Robert Grant, tác giả cuốn Phân tích chiến lược đương đại cho rằng, nghệ thuật chiến tranh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cuốn cẩm nang đáng để giới doanh nhân học hỏi. Và thực tế, Doanh nhân VN đã và đang vận dụng bài học nghệ thuật chiến tranh của Tướng Giáp trong kinh doanh như thế nào?
Bài học “lấy yếu, chế mạnh”
Việc coi nghệ thuật chiến tranh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cuốn cẩm nang đáng để giới doanh nhân học hỏi là một đúc rút rất có ý nghĩa và sát với tình hình thực tế hiện nay.
Tinh thần, tư tưởng chủ đạo của nghệ thuât chiến tranh nhân dân do Đại tướng Võ Nguyên Giáp xây dựng và phát triển lên tầm nghệ thuật chính là trường kỳ mai phục, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại, đánh chắc, thắng chắc… Nó được minh chứng bằng thắng lợi vĩ đại của dân tộc VN trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam. |
Theo tôi, tinh thần, tư tưởng đó cần được các DNVVV vận dụng vào hoạt động kinh doanh của mình. Bởi trong điều kiện hiện nay, nếu so sánh với DN các nước, DN VN khá yếu thế cả về quy mô vốn, công nghệ, thị trường, kỹ năng quản lý… Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng bài học lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh. Để có thể cạnh tranh thành công và thắng trên thương trường bằng việc lựa chọn những thế mạnh của mình, thị trường ngách để phát huy như các lợi thế vốn có. Ví dụ các mặt hàng nông sản thực phẩm nhiệt đới: hoa quả, thủy hải sản, rau…
Ông Cao Sĩ Kiêm – Ủy viên UB Kinh tế của Quốc hội: Cần có những phân tích, đánh giá để tổng kết và chuyển hóa tư tưởng, tinh thần của Đại tướng thành lý luận thực tiễn có thể áp dụng trong hoạt động kinh tế. |
Trong giai đoạn vừa qua, cũng đã có một số DN áp dụng thành công tinh thần, tư tưởng trên vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng chưa phổ biến, tự phát và chưa có tính hệ thống.
Tôi cho rằng, để phát huy một cách hữu ích và hiệu quả nghệ thuật chiến tranh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong thời gian tới, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế và các DN cần phải có những phân tích đánh giá để tổng kết và chuyển hóa tư tưởng, tinh thần của Đại tướng thành lý luận thực tiễn có thể áp dụng trong hoạt động kinh tế. Trên cơ sở đó các DN có thể vận dụng một cách có hệ thống, phát huy hơn nữa sức mạnh của các DN VN trên thị trường trong nước và quốc tế.
4 điều doanh nhân nên học từ Đại tướng
Nói tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp là phải nói tới chiến thắng Điện Biên Phủ, theo tôi có 4 điều mà các doanh nhân ngày nay nên học hỏi từ Đại tướng.
Thứ nhất là ý chí dám chiến đấu, tự tin vào bản thân… kể cả với đối thủ mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Cho dù biết là sẽ khó khăn nhưng phải nghĩ rằng mình phải chiến đấu và tin rằng sự chiến thắng sẽ đến.
Thứ hai cho dù phải chiến đấu với những đối thủ mạnh hơn mình nhưng đó không phải bằng sự “liều” mà phải bằng trí tuệ, phải tính toán sao cho hợp lý. Tức là mình dám chiến đấu cho dù khó khăn “ngất trời” đằng trước
Ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế TƯ: Hình ảnh các bạn trẻ trong dòng người đổ về nhà Đại tướng tưởng niệm là hình ảnh ấn tượng với một niềm tin vào tương lai của dân tộc VN. |
Thứ ba với trí tuệ như vậy, mình sẵn sàng tìm ra một phương án tối ưu và sẵn sàng thay thế kể cả phải thay những phương án đã có niềm tin và đã được tính toán trước đó, nhưng phải có giải trình rất rõ nếu trong trường hợp phải thay thế phương án.
Thứ tư, nói tới doanh nhân thì không thể nói tới sự chiến đấu như trong chiến tranh bởi nó gắn với sự hi sinh máu xương, nhưng dù ở hoàn cảnh nào thì con người cũng phải giữ nét nhân văn. Điều quan trọng nhất mà chúng ta học hỏi được ở Đại tướng đó là niềm tin vào sức mạnh đoàn kết của dân tộc.
Nhìn về dòng người đổ về nhà Đại tướng tưởng niệm, tôi chợt thấy một niềm tin vào sức mạnh trường tồn của dân tộc. Dù xã hội ngày nay còn đầy rẫy những thói hư, tật xấu nhưng nhìn vào dòng người đó tôi tin rằng xã hội chúng ta vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp. Đặc biệt, trong dòng người đó, không chỉ có những cựu binh từ nhiều tỉnh thành, mà lớp trẻ rất nhiều. Ngày nay, khi nhìn vào lớp trẻ người ta hay nghĩ tới một cái gì đó ngắn hạn, không có chiều sâu… nhưng với tôi, đó lại là hình ảnh ấn tượng nhất với một niềm tin vào tương lai của dân tộc VN.
Vận dụng cách tư duy chiến lược
Có thể nói, quyết định được coi là lớn nhất trong cuộc đời của tướng Võ Nguyên Giáp là chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sự quyết định táo bạo này cùng với sự hỗ trợ của toàn dân, đã tạo ra chiến thắng “lẫy lừng Điện Biên, chấn động địa cầu” ngày 7/5/1954 trước một lực lượng quân sự được trang bị vũ khí mạnh nhất thời bấy giờ. Vậy giới doanh nhân có thể học được gì từ quyết định chiến lược này? Theo tôi, chính là tư duy về chiến lược phát triển bền vững, hiệu quả, trong việc xây dựng phát triển nền kinh tế đất nước.
Ông Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý KTTW-Bộ KH&ĐT: Đã đến lúc các Tập đoàn, các TCty các DNNN lớn cần có tư duy chuyển hướng về chiến lược phát triển, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”. |
Nếu các DN xem “thương trường là chiến trường” thì các DNNVV của VN nên vận dụng cách tư duy chiến lược của tướng Giáp vào kinh doanh. Ví dụ, các DN trong nước có thể tìm tòi các thị trường ngách để tránh cạnh tranh và tích lũy vốn nhanh và khi có cơ hội thị trường vươn ra chiếm lĩnh thị phần. Đây chính là cách “đánh chắc, tiến chắc” và cho đến thời điểm này dù nền kinh tế suy thoái nhưng khu vực DN này vẫn đứng vững và tạo ra của cải cho xã hội.
Thực tế hiện nay cho thấy, các tập đoàn lớn các DNNN đua nhau đầu tư ngoài ngành, phát triển nóng, đầu tư ồ ạt chính là cách họ muốn “đánh nhanh, thắng nhanh” trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào. Đây là một hệ lụy và trong bối cảnh này các Tập đoàn DN lớn đã đổ bể vì không vận dụng binh pháp của tướng Giáp trong kinh doanh
Đã đến lúc các Tập đoàn, các TCty các DNNN lớn cần có tư duy chuyển hướng về chiến lược phát triển, từ “đánh nhanh, thắng nhanh” với những “cú đấm thép” của các tập đoàn kinh tế, sang “đánh chắc, tiến chắc” trên cơ sở lấy phát triển bền vững làm hàng đầu. Nếu làm được điều này, tôi tin rằng nền kinh tế đất nước phát triển vượt bậc.
Triết lý kinh doanh thời bình
Trước hết xin cám ơn báo DĐDN về cuộc đối thoại. Bản thân tôi là một cựu chiến binh, nay đứng đầu DN, đặc biệt tôi lại cùng xã với Đại Tướng, gia đình cũng có nhiều kỷ niệm với Đại Tướng. Vì vậy sự ra đi của Đại tướng không chỉ là tổn thất của cả dân tộc, mà còn là sự mất mát rất lớn của cả gia đình tôi.
Ông Lâm Chí Quang – Tổng giám đốc TCty máy động lực và máy nông nghiệp VN – VEAM: Phương châm “đánh chắc, thắng chắc” hết sức sống động cho triết lý kinh doanh thời kinh tế thị trường đối với các DN, doanh nhân. |
Có thể nói, chiến lược sáng suốt của Đại tướng trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã mang lại chiến thắng vĩ đại, quyết định toàn bộ cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phương châm đánh chắc, thắng chắc mang đậm dấu ấn không những trong chiến dịch Điện Biên Phủ mà còn hết sức sống động cho triết lý kinh doanh thời kinh tế thị trường cho các doanh nhân. Mỗi một dự án đầu tư, mỗi một thương vụ kinh doanh như một trận đánh. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, không nghiên cứu kỹ đối thủ, hay nói cách khác không biết mình, biết ta thì khả năng thành công hết sức mong manh. Cũng như trong chiến tranh, có trận thắng, có trận thua, mỗi doanh nhân cần dũng cảm đứng lên sau thất bại, rút ngay bài học kinh nghiệm để trận sau đi đến thắng lợi, không bị tổn thất về tài lực.
Có lẽ khi Đại Tướng qua đời, cả dân tộc mới có dịp suy ngẫm và chiêm nghiệm về một nhân cách vĩ đại hiếm có, một học trò vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự bao dung, rộng lượng đối với cán bộ chiến sỹ, tấm lòng trung kiên đối với đất nước, dân tộc, bình tĩnh và đầy lý trí trước những biến động của đất nước là những giá trị tinh thần to lớn cho toàn Đảng, toàn quân, doanh nhân. Qua tấm gương của Đại tướng, tôi mong mỏi mỗi chúng ta cần bao dung, độ lượng và đoàn kết hơn để đưa dân tộc vững bước đi lên như tâm nguyện đau đáu của Bác Văn trong suốt cả cuộc đời.
Có lẽ khi Đại tướng qua đời, cả dân tộc mới có dịp suy ngẫm và chiêm nghiệm về một nhân cách vĩ đại hiếm có, một học trò vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
(Theo DĐDN)