà Tâm, nền kinh tế thiếu vốn là một hạn chế, trở ngại cần phải sớm được tháo gỡ, khơi thông. “Hiệu quả đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước được đánh giá là kém hiệu quả, gây lãng phí cho xã hội nên Chính phủ chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, lấy tiền đầu tư vào nhưng lĩnh vực khác và trả lại quyền sản xuất, kinh doanh, đầu tư cho khu vực kinh tế khác, nhưng tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn vẫn bị chậm”, bà Tâm phát biểu và bày tỏ sự đồng tình với chủ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với chương trình nông thôn mới; phát triển kinh tế biển; cho ngư dân vay ưu đãi để đẩy mạnh đánh bắt xa bờ…
Đại biểu Trương Văn Vở. Ảnh: Đức Thanh |
“Phải đẩy mạnh thoái vốn, cổ phần hóa mạnh hơn nữa, lấy tiền tập trung đầu tư phát triển khoa học – công nghệ phục vụ sản xuất”, Đại biểu Trương Văn Vở bày tỏ quan điểm đồng tình.
Ông Vở cũng thừa nhận, một trong những điểm sáng trong điều hành kinh tế – xã hội của Chính phủ trong hơn một năm qua là đã ban hành được nhiều chính sách kịp thời giúp nền kinh tế sớm phục hồi và nỗ lực hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa vào cuối năm 2015.
“Nền kinh tế cần thêm động lực mới – ông Vở nói – Muốn động lực được phát huy hết phải tuyệt đối tránh ba không là không bố trí vốn cho dự án không bảo đảm thủ tục; không để vượt chi trong khi thu lại không đạt kế hoạch đặt ra; và không bố trí nguồn lực mà không dựa vào lợi thế vùng miền”.
Ông Vở cho rằng, việc ông kiến nghị ba không là dựa trên thực tế nguồn lực chưa được sử dụng hết và còn bị thất thoát, lãng phí do kỷ cương, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, chưa xử lý, làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng nguồn lực nhà nước kém hiệu quả. “Như vấn đề đào tạo nghề, tạo việc làm chẳng hạn. Trong nhiều năm chưa năm nào tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt kế hoạch, nhưng năm nào chi cho lĩnh vực này cũng vượt dự toán”, ông Vở nói và cho rằng.
Muốn tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân, theo ông Vở, giải pháp trước mắt là các tổ chức tính dụng cần gia hạn nợ, giãn nợ, cơ cấu kỳ hạn trả nợ làm cơ sở cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vay tiếp. Có như vậy, doanh nghiệp mới mạnh dạn bỏ thêm một phần vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Baodautu