Các nền kinh tế mới nổi tăng trưởng chậm

Tăng trưởng tại các thị trường mới nổi đang chậm lại và xuống thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính. Trong đó, nguyên nhân là do kinh tế Trung Quốc ngày càng đi xuống, các nền kinh tế ở Đông Âu và Mỹ Latinh chưa thoát khỏi suy thoái.

w620h405f1c1-files-articles-2014-1084409-a35emerging-mk

Financial Times dẫn lời các chuyên gia kinh tế Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, các nền kinh tế mới nổi đang bước vào một kỷ nguyên mới với tốc độ tăng trưởng chậm hơn.

Dữ liệu từ 19 nền kinh tế mới nổi của Công ty Nghiên cứu Capital Economics cho thấy sản lượng công nghiệp trong tháng 8 và chi tiêu tiêu dùng trong quý II đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tháng cũng giảm mạnh.

Những xu hướng này đang góp phần làm cho “tăng trưởng chậm lại đang trở thành một xu hướng có tính cố định trong nhóm các nền kinh tế năng động nhất thế giới”.

Christine Lagarde, Giám đốc Điều hành của IMF, cho biết, đã có “một sự suy giảm lớn rất rõ ràng ở các nước như Brazil và Nga”. Việc Mỹ kết thúc nới lỏng định lượng sẽ tạo ra biến động lớn cho các nền kinh tế mới nổi.

Theo George Magnus, cố vấn cấp cao của UBS, IMF đã điều chỉnh giảm dự báo về tăng trưởng EM trên 6 lần kể từ cuối năm 2011. Mặc dù số liệu thống kê chính thức tổng sản phẩm quốc nội trong quý III chưa được công bố nhưng dự báo là ảm đạm.

Tỷ lệ tăng trưởng GDP hằng năm của Trung Quốc trong quý này đạt khoảng 6,8%, giảm từ 7,5% trong quý II. Trong khi đó, GDP của Brazil dự kiến đạt 0,3% trong năm nay, giảm so với con số 2,5% trong năm 2013.

Sự suy thoái nhanh nhất đã đến với châu Âu, nơi mà nền kinh tế trụ cột Đức có sản lượng công nghiệp giảm 4% trong tháng 8.

Thị trường Mỹ Latinh cũng chứng kiến sản lượng công giảm mạnh, một phần là do suy giảm nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc và do nhu cầu tiêu dùng trong khu vực cũng đang chậm lại trong bối cảnh lạm phát cao.

bieu-do-tren

Theo Capital Economics, các nền kinh tế mới nổi tại châu Á khả quan hơn cả khi có mức tăng trưởng sản lượng công nghiệp đạt 5% trong tháng 8. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng của khu vực này bắt đầu giảm khi cỗ máy sản xuất Trung Quốc giảm nhịp và đang loạng choạng vì nợ công.

Nền kinh tế phát triển quá nóng của Trung Quốc đã tạo ra những khoản vay khổng lồ. Nợ của cả nước, bao gồm nợ của chính phủ, công ty và hộ gia đình, đã vượt quá GDP từ năm 2008, và hiện nay đã đạt mức 250% tổng thu nhập quốc dân.

Theo nhận định của The Economist, số nợ đáng báo động này có thể “biến hệ thống tài chính của Trung Quốc thành một cái xác biết đi”.

Bên cạnh đó, đồng USD đã tăng giá kể từ sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu tiến gần hơn đến đợt nâng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2006.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri nhận định rằng, có thể các quốc gia đang phát triển ở châu Á sẽ phải hy sinh tăng trưởng trong một vài năm tới để tập trung giữ vững sự ổn định của nền kinh tế khi FED nâng lãi suất.

Lời cảnh báo của ông Barsi khiến người ta nhớ đến giai đoạn một năm về trước, khi khả năng chấm dứt gói QE3 của FED khiến nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn ra khỏi các nền kinh tế đang nổi, tạo nên xu hướng lao dốc của thị trường chứng khoán và tiền tệ châu Á.

Theo Michael Power, chiến lược gia tại Investec Asset Management, việc nới lỏng định lượng của FED và nhu cầu hàng hóa từ Trung Quốc giảm là hai yếu tố chính chịu trách nhiệm về suy giảm tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.

Tuy nhiên, đây là sự suy thoái theo chu kỳ và tăng trưởng dân số. Phát triển cơ sở hạ tầng và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đô thị cuối cùng sẽ lấn át được nhược điểm này.

Theo DNSG