Biến khủng hoảng kinh tế thành cơ hội phát triển doanh nghiệp

Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, nếu doanh nghiệp biết tận dụng triệt để hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là giải pháp quản trị doanh nghiệp (ERP) thì có thể sẽ tìm ra nhiều hoạt động cho hoạt động kinh doanh.

Khi nền kinh tế biến động, thị trường cũng bị ảnh hưởng theo, khiến cho số lượng đơn hàng bị giảm sút. Bên cạnh đó là nợ khó đòi tăng lên do khách hàng không có khả năng thanh toán, các tài sản vốn có tính thanh khoản cao như cổ phiếu, trái phiếu cũng khó chuyển thành tiền mặt. Thậm chí có cá nhân, doanh nghiệp phá sản hoặc vỡ nợ, dẫn đến cán cân thanh toán thiếu hụt nghiêm trọng.

Khủng hoảng gây ra bất ổn, xáo trộn xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các cá nhân và doanh nghiệp rơi vào tình trạng này thường không nghĩ đến tăng trưởng mà chỉ nghĩ sao thoát ra khỏi sự cố.

Ở thời kỳ nào cũng vậy, một doanh nghiệp khỏe mạnh thường chủ đạo và ít chịu sự ảnh hưởng của khủng hoảng, cũng như tìm cơ hội phát triển.

Đối với những doanh nghiệp yếu ớt, sự ra đi, giải thể là điều chắc chắn sẽ phải xảy ra, nếu họ không kịp thời cải tổ để cứu vãn tình hình trước khi tạo đà đi lên. Tái cấu trúc đầu tiên sẽ phải là ở khâu tổ chức. Chính vì thế, một số nhà đầu tư nhảy vào mua những công ty đã có một thời khấm khá nhưng đang ốm yếu hoặc sắp phá sản để tái cấu trúc và tạo đà phát triển.

Trong khi đó, các doanh nghiệp còn “lành lặn” thì chuyển sang “thế phòng thủ” theo phản xạ tự nhiên để cầm chừng và nghe ngóng, và rất khó đưa ra quyết định mạo hiểm trong thời kỳ này. Chiến lược này chưa hẳn đã hay. Bởi nền kinh tế và xã hội thực chất là một cơ thể sống mãi mãi, khủng hoảng chỉ là điểm lắng cần thiết để sắp đặt lại trật tự và chọn lọc tự nhiên. Do vậy, có thể xem nó dấu chấm hết đối với một số doanh nghiệp, nhưng nếu nói nó là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp khác cũng không sai. Điều này phụ thuộc vào lãnh đạo của doanh nghiệp, họ muốn tự xếp mình vào đâu mà thôi.

Thật vậy, ở một góc nhìn khác, khủng hoảng đã là cơ hội hiếm hoi cho những doanh nghiệp “lành lặn” vươn lên vượt bậc, bứt ra khỏi bẫy “bình bình” của thời đại. Đây là lúc mà họ có thể tìm kiếm được cơ hội, tìm kiếm bàn đạp để bật dậy. Có nhiều hình thức để tìm kiếm cơ hội bật dậy trong thời điểm này, một số coi đào tạo là phương thức tốt để chuẩn bị cho bệ phóng mới, một số coi mở rộng nhiều kinh doanh mới để thử nghiệm các đường hầm khác…

Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, đầu tư vào ERP có thể được xem là một xử lý thông minh để tạo ra cơ hội cướp thời cơ chứ không phải đi tìm cơ hội nữa. Điều này cũng dễ hiểu, bởi một khi đầu tư vào ERP là doanh nghiệp luôn xem trọng sự phát triển vững chắc. Hơn nữa, với ERP, doanh nghiệp có thể tái cấu trúc theo chuẩn mực, hay đào tạo thực tế, và có nhiều thời gian tập trung phát triển ngành nghề lẫn thế mạnh của mình. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp nhanh chóng tung ra nhiều chiến dịch bán hàng hấp dẫn, thu hút người mua trước các đối thủ đang bị lúng túng trong quản lý.

Thời cơ đến là lúc doanh nghiệp đã sẵn sàng vào bệ phóng, phải dành ngay lấy nó; khi thời cơ đến mà chưa có bệ phóng thì quay lại lối cũ. Vậy thì bạn nên đặt mình vào vị trí nào, đi đâu, về đâu? Đó là quyết định mà chỉ có chủ doanh nghiệp mới có thể quyết định được, không nên giao phó vận mệnh của mình cho người khác và càng không nên phó mặc cho số mệnh… Thời cơ may mắn luôn thuộc về người có xử lý thông minh nhất!

Lê Ngọc Quang

Theo khoahocphothong.com.vn