Cái giá phải trả của sự độc quyền kinh tế

Chính sự độc quyền, ưu ái thái quá trong một số lĩnh vực, một số tập đoàn kinh tế lớn, mà xã hội từng phải trả giá không nhỏ. Các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng từng mất rất nhiều thời gian để xử lý những sai phạm, những vi phạm pháp luật làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của các tập đoàn kinh tế

LTS: Câu chuyện “cởi trói” độc quyền trong ngành BCVT mà ông Mai Liêm Trực kể lại chính là minh chứng cho vấn đề: Chỉ có cạnh tranh lành mạnh mới góp phần tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Việc duy trì độc quyền đã và đang để lại những hệ lụy gì, tháo gỡ dần ra sao? Xin trân trọng giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Trần Bạt.

Trong Thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh quyết tâm xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp và những cơ chế chính sách tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh và tiếp cận nguồn lực. Mục tiêu là tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, nâng cao hiệu quả của khu vực kinh tế nhà nước, góp phần ổn định và tái cơ cấu nền kinh tế vĩ mô.

Đó cũng là đòi hỏi, là mong muốn của nhiều bộ phận xã hội.

Phải giải quyết nhiều bài toán

Tập đoàn Microsoft cũng từng nhiều lần bị kiện về duy trì tình trạng độc quyền khi mà các sản phẩm của họ chiếm một tỷ trọng  quá lớn đến bất thường.

Vậy trong nền kinh tế thì sao? Độc quyền phản ánh dấu hiệu sự bất bình đẳng trong một nền kinh tế.

20140910160201-docquyen

Chúng ta đang vận động thế giới thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Bản chất cốt lõi của nền kinh tế thị trường là sự bình đẳng giữa các thành phần, các khu vực kinh tế. Muốn vậy phải chống độc quyền.

Chống độc quyền là để duy trì động lực của nền kinh tế thị trường, đảm bảo cho thị trường dịch chuyển một cách tự do. Nói cách khác, nền kinh tế thị trường là một nền kinh tế cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực, các thành phần. Nếu vẫn tồn tại hiện tượng độc quyền  thì nền kinh tế ấy khó có thể được thế giới công nhận là kinh tế thị trường đúng nghĩa.

Để chống độc quyền, nhà nước không chỉ nhìn nhận nó như một hiện tượng kinh tế đơn giản. Bởi nó là hệ quả của tư duy trong quản lý xã hội.

Do đặc thù là một nước văn minh nông nghiệp, 80% dân số là nông dân, Việt Nam không có lịch sử nền kinh tế thị trường.

Công cuộc đổi mới cơ chế quản lý, từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường có định hướng XHCN là một bước tiến lớn, đáng ghi nhận trong lịch sử phát triển kinh tế- xã hội VN.

Nhưng nói cho công bằng, đến thời điểm hiện nay, kinh tế thị trường VN còn phải tiếp tục điều chỉnh, nhằm tạo ra môi trường bình đẳng, cạnh tranh giữa các khu vực, các thành phần kinh tế. Và đây cũng là một điều kiện quan trọng, có ý nghĩa tiên quyết cho việc sắp tới VN tham gia vào TPP (Hiệp định đối tác kinh tế chiến lựợc xuyên Thái Bình Dương)

Chính sự độc quyền, ưu ái thái quá trong một số lĩnh vực, một số tập đoàn kinh tế lớn, mà xã hội từng phải trả giá không nhỏ. Các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng từng mất rất nhiều thời gian để xử lý những sai phạm, những vi phạm pháp luật làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của các tập đoàn kinh tế Vinashin, Vinalines….

Tư duy kinh tế thời bao cấp dường như vẫn ngự trị sâu sắc trong cách nghĩ, cách hành động, ngay cả khi xã hội đổi mới, thiết lập nền kinh tế thị trường có điều tiết. Với quan niệm Nhà nước phải có sức mạnh tức thời, chủ đạo, do đó cũng rất cần có lực lượng kinh tế của Nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, sự ưu ái, yêu chiều khu vực kinh tế “anh cả’ này, đã làm nảy sinh rất nhiều vấn nạn, mà tham nhũng là vấn nạn tệ hại nhất. Làm lòng dân mất niềm tin và xã hội bất an.

“Con ngựa thồ” những giá trị… không thật

Trong quá trình nghiên cứu, tôi thấy rằng đi ngược với dòng tư duy “bao cấp, ôm đồm” này là tư duy kêu gọi phải tư nhân hóa nền kinh tế.

Theo tôi, đó là suy nghĩ chưa  chín chắn, thiếu am hiểu đặc thù kinh tế- chính trị- xã hội ở VN.

Trong nền kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân được tạo mọi điều kiện để phát triển, cạnh tranh lành mạnh. Nhưng bản thân khu vực kinh tế tư nhân hiện nay cũng còn rất nhiều vấn đề, còn rất nhiều khiếm khuyết, bạc nhược, mang tính cách của người Việt như dễ thỏa mãn, chụp giật, ăn xổi ở thì,  thiếu một tầm chiến lược đầu tư.

Người Việt Nam hiểu hơn ai hết rằng muốn xây dựng một nền kinh tế thị trường thì phải xóa bỏ độc quyền. Cho nên Thủ tướng có đưa ra chính sách tái cơ cấu nền kinh tế phù hợp với lộ trình cải cách, đó là đặt trong đó trọng tâm tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Trọng tâm của tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là cổ phần hóa, tức là tư nhân hóa ở một mức độ phù hợp theo đặc thù của Việt Nam.

Tôi đã từng có lần phát biểu tại một cuộc hội thảo về chủ đề tư nhân hóa nền kinh tế,  nguyên văn thế này: Nếu không thực sự xóa bỏ độc quyền, thì nền kinh tế Việt Nam trở thành con lừa thồ trên lưng những thứ không có giá trị thật, và những thứ ấy sẽ đè nặng trên lưng nền kinh tế Việt Nam.

Việc chống độc quyền trong kinh tế sẽ là hành trình khó khăn, vất vả, không dễ thực hiện và cũng khó thành công rực rỡ như mong muốn, nhưng chắc chắn chúng ta phải làm.

Nếu không, VN mãi luẩn quẩn trong cái bẫy thu nhập trung bình.

Theo Vietnamnet