Cổ phần hóa cần vốn ngoại?

Cơ cấu sở hữu vốn tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ được thay đổi theo hướng giảm sở hữu nhà nước, nới “room” cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài… Quá trình cổ phần hóa (CPH) ì ạch bấy lâu được kỳ vọng có thể “hanh thông” và hiệu quả hơn.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, cho biết trong 10 năm qua, số lượng DNNN đã giảm mạnh từ 12.000 DN xuống còn hơn 1.300 DN khi tiến hành sắp xếp, CPH. Để đẩy nhanh quá trình này, Chính phủ sẽ quy định mức trần sở hữu vốn tại DN ở một số ngành, lĩnh vực để thu hút các DN ngoài nhà nước, cổ đông nước ngoài tham gia.

Ì ạch… cổ phần hóa

Theo ông Đam, CPH DNNN không có nghĩa là phải bán hết cổ phần hay phải giữ lại tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước trong DN là 70% hay 51% (tỷ lệ cổ phần nắm quyền chi phối DN), mà mức sở hữu của các cổ đông sẽ được quy định tùy theo từng ngành, lĩnh vực CPH. Vai trò chủ đạo, nòng cốt của Nhà nước không chỉ nằm ở quy mô và số lượng của DN. Ở nước ngoài, cổ đông nhà nước không nhất thiết phải nắm cổ phần lớn, và dù chỉ chiếm 1% vốn cổ phần thì vẫn được quyền quyết định. Điều quan trọng là sau CPH, DNNN hoạt động hiệu quả hơn, đủ sức dẫn dắt nền kinh tế.

Thông điệp từ Chính phủ cho thấy nhà điều hành đang muốn gỡ “nút thắt” trong vấn đề sở hữu cổ phần diễn ra chậm chạp, bế tắc. Nhất là CPH các tập đoàn, tổng công ty có quy mô vốn lớn. Trên thực tế, quá trình CPH chỉ diễn ra mạnh mẽ trong giai đoạn 2001 – 2006, hiện đang có xu hướng chậm lại. Bằng chứng là trước năm 2006, có gần 3.000 DN được chuyển đổi mô hình từ 100% nhà nước sang công ty cổ phần, công ty TNHH MTV, sáp nhập, hợp nhất, bán… Nhưng từ năm 2006 đến nay, số lượng DNNN được CPH chưa đến 1.000 DN. Trong đó, năm 2011 CPH được 60 DN, năm 2012 được 30 DN và chỉ CPH được 8 DN trong 7 tháng đầu năm 2013. Nguyên nhân chậm CPH là do thực tế triển khai có nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, như: quy định thời gian xác định giá trị quyền sử dụng đất, quy mô vốn của DN, đối chiếu công nợ khi xác định giá trị DN, chưa tách bạch giữa nhiệm vụ công ích và nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…

Hơn nữa, thời gian qua, một số DNNN lớn đã thất bại trong nỗ lực thoái vốn, bán cổ phần tại các công ty thành viên, công ty liên kết. Mới đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã không thể bán đấu giá 24 triệu cổ phần sở hữu tại Ngân hàng Techcombank, vì chỉ có 1 NĐT đăng ký tham gia đấu giá. Trước đó, các DNNN lớn như EVN, Handico, Vinaconex… cũng chưa thể bán được cổ phần trong ngân hàng, công ty tài chính, khiến tiến trình thoái vốn ngoài ngành bị chậm lại.

Dựng “rào” ngăn “thâu tóm”

Vấn đề CPH đang trở nên nóng hơn với các DNNN thuộc lĩnh vực viễn thông, ngân hàng. Đối với lĩnh vực viễn thông, Bộ TT&TT dự kiến sẽ tiến hành tái cơ cấu VNPT theo hướng tách ra thành một DN viễn thông mạnh và một tập đoàn mạnh. Hiện VNPT đang sở hữu 2 mạng viễn thông lớn là Vinaphone và Mobifone. Theo Nghị định 25, VNPT không được cùng sở hữu 2 mạng di động, mà buộc phải CPH một trong 2 đơn vị này và chỉ được sở hữu tối đa 20% cổ phần mạng di động được CPH. Đây sẽ là cơ hội cho các NĐT nước ngoài nhảy vào thị trường viễn thông Việt Nam vốn còn nhiều tiềm năng phát triển. Vấn đề là VNPT đang khó định giá trị của 2 mạng di động để tính giá trị vốn cổ phần. Và việc phải rút bớt vốn khỏi Vinaphone hay Mobifone sẽ là một quyết định “đau đớn”.

Với lĩnh vực ngân hàng, hàng chục ngân hàng lớn nhỏ đã được CPH trong giai đoạn trước, nay lại đối mặt với vấn đề nan giải của tái cơ cấu. Trong vòng 2 năm qua, nhóm 9 ngân hàng yếu kém đầu tiên đã được thử nghiệm cơ cấu lại theo hình thức mua bán, sáp nhập, hợp nhất. Thế nhưng, theo các chuyên gia tài chính, nếu tái cơ cấu ngân hàng chỉ dừng ở “phép cộng” 2 cá thể thành 1 thì vẫn chỉ là kiểu “bình mới, rượu cũ”, không tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá cho hệ thống ngân hàng, mà cần có sự tham gia của những NĐT chiến lược mới là hướng đi lâu bền.

Để thu hút thêm nhiều nguồn lực, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết Chính phủ sẽ quy định mức trần cổ phần sở hữu tại DN, mở rộng cửa cho các DN ngoài nhà nước, cổ đông nước ngoài tham gia. Đơn cử, 3 ngân hàng cổ phần quốc doanh lớn là Vietinbank, Vietcombank, BIDV cũng đã CPH, bán vốn cho NĐT nước ngoài. Tuy vậy, cổ đông nước ngoài và nhóm cổ đông liên quan hiện chỉ được phép sở hữu tối đa 30% vốn ngân hàng, cũng hạn chế quy mô đầu tư của họ. Do đó, Chính phủ đang xem xét để nâng trần sở hữu cho khối ngoại tại ngân hàng.

Nới “room” sở hữu cho khối ngoại lên mức bao nhiêu là phù hợp? Khi mở cửa cho khối ngoại, nhiều ý kiến lo ngại các ngân hàng có thể bị cổ đông ngoại thâu tóm, từ đó thao túng thị trường tài chính. Vì dù có áp trần tỷ lệ sở hữu, nhưng các cổ đông ngoại vẫn có thể nắm quyền kiểm soát DN thông qua hình sở hữu chéo, mà chúng ta đã có bài học đắt giá. Do thế, dựng rào cản kỹ thuật để giám sát chặt sự tham gia của cổ đông ngoại trong DN quan trọng hơn là chỉ “dọn cỗ, mời khách” đến nhà.

Theo TBKD